Buông lỏng hậu kiểm

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tính đến nay cả nước có 518 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bỏ lại tài sản và toàn bộ nghĩa vụ tài chính với tổng số vốn hơn 903 triệu USD để về nước mà không có bất kỳ thông báo nào. Tình trạng doanh nghiệp FDI vắng chủ đã xuất hiện từ nhiều năm nay và ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan quản lý vẫn tỏ ra lúng túng trong việc xử lý, giải quyết.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tính đến nay cả nước có 518 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bỏ lại tài sản và toàn bộ nghĩa vụ tài chính với tổng số vốn hơn 903 triệu USD để về nước mà không có bất kỳ thông báo nào. Tình trạng doanh nghiệp FDI vắng chủ đã xuất hiện từ nhiều năm nay và ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan quản lý vẫn tỏ ra lúng túng trong việc xử lý, giải quyết.

Sau khi con số thống kê trên được công bố, đã có một số giải pháp được đề xuất từ các nhà quản lý và nghiên cứu về FDI, như: bổ sung quy định chủ đầu tư các dự án được nhà nước giải phóng mặt bằng, các dự án sử dụng nhiều đất hoặc kinh doanh trong các lĩnh vực tác động lớn đến đời sống xã hội… sẽ phải ký quỹ, đặt cọc; bổ sung quy định cho phép cơ quan nhà nước, trực tiếp là các UBND các tỉnh, thành phố được xử lý giá trị còn lại của dự án theo hình thức đấu giá.

Số tiền có được sẽ được gửi vào tài khoản phong tỏa để xử lý theo quy định về tài sản vắng chủ. Xét trên góc độ lý thuyết, đề xuất này có vẻ thiết thực, nhưng nếu nhìn một cách tổng thể, chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề cần xem xét. Chẳng hạn, nếu yêu cầu nhà đầu tư phải đặt cọc, ký quỹ khi vào Việt Nam thì sẽ ảnh hưởng thế nào đến chính sách thu hút đầu tư và liệu nhà đầu tư có chấp nhận? Bên cạnh đó, các giải pháp, quy định pháp lý mới về quản lý FDI, nếu muốn đưa ra cũng cần được nghiên cứu kỹ để phù hợp với thông lệ đầu tư - kinh doanh quốc tế.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm quản lý và nghiên cứu FDI, TS. Phan Hữu Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định các giải pháp nêu trên nếu được áp dụng cũng là để giải quyết các tình huống khi vụ việc đã xảy ra, để "chữa bệnh" chứ chưa phải để "phòng bệnh". Muốn ngăn ngừa, xử lý hiệu quả tình trạng doanh nghiệp FDI bỏ trốn, cần tìm được căn nguyên sâu xa của “căn bệnh” này để có giải pháp trị tận gốc.

Theo TS. Phan Hữu Thắng, có thể nhận ra “lỗ hổng” nằm trong khâu quản lý sau cấp phép. Đó là khâu hậu kiểm, gồm các nội dung: hỗ trợ, kiểm tra và giám sát doanh nghiệp. “Lỗ hổng” được tạo ra từ sự thiếu phối hợp trong quản lý các doanh nghiệp FDI giữa các sở, ban, ngành tại các địa phương.

Theo quy định hiện hành, các sở, ban, ngành tại các tỉnh, thành phố theo chức năng nhiệm vụ của mình đều có trách nhiệm quản lý hoạt động của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn theo nhiệm vụ được phân công: Sở KH-ĐT quản lý về tiến độ triển khai dự án, về góp vốn; Sở Tài chính quản về thuế; Sở Công Thương về tiêu thụ sản phẩm và thị trường; Sở LĐ-TB-XH về lao động, tiền lương và việc làm…

Nhìn phân công trên thấy rất chặt, nhưng trong thực tế còn khá lỏng, nhất là khi các doanh nghiệp FDI đã đi vào hoạt động. Cụ thể là chưa có một cơ quan quản lý nhà nước nào trên địa bàn thường xuyên cập nhật để tổng hợp và nắm chắc được tình hình cũng như các biến động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp FDI trên địa bàn, bởi ngay cả Sở KH-ĐT thường vẫn được coi là cơ quan đầu mối quản lý, nhưng cũng không nắm kịp thời các thông tin về tình hình nộp thuế, xuất nhập khẩu, số lượng người lao động và chế độ tiền lương…

Việc quản lý sau cấp phép tại các địa phương hiện nay chủ yếu dựa vào các báo cáo của các doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp tuân thủ các quy định, trước hết là các quy định về chế độ báo cáo thống kê… thường không đầy đủ; nhiều doanh nghiệp không báo cáo cũng thiếu các quy định, chế tài xử lý.

Chính các “lỗ hổng” trong công tác hậu kiểm như vậy đã khiến các doanh nghiệp FDI khi xảy ra vấn đề dễ dàng bỏ trốn khỏi Việt Nam, để lại các hậu quả nghiêm trọng. Từ thực tế trên, có thể thấy rằng để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hiện tượng doanh nghiệp FDI có ý định bỏ trốn, trước hết cần xây dựng và ban hành quy chế phối hợp quản lý giữa các sở, ban, ngành có trách nhiệm ở địa phương với một đơn vị làm đầu mối thông tin.

Đối với việc quản lý hoạt động FDI trên toàn quốc, cần xây dựng một trung tâm xử lý thông tin về FDI và kết nối trung tâm này với các trung tâm tại các địa phương. Đồng thời, bổ sung các chế tài đủ mạnh để xử phạt các doanh nghiệp vi phạm chế độ báo cáo thống kê, có dấu hiệu làm ăn không minh bạch.

Các tin khác