Bữa sáng của Nghị Hưng và câu chuyện an dân

(ĐTTCO)-Ở kỳ họp Quốc hội thứ 7 của năm nay, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã làm nóng không khí nghị trường khi phát biểu: “Cán bộ lãnh đạo cao cấp mà thiếu gương mẫu, sống như thái tử, hoàng tử, sống như chúa tể rừng xanh, có người lợi dụng chức vụ quyền hạn để vun vén, sống xa hoa, đi nước ngoài ăn chơi bằng tiền ngân sách... thì thử hỏi làm sao cử tri và nhân dân có thể yêu mến, kính trọng”. 
Bữa sáng của Nghị Hưng và câu chuyện an dân
Và khi câu nói này của ông Nhưỡng còn đang gây tranh cãi, thì ngày 13-6, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, tác giả của ý tưởng “phí chia tay” 3-5USD khi công dân Việt Nam xuất cảnh, đã phát biểu: "Khoản phí mà mà tôi đề xuất thực sự là không nhiều, chỉ ngang một bữa ăn sáng”!
Nếu mỗi ngày ông Hưng ăn bữa sáng với giá 5 USD, nghĩa là một tháng ông đã giành một khoản tiền xấp xỉ 3,5 triệu đồng, gấp 3 lần chuẩn hộ nghèo thành thị và 4 lần chuẩn hộ nghèo nông thôn, chỉ để ăn sáng. Nói cách khác, ông Hưng ăn sáng bằng cả một hộ gia đình nghèo sinh sống trong một tháng. Nếu giả sử lương ông Hưng tương đương với bộ trưởng (15 triệu đồng/tháng), và phải nuôi thêm một người phụ thuộc thì thu nhập của ông không thể đáp ứng được ba bữa ăn trong một ngày.
Năm 1300, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trước khi mất đã để lại di chúc, tấu nghị lên vua Trần Anh Tông rằng: “Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”. Còn Nguyễn Trãi đã nói trong Bình Ngô Đại Cáo: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Trong di chúc để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã căn dặn: “Sau ngày thắng lợi, miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng”. Các bậc tiền nhân quả thật “thương dân như con”, trước lúc lâm chung đều trăn trở, âu lo cho cuộc sống của đồng bào.
Còn dường như gần đây, càng ngày sự chịu đựng của dân chúng càng bị thử thách khi những tin tức “đánh” vào cuộc sống và thu nhập vốn đã chắt chiu và ít ỏi của họ ngày càng nhiều. Sau một loạt sự gia tăng trong thuế, phí và giá cả của các mặt hàng thiết yếu, giờ đây đại biểu Nguyễn Quốc Hưng lại còn đòi thu thêm một khoản phí “chia tay” khi công dân của Việt Nam xuất cảnh, từ việc học tập kinh nghiệm của Nhật Bản.
Người Nhật họ rất thích du lịch, đặc biệt là người già rất thích đi du lịch ở nước ngoài, nên khi họ “chia tay” là để đi chơi, đi tận hưởng, đi tiêu tiền. Còn ta, đi nước ngoài làm gì? Không phải ai xuất cảnh cũng “sang chảnh” check-in ở Nội Bài hay Tân Sơn Nhất, mà còn hàng chục cửa khẩu với những nẻo đường biên giới heo hút và cạm bẫy. Xin hãy hỏi hàng ngàn người lao động ở Nghệ An, Hà Tĩnh “tha phương cầu thực”, và cứ mỗi 6 tháng phải về làm “thủ tục” rồi lại tất tả ra đi để biết họ “chia tay” để làm gì? Để đi kiếm miếng ăn, để bán sức, để tìm một con đường khác.
Và nếu đã học tập kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc thu phí thì để cho công bằng, trước hết phải làm cho người dân Việt Nam được thụ hưởng chất lượng cuộc sống, phúc lợi xã hội về y tế, giáo dục, môi trường như người dân Nhật Bản đã. 
Xin hỏi ông Hưng rằng, tuổi thọ bình quân của người Nhật và người Việt chênh lệch bao nhiêu? Một năm ở Nhật có bao nhiêu người chết vì tai nạn giao thông? Chất lượng bệnh viện ở Nhật thế nào? Trẻ em Nhật đến trường được học những gì và người già được chăm sóc ra sao? Xin ông Hưng hãy nghĩ về các câu trả lời cho những câu hỏi đó trước khi nói đến “học tập kinh nghiệm Nhật Bản trong việc thu phí chia tay”.
Và một câu hỏi thú vị nữa là trình độ làm Luật của ta và Nhật chênh lệch nhau bao nhiêu? Năm nào Quốc Hội của chúng ta họp cũng bàn đến việc sửa Luật, có những bộ luật vừa mới ban hành đã chứa đựng nhiều bất cập và phải sửa, để rồi các vị đại biểu cứ loay hoay với vòng xoáy “ngẫu hứng lý ra luật” rồi sửa luật, mà mỗi lần như vậy thì dân chúng, doanh nghiệp và cả bộ máy công quyền phải khốn đốn thế nào? Còn ở Nhật, có những bộ luật tuổi thọ trung bình lên đến 20-30 năm. 
Tôi rất tâm đắc khi chuyên mục Thời luận của Báo ĐTTC số ra ngày 10-6 cũng đã bình luận về vấn đề này: “… Một luật ban hành nếu thiếu tính ổn định sẽ rơi vào tình trạng thực hiện mới 1, 2 năm phải sửa, luật đang thi hành cũng phải sửa, thậm chí luật vừa mới ban hành đặt ra vấn đề phải sửa vì không phù hợp với thực tiễn. Thực tế này thời gian qua đã diễn ra khá nhiều, một số luật không bảo đảm chất lượng và tính ổn định, thể hiện nội dung còn mang tính tuyên truyền, khẩu hiệu, thay vì ban hành các quy phạm là những quy tắc xử sự chuẩn mực để làm khuôn mẫu cho việc thi hành. Vì vậy dẫn đến tình trạng tùy tiện, lạm quyền lợi ích nhóm nảy sinh từ những bất cập này…”.
Mong rằng các vị đại biểu của nhân dân trước khi đưa ra các kiến nghị, đề xuất, sửa luật, ban hành luật liên quan đến túi tiền của dân hãy khoan thư sức dân, chớ đừng khoan đục lòng dân.
--------------------
(*) Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng trường Đại học Kinh tế TPHCM

Các tin khác