Bỏ quá nhiều điều kiện kinh doanh, có buông lỏng quản lý?

(ĐTTCO)-Bộ Công Thương “mạnh tay” cắt giảm tới 675 điều kiện kinh doanh cho thấy có vấn đề về chất lượng chung của từng điều khoản, điều kiện kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, việc cắt bỏ 675 điều kiện đầu tư kinh doanh chưa phải là con số cuối cùng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, việc cắt bỏ 675 điều kiện đầu tư kinh doanh chưa phải là con số cuối cùng.

Tại buổi làm việc của Tổ Công tác của Chính phủ với Bộ Công Thương về kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, biểu dương những kết quả của Bộ Công Thương đạt được khi cắt giảm được 675 điều kiện kinh doanh, tuy nhiên, Bộ Công Thương vẫn cần tiếp tục rà soát các thủ tục còn lại để tháo gỡ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. 

Nói về việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, đây là cả quá trình dài, xuyên suốt của Bộ trong việc cải cách thủ tục hành chính, thực hiện công khai, minh bạch và cầu thị. Việc làm này cũng không phải là “cuộc phiêu lưu chính trị”, hay đối phó tức thời, chạy theo thành tích, mà là để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng cũng không buông lỏng thị trường và chất lượng sản phẩm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng khẳng định, con số 675 điều kiện bị cắt bỏ này chưa phải là con số cuối cùng, tới đây, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh còn gây khó cho doanh nghiệp và gắn với hiệu quả quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số hiệp hội ngành hàng, vẫn còn nhiều lĩnh vực quản lý chồng chéo giữa các bộ, khiến doanh nghiệp vẫn tốn thời gian, chi phí và nhân lực khi phải đáp ứng điều kiện của nhiều cơ quan khác nhau.

Đại diện Hiệp hội Gas cũng nêu một số vướng mắc bất cập, chẳng hạn như sự khác biệt giữa thời gian xác nhận khai báo hóa chất và thời gian hải quan yêu cầu xuất trình, một bên yêu cầu 7 ngày làm việc, một bên lại yêu cầu phải có ngay, cũng khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Bộ Công Thương đã có hướng đi mạnh để cắt giảm điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn, hoài nghi khi cùng một lúc cắt giảm tới 55,5% số điều kiện kinh doanh. Chuyên gia này đặt câu hỏi, liệu bỏ 1 lần quá nhiều điều kiện kinh doanh, có buông lỏng quản lý? Ngoài ra, việc mạnh tay cắt giảm tới 675 điều kiện kinh doanh cho thấy chất lượng chung của từng điều khoản, điều kiện kinh doanh là “có vấn đề”.

“Thủ tục đi cùng chi phí của doanh nghiệp, gỡ về thủ tục là đúng, nhưng cắt một lúc đến 55% có nghĩa là hệ thống điều kiện kinh doanh của ta hiện đang quá bất hợp lý, soi kĩ là cắt gần hết. Tôi thấy lo chất lượng tổng thể nên cần phải rà lại, kể cả chất lượng của những điều kiện kinh doanh được giữ lại. Khi Bộ đã cắt đi như vậy, không có nghĩa là 500 điều kiện còn lại toàn tốt”, TS. Trần Đình Thiên nêu ý kiến.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ biểu dương những kết quả đạt được của Bộ Công Thương, với quyết tâm cao nhất, Bộ Công Thương đã cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, đây là động thái tích cực và là tấm gương cho các bộ ngành khác.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là không thể bỏ qua kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu, nhưng không vì lí do đó mà trói buộc, gây khó cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, việc cắt giảm tới 55,5% điều kiện doanh doanh được coi là cuộc “cách mạng” của Bộ Công Thương trong cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Có những thủ tục cắt giảm đã khiến doanh nghiệp phấn khởi, như sửa nghị định kinh doanh xuất khẩu gạo, bỏ thông tư 37 đối với dệt may...

Mặc dù Bộ Công Thương đã rất quyết liệt, song Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng lưu ý một số vấn đề. Trước hết, Bộ Công Thương cần tiếp tục rà soát các danh mục hàng hóa chồng chéo giữa các bộ. Thu hẹp các danh mục hàng hóa  kiểm tra.  Rà soát lại việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa…. Bộ Công Thương cũng cần phối hợp các bộ rà soát các chứng từ, giấy tờ, tên gọi các thủ tục để giảm bớt, tránh trùng lắp, chồng chéo

“Tinh thần tới đây sẽ theo hướng, một mặt hàng chỉ giao cho 1 bộ chủ trì, bộ nào tốt hơn thì giao. Tiếp tục rà soát danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo hướng thu hẹp danh mục ít kiểm tra có thể nhất. Tiếp tục giảm tỉ lệ lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành ở khâu thông quan đồng thời cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính vì đây là lĩnh vực có dư địa tăng trưởng lớn. Nếu tháo gỡ được và quản lý tốt sẽ tạo điều kiện cho phát triển sản xuất và tăng trưởng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Các tin khác