Bội chi ngân sách 6 tháng: Tín hiệu khả quan

Việc bội chi ngân sách 6 tháng đầu năm thấp so với dự toán cả năm và so với GDP đã góp phần kiềm chế lạm phát, góp phần làm cho tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) chậm lại trong tháng 5, chậm tiếp trong tháng 6 và có khả năng chậm tiếp nữa trong các tháng tới.

Việc bội chi ngân sách 6 tháng đầu năm thấp so với dự toán cả năm và so với GDP đã góp phần kiềm chế lạm phát, góp phần làm cho tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) chậm lại trong tháng 5, chậm tiếp trong tháng 6 và có khả năng chậm tiếp nữa trong các tháng tới.                                                                            

Bội chi ngân sách là chỉ tiêu có tầm quan trọng hàng đầu trong hệ thống chỉ tiêu kế hoạch và thống kê của quốc gia. Việc thông tin, phân tích, dự báo thường xuyên, kịp thời về chỉ tiêu này là rất cần thiết.

Theo công bố của Bộ Tài chính, tỷ lệ thực hiện 6 tháng so với dự toán cả năm của thu, chi và bội chi ngân sách nhà nước như sau (xem biểu đồ):

Từ các con số trên, có thể rút ra một số nhận xét đáng lưu ý.

Thứ nhất, bội chi ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm ước đạt 27,78 nghìn tỷ đồng. Con số này mới bằng 23% dự toán cả năm - chưa bằng một nửa tỷ lệ thực hiện so với dự toán cả năm của tổng thu và tổng chi ngân sách nhà nước. Bội chi ngân sách nhà nước so với GDP trong 6 tháng đầu năm ước đạt 2,6%.

Đây là con số thấp chỉ bằng một nửa so với chỉ tiêu do Quốc hội giao cả năm (5,3%), là tín hiệu khả quan để thực hiện chỉ tiêu phấn đấu giảm bội chi xuống còn dưới 5,3% của Chính phủ trong năm nay.

Thứ hai, mức và tỷ lệ bội chi thấp so với dự toán và so với GDP trước hết do kết quả tích cực từ việc thu ngân sách. Tổng thu ngân sách nhà nước ước 6 tháng đầu năm 2011 đạt 327,82 nghìn tỷ đồng, bằng 55,1% dự toán cả năm và tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Thu nội địa ước đạt 202,54 nghìn tỷ đồng, bằng 53% dự toán cả năm. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 50,8%; thu thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước đạt 51,8%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 48%; thu thuế thu nhập cá nhân đạt 63,7%. Thu từ dầu thô đạt 47,03 nghìn tỷ đồng bằng 67,9%. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 100,15 nghìn tỷ đồng, bằng 55,4%.

Tỷ lệ tổng thu ngân sách so với GDP đạt khá cao, lên đến 30,6% - một tỷ lệ cao hiếm thấy trong nhiều năm qua.

Thu ngân sách đạt kết quả khá do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do thu từ dầu thô đạt tỷ lệ so với dự toán năm khá cao; có nguyên nhân do kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng cao, trong đó một số mặt hàng có thuế suất cao đã tăng lớn; có nguyên nhân do công tác thu tích cực, trong đó có ý thức chấp hành của các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở, có việc phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại tích cực hơn.

Tuy nhiên, về thu ngân sách cũng còn những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ. Thu dầu thô và xuất nhập khẩu vẫn còn chiếm 44,9% trong tổng thu; thu từ quyền sử dụng đất chiếm trên 6,6% (ở nhiều địa phương, tỷ lệ này còn cao hơn nữa); cộng ba khoản này đã chiếm quá nửa tổng thu ngân sách. Trong khi những khoản này không trực tiếp phản ánh hiệu quả của nền kinh tế và thường có sự biến động theo xu hướng giảm dần…

Thứ ba, mức và tỷ lệ bội chi thấp có một phần do yếu tố chi ngân sách. Tổng chi ngân sách ước 6 tháng đạt 355,6 nghìn tỷ đồng, bằng 49% dự toán cả năm đã được Quốc hội phê duyệt. Tỷ lệ so với dự toán cả năm của chi ngân sách thấp hơn 6,1 điểm phần trăm của thu ngân sách.

Trong tổng chi ngân sách nhà nước, khoản chi lớn nhất là chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính (kể cả chi điều chỉnh tiền lương) , ước 6 tháng đạt trên 232,2 nghìn tỷ đồng bằng 49,5% dự toán cả năm - là tỷ lệ thấp hơn 2 khoản chi lớn khác (chi đầu tư phát triển, chi trả nợ và viện trợ). Trong đó vẫn bảo đảm kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Đó là các khoản chi trả tiền lương, lương hưu và trợ cấp xã hội theo lương khởi điểm lớn; trợ cấp khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu có mức lương thấp, người hưởng trợ cấp ưu đãi, người có công, hộ nghèo đời sống khó khăn; nâng mức tiền ăn cho chiến sĩ lực lượng vũ trang; nâng mức cho học sinh sinh viên vay; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo; xuất dự trữ quốc gia, hỗ trợ 56.200 tấn gạo cho các địa phương gặp khó khăn,…

Chi trả nợ và viện trợ ước 6 tháng ước đạt 53,4% dự toán cả năm. Đây là khoản chi được ưu tiên để bảo đảm trả các khoản nợ đến hạn.

Chi đầu tư phát triển 6 tháng ước đạt 77,47 nghìn tỷ đồng, bằng 51% dự toán năm; trong đó riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản bằng 50,8% (thực chuyển đến chỉ đầu tư đạt 44%, trong đó trung ương đạt 39%, địa phương đạt 45%). Cũng trong 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ đã được giải ngân 66,4% dự toán (trung ương đạt 70%, địa phương đạt 57%).

Việc bội chi ngân sách đạt thấp so với dự toán cả năm và so với GDP đã góp phần vào việc kiềm chế lạm phát, góp phần làm cho tốc độ tăng giá tiêu dùng (tính theo tháng sau so với tháng trước) đã chậm lại trong tháng 5, chậm tiếp trong tháng 6 và có khả năng chậm tiếp nữa trong các tháng tới.

Đồng thời trong điều kiện còn mất cân đối thu chi ngân sách nhà nước, cũng đã góp phần vào việc bảo đảm an sinh xã hội. Mặt khác nữa, Chính phủ đang đề nghị Quốc hội cho cắt, giảm, hoãn một số loại thuế nhằm khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu.

Các tin khác