Bước tiến dài hoạt động chất vấn

Theo danh sách được chốt lại cuối tuần trước, kỳ này có 4 bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn. Đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình.

Từ ngày mai 19-11, chương trình chất vấn tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội sẽ chính thức bắt đầu, dự kiến trong 3 ngày, dài hơn một số kỳ họp trước.

Theo danh sách được chốt lại cuối tuần trước, kỳ này có 4 bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn. Đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình.

Như thông lệ một số kỳ họp cuối năm, nếu có ý kiến của đại biểu, Thủ tướng Chính phủ sẽ tham gia trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chương trình chất vấn tại kỳ họp lần này có một điểm mới. Đó là Quốc hội sẽ dành một buổi để nghe Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5. Sau đó, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về nội dung này.

Sau đó, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về nội dung này. Mặc dù chỉ là một điều chỉnh nhỏ trong chương trình, nhưng có thể xem đây là một bước tiến dài trong hoạt động giám sát của Quốc hội. Còn nhớ, ở các phiên chất vấn tại Quốc hội khóa X hay khóa XI, chất vấn và trả lời chất vấn chủ yếu là dành thời gian cho các thành viên Chính phủ, các vị trưởng ngành đọc báo cáo trả lời các câu hỏi đại biểu đã gửi trước.

Thời lượng dành cho chất vấn trực tiếp không nhiều. Sau đó, tới Quốc hội khóa XII, hoạt động chất vấn dần được cải tiến, thời gian đọc báo cáo giảm đi để nhường cho phần chất vấn trực tiếp. Khái niệm “chất vấn tới cùng” được khuyến khích tại diễn đàn Quốc hội. Đi cùng với đó, yêu cầu “nghị quyết hóa” nội dung chất vấn cũng như “lời hứa” của những người trả lời chất vấn bắt đầu được đặt ra.

Tại những kỳ họp gần đây, các vị bộ trưởng, trưởng ngành đều được yêu cầu báo cáo kết quả việc thực hiện “lời hứa” của mình tại kỳ họp trước. Và tới kỳ họp lần này, không chỉ dừng ở việc nghe kết quả báo cáo, đại biểu Quốc hội sẽ được dành thời gian để thảo luận tiếp về các nội dung đó.

Nghĩa là nếu kết quả thực hiện “lời hứa” chưa thỏa mãn, hoặc có vấn đề mới phát sinh, đại biểu Quốc hội có quyền tiếp tục bày tỏ chính kiến của mình, cũng như đặt ra yêu cầu với người trả lời. Với cách làm đó, vấn đề chất vấn không chỉ được đặt ra tại một kỳ họp, mà các đại biểu của dân có thể theo đến cùng cho tới khi vấn đề chất vấn được giải quyết.

Về phía người trả lời chất vấn, trách nhiệm chỉ đạo điều hành sẽ phải sát sao hơn, kết quả rõ ràng hơn thay vì chỉ đưa ra một báo cáo chung chung. Chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung, hoạt động chất vấn nói riêng, qua đó sẽ tăng lên rõ rệt.

Bước cải tiến trong hoạt động chất vấn lần này được hoan nghênh và ủng hộ, nhưng không phải không có những băn khoăn trước phiên chất vấn. Đó là việc lựa chọn bộ trưởng, trưởng ngành nào ngồi vào “ghế nóng”? Trước và trong thời gian diễn ra kỳ họp, ngành y tế liên tục xảy ra những vấn đề gây bức xúc dư luận: Từ vụ tiêm vắc-xin gây tử vong 3 trẻ em ở Quảng Trị, tới vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện đa khoa Hoài Đức, và mới đây nhất là vụ bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường vứt xác bệnh nhân để phi tang.

Người dân cũng như nhiều đại biểu Quốc hội đều chờ đợi phát ngôn chính thức cũng như cam kết về chấn chỉnh tiêu cực, nâng cao y đức của “tư lệnh ngành”. Thế nhưng, đáng tiếc là trong danh sách trả lời chất vấn kỳ này, Bộ trưởng Bộ Y tế lại không có tên. Theo giải thích của ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, lý do là câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi tới vị nữ bộ trưởng này… quá ít (!?).

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, lời giải thích này là chưa thỏa đáng, và qua đó có một vấn đề cần được đặt ra. Đó là tiêu chí nào để chọn các “tư lệnh ngành” ra trả lời chất vấn tại diễn đàn Quốc hội?

Phải chăng dù vấn đề có gây bức xúc trong dư luận, nhưng nếu không nhận được nhiều ý kiến chất vấn thì cũng có thể bỏ qua? Điều này có lẽ nên được các đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên thảo luận về chất vấn sắp tới.

Các tin khác