Các bộ, ngành cần rút kinh nghiệm trong quá trình lập dự toán

(ĐTTCO)-Tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 13, sáng 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách trung ương của Chính phủ năm 2017 và việc phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2016. 
Các bộ, ngành cần rút kinh nghiệm trong quá trình lập dự toán
Thu hồi 867,942 tỷ đồng phân bổ không đúng quy định 

Theo Tờ trình của Chính phủ, một số dự án đầu tư của 5 bộ, ngành và 2 địa phương không giao được vốn do không đáp ứng các tiêu chí, nguyên tắc đã đề ra hoặc không có nhu cầu sử dụng, không thể điều chuyển trong nội bộ các đơn vị. Vì vậy, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thu hồi 867,942 tỷ đồng để điều chuyển cho các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu bố trí vốn. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với vốn trong nước, Chính phủ đề nghị thu hồi 179,985 tỷ đồng đã bố trí cho việc xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao và dự án đầu tư phát triển, mở rộng Nhà máy in tiền quốc gia của Ngân hàng Nhà nước bởi tiến độ giải ngân của 2 dự án trên rất thấp. Đến ngày 30/9/2016, giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn năm 2016 và đến hết ngày 25/1/2017, số vốn chưa giải ngân được năm 2016 còn khá lớn, đặc biệt là dự án của Ngân hàng Nhà nước. Đối với vốn ngoài nước, Chính phủ đề nghị thu hồi 687,957 tỷ đồng vốn ODA vay của Ấn Độ và các dự án Ô có cơ cấu hỗn hợp. 

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội nhận thấy việc phân bổ và giao dự toán không thực hiện được, phải điều chỉnh dự toán là do công tác xây dựng dự toán chưa sát, lập phương án phân bổ ngân sách trung ương chưa bám sát tiêu chí, nguyên tắc ưu tiên. Do vậy, vẫn tồn tại những dự án không có trong danh mục đầu tư công trung hạn hoặc không đủ thủ tục đầu tư vẫn được bố trí vốn. Đối với vốn ngoài nước, nhiều dự án hoàn thành hoặc kết thúc Hiệp định trong năm 2017 theo cam kết với Nhà tài trợ nhưng không được ưu tiên bố trí vốn hoặc bố trí không đủ. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí thu hồi 179,985 tỷ đồng đã bố trí cho dự án của Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước, chuyển cho các dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng của Bộ Quốc phòng và Ban cơ yếu Chính phủ, đây đều là các dự án cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ và sẽ hoàn thành trong năm 2017. Ủy ban Tài chính-Ngân sách cũng nhất trí với đề nghị của Chính phủ, thu hồi 687,957 tỷ đồng vốn ODA vay của Ấn Độ và các dự án Ô có cơ cấu hỗn hợp. 

Làm rõ nguyên nhân giải ngân vốn chậm 

Tán thành với việc thu hồi vốn của các dự án phân bổ không đúng nguyên tắc, không có nhu cầu sử dụng, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc xây dựng dự toán không sát và tiến độ thực hiện chậm, dẫn đến việc bố trí vốn cho các công trình, dự án có tốc độ giải ngân quá thấp ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn, buộc phải xem xét, điều chuyển vốn là chưa thật sự hợp lý. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành rút kinh nghiệm trong quá trình lập dự toán, bám sát các tiêu chí, nguyên tắc phân bổ vốn và tiến độ giải ngân theo đúng kế hoạch đã đề ra, đồng thời làm rõ nguyên nhân giải ngân vốn chậm của các dự án, từ đó có giải pháp khắc phục. 

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, giải dự toán, cắt dự toán là đúng, nhưng cũng phải tính toán đảm bảo nguồn lực trong cả kế hoạch trung hạn khi các dự án này đi vào hoạt động. Việc điều chuyển vốn thực hiện trên nguyên tắc các dự án điều chuyển nằm trong kế hoạch trung hạn, là dự án cấp bách về quốc phòng an ninh và phải hoàn thành trong năm 2017. Thu hồi là đúng nhưng phải làm rõ trách nhiệm, làm rõ chuyện phân bổ, phải bám vào căn cứ pháp luật để điều chuyển, không có dự toán mà phân bổ vốn là vi hiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng cần làm rõ nguyên nhân vì sao có tình trạng phân bổ không đúng quy định, phân bổ vượt tổng mức đầu tư của các dự án, trách nhiệm thuộc về cơ quan nào, việc tuân thủ quy định Luật Ngân sách Nhà nước có đúng không. 
“Chúng ta thấy là việc giao vốn có những cái sai. Chính phủ cũng đã rất nghiêm túc, khi thấy việc giao vốn không đúng thì đã đề nghị thu hồi, điều chỉnh. Chính phủ mà làm thinh những vấn đề này thì Ủy ban Thường vụ cũng chả biết. Có những mặt phê bình, có những phải mặt khen. Chính phủ đã làm việc nghiêm túc thì mới trình ra, trình ra thì bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê bình,” Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá. 

Phân tích 3 điểm sai, đó là chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư mà đã giao vốn kế hoạch; giao vốn cho Bộ Giáo dục và Đào tạo cả phần vốn thuộc địa phương thực hiện, chưa đúng quy định và bố trí vốn vượt tổng mức đầu tư của dự án, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ khuyết điểm thuộc trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, Ủy ban Tài chính-Ngân sách và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thẩm tra trình Quốc hội giao phân bổ ngân sách trung ương. 

“Sai là phải sửa, còn điều chỉnh như thế nào phải tính, tôi đề nghị phải thu hồi,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đồng thời nêu rõ Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tổng hợp, không quán xuyến được hết, phải tự nhận trách nhiệm, rồi phê phán các bộ, ngành, Ủy ban Tài chính-Ngân sách cũng phải nhận trách nhiệm khi thẩm tra. 

Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ đối với vốn ngoài nước có hiệp định vay, phải sử dụng đúng mục đích theo hiệp định vay. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ có kế hoạch bố trí vốn để giải quyết các sự cố do mưa lũ ở các tỉnh Tây Bắc vừa qua. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. 

Thẳng thắn thừa nhận việc tổng hợp, rà soát chưa sát tiêu chí, còn nể nang, nhiều khi không cương quyết, không đủ thủ tục nhưng do các bộ, ngành, địa phương cam kết nên vẫn bố trí; hướng dẫn chưa đầy đủ, rõ ràng để các địa phương thực hiện cho đúng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận trách nhiệm về vấn đề này. 

Hỗ trợ 7 địa phương hụt thu cân đối ngân sách 

Cũng trong phiên làm việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2016. 

Theo báo cáo của Chính phủ, ngân sách trung ương năm 2016 chỉ còn hụt 321 tỷ đồng so với dự toán, giảm nhiều so với số báo cáo Quốc hội vào tháng 10/2016 (hụt từ 8.000-10.000 tỷ đồng). Thu ngân sách địa phương vượt khá lớn (82,39 nghìn tỷ đồng, thuộc thẩm quyền quyết định phân bổ, sử dụng của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh) nhưng chủ yếu vượt thu từ đất. Tuy nhiên, vẫn có 12 địa phương bị hụt thu cân đối. Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương này sử dụng hết các nguồn lực tại chỗ và các nguồn lực hợp pháp khác để ổn định cân đối ngân sách, nhưng vẫn còn 7 địa phương hụt thu cân đối ngân sách địa phương do các nguyên nhân khách quan như giá dầu giảm, hạn hán, sự cố môi trường biển do Formosa gây ra… dẫn đến hụt thu cân đối lớn, chưa có nguồn để xử lý. 

Theo Ủy ban Tài chính-Ngân sách, việc Chính phủ trình phương án phân bổ nguồn kinh phí còn lại để hỗ trợ bổ sung bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước các cấp là cần thiết và hợp lý. Đây cũng là ý kiến chung của nhiều đại biểu. Song vẫn còn có những băn khoăn về việc đầu tư trở lại theo cơ chế tài chính đặc thù 500 tỷ đồng cho Thành phố Hồ Chí Minh. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đặt câu hỏi thực tế Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có vượt thu và có cơ chế tài chính đặc thù, căn cứ nào chỉ hỗ trợ đầu tư trở lại 500 tỷ đồng? 

Lý giải của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho thấy, căn cứ chế độ quy định và kết quả thu thực tế, năm 2016, Thành phố này được hỗ trợ đầu tư trở lại theo cơ chế tài chính đặc thù 2.216 tỷ đồng, quá lớn so với khả năng đáp ứng của ngân sách trung ương. Để khuyến khích và tạo điều kiện cho Thành phố có thêm nguồn đáp các nhu cầu chi cấp bách trên địa bàn; xét thực tế năm 2016 không thực hiện thưởng vượt thu phân chia cho ngân sách thành phố nên Chính phủ kiến nghị hỗ trợ 500 tỷ đồng. 

Từ nhìn nhận hỗ trợ đầu tư trở lại cho Thành phố Hồ Chí Minh 500 tỷ đồng cũng tương đương với 499 tỷ đồng vượt thu, lẽ ra Thành phố được thưởng mà không thưởng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng “chúng ta chưa thực hiện đúng luật lắm,” như thưởng vượt thu hay bù giảm hụt thu cân đối. Thực tế đó còn nhiều vấn đề cần làm rõ trách nhiệm. 

Quy định khi dự toán rồi thì không được ban hành chính sách mới để làm tăng thêm ngân sách không có trong dự toán. Nhưng ở đây có trường hợp ngược lại, chính sách mới chưa ban hành đã bố trí dự toán, dẫn đến chi sự nghiệp giáo dục có hơn 2.000 tỷ đồng vẫn chưa chi được, Chủ tịch Quốc hội chỉ ra, đồng thời yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành cần rút kinh nghiệm trong công tác lập dự toán, ban hành chính sách rồi mới bố trí.

Các tin khác