Bộ trưởng Bộ TT-TT: Bút sắc, lòng trong và trách nhiệm xã hội

(ĐTTCO) - Kể từ khi ra đời đến nay, đội ngũ báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng đất nước, có những đóng góp rất xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

 Trong 2 cuộc kháng chiến kiến quốc, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều nhà báo đã anh dũng hy sinh trên nhiều mặt trận khi đang làm nhiệm vụ. 

 Trí tuệ nhân tạo đã phát triển, có thể thay thế cả suy nghĩ con người, khi nhân loại có thể dùng máy móc để cho ra sản phẩm báo chí thì lĩnh vực truyền thông nói chung sẽ có những thay đổi lớn lao. Tuy nhiên, tôi tin rằng, không gì có thể thay đổi trí tuệ con người. Bởi con người có tình cảm và tư duy sáng tạo. Hai cái này gắn với trách nhiệm xã hội là sự khác biệt giữa sản phẩm của con người và máy móc.
Trong lao động sản xuất cũng đã có nhiều nhà báo đưa ra được những ý tưởng hay, giúp cho việc mở đường phát triển về kinh tế xã hội của đất nước ở những thời điểm khác nhau.
Nói như vậy, để thấy rằng sự đóng góp của báo chí cũng như vai trò của báo chí hết sức lớn. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến đội ngũ những người làm báo, đặc biệt là việc đào tạo, rèn luyện đội ngũ làm báo phụng sự cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.    

Trong bối cảnh hiện nay, khi công nghệ ngày càng phát triển; internet, công nghệ thông tin, mạng xã hội, thiết bị di động đã trở nên phổ biến rộng khắp, chi phối mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống con người cũng như sự phát triển kinh tế xã hội; thì  báo chí đang đối mặt, cạnh tranh gay gắt với truyền thông số, mạng xã hội. Hiện nay, đội ngũ nhà báo Việt Nam được cấp thẻ là 18.600 người, nhưng xét ở khía cạnh khác, dân số Việt Nam có 92 triệu người thì 48 triệu người làm báo, đấy là 48 triệu người dùng mạng xã hội Facebook.
Gần như người nào dùng Facebook cũng đều trở thành người làm báo. Mỗi tài khoản Facebook là 1 “tòa soạn”, và mỗi người dùng Fcebook đều trở thành 1 nhà báo công dân, họ tự do bình luận, tự do viết, tự do nói ở “tòa soạn” của mình. Báo chí chính thống phải làm thế nào định hướng đúng, định hướng được khi 48 triệu người làm báo như vậy, đây là điều hết sức khó.
Báo chí trong thời đại mới gắn rất chặt với truyền thông số, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; nếu tụt hậu, không tiến kịp thì chính báo chí chúng ta sẽ đi sau mạng xã hội. Nguy cơ tụt hậu với mạng xã hội là hiện hữu đối với báo chí chúng ta.
Bộ trưởng Bộ TT-TT: Bút sắc, lòng trong và trách nhiệm xã hội ảnh 1 Một nhà báo tác nghiệp tại kỳ họp Quốc hội. Ảnh: LÃ ANH 
Lâu nay chúng ta chỉ nói báo giấy sẽ dần dần chết đi, thay vào đó là báo hình, báo nói, báo điện tử. Nhưng hiện nay, cả báo hình, báo nói, báo điện tử rồi cũng sẽ bị mạng xã hội tấn công. Đó là Facebook, Twiter, rồi các loại hình khác. Tới đây khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ; sau  4G sẽ có 5G thì sẽ còn có những thay đổi lớn lao. Liệu người ta có xem báo, nghe đài như hiện nay không. Đây là vấn đề những người làm quản lý Nhà nước về báo chí đang đặt ra, là thách thức đối với hoạt động báo chí hiện nay.  Ngày xưa học hành không được nhiều như bây giờ, máy móc, thiết bị làm báo cũng không đầy đủ, hiện đại, nhưng luôn có những cây bút giỏi, nhà báo lớn. Theo tôi, bởi những nhà báo đó luôn gắn liền với thực tiễn cuộc sống, sống trong thực tiễn và sáng tạo nên những tác phẩm báo chí mang hơi thở cuộc sống và thực tiễn; từ đó, đem lại những giá trị hết sức lớn lao.
Còn bây giờ, có rất nhiều nhà báo làm việc kiểu “bàn giấy”; lũ lụt, thiên tai không đi xuống hiện trường, ở nhà gọi điện xin ảnh, xin thông tin, copy bài của người khác rồi viết bài, đăng ảnh như mình đang ở đó. Đó chính là cách làm báo xa rời thực tiễn. Nói cách khác, đó chính là tệ quan liêu trong báo chí chúng ta hiện nay. 

Đây là điều cần phải khắc phục, sớm loại bỏ trong hoạt động báo chí của chúng ta. Hoạt động báo chí phải gắn với thực tiễn, gắn với trách nhiệm. Cố nhà báo Hữu Thọ từng nói “người cầm bút phải có tâm, có tầm và có tài”. Tâm là đạo đức, tấm lòng của người cầm bút.
Cái đúng thì phải phản ánh, nhưng không phải phản ánh tất cả mọi việc đang diễn ra; phải cân đong, đo đếm, cân nhắc khi đưa ra một thông tin thì có lợi hay không có lợi cho xã hội, cộng đồng. Cái tầm là tác phẩm báo chí không phải chỉ cho hôm nay mà còn cho cả ngày mai. Cái tài là lựa chọn vấn đề để thông tin. “Bút sắc, lòng phải trong” thì mới có được tác phẩm báo chí giá trị.

Tôi mong muốn và hy vọng các thế hệ làm báo hiện nay tiếp bước cha anh, phát huy truyền thống, gắn kết với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tạo dựng, đưa nền báo chí cách mạng Việt Nam thành nền báo chí hiện đại, cách mạng nhưng vẫn đầy bản sắc dân tộc.

Các tin khác