Bắt đầu chất vấn 4 bộ trưởng và Thủ tướng

(ĐTTCO) -Sáng 13-6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sau phần khai mạc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường sẽ là "Tư lệnh ngành" đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, so với các phiên chất vấn trước đây, Quốc hội dành thêm nửa ngày để đáp ứng nguyện vọng của cử tri và ĐBQH. 
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tính đến hết ngày 12-6 đã có 86 phiếu chất vấn và 98 câu hỏi gửi đến Thủ tướng và Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Thông qua phiếu xin ý kiến, UBTVQH đã nhận được 145 vấn đề chất vấn của 42 Đoàn ĐBQH. Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Quốc hội đã nhận được 3.288 ý kiến kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3. Đây là cơ sở quan trọng để UBTVQH chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn trình Quốc hội quyết định.
Để hoạt động chất vấn đạt được hiệu quả, kết quả như mong muốn,Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ĐBQH nêu câu hỏi ngắn gọn rõ ý, nằm trong nhóm vấn đề đã chọn, không đặt câu hỏi kiểu tìm hiểu thông tin hay nắm tình hình. Thời gian đặt câu hỏi không quá 2 phút một lần. Phiên chất vấn tiếp tục sử dụng quyền tranh luận, ĐBQH cần chuẩn bị nội dung tranh luận cụ thể, rõ ý. Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ trả lời thẳng, không né tránh, hướng khắc phục và giải pháp để Quốc hội có cơ sở giám sát việc thực hiện lời hứa.
8 giờ 5: Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
Báo cáo nêu rõ những kết quả đã đạt được trong công tác trả lời kiến nghị cử tri của Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Theo đó, hơn 3.000 kiến nghị đã được trả lời. Hàng nghìn cuộc thanh tra đã được triển khai để kịp thời xử lý những kiến nghị của cử tri...
Báo cáo cũng nêu một số tồn tại trong trả lời kiến nghị cử tri của các bộ ngành về: Tổ chức chính quyền cơ sở; xây nhà vượt lũ; cấp giấy phép lái xe... một số bộ ngành vẫn còn tồn đọng các kiến nghị của cử tri.
Báo cáo kiến nghị, Quốc hội cần có giải pháp giám sát thường xuyên hơn đối với công tác xây dựng, thực thi pháp luật. Xem xét trách nhiệm của các cá nhân thực thi Nghị quyết giám sát. Tăng cường tiếp xúc cử tri theo nhiều hình thức để khắc phục tình trạng "cử tri chuyên nghiệp, đại cử tri";...
Báo cáo, kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành tiếp tục nâng cao chất lượng trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri. Sớm ban hành quy chế tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị của cử tri liên quan đến nhiều bộ ngành... Đề nghị Chính phủ, các bộ trưởng tiến hành giải quyết dứt điểm 59 kiến nghị còn tồn đọng (về khai thác cát trái phép; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các dự án thua lỗ; nâng cao chất lượng tiếp công dân; khắc phục bất cập trong xây nhà vượt lũ...).

8 giờ 25: Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là "Tư lệnh ngành" đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn 3 nhóm vấn đề: Giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới; Biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững; Công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản.

Đầu giờ sáng đã có 68 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.

Các đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Bình Phước); Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh); Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh); Trần Thị Hiền (Hà Nam); Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng);... chất vấn về: Giải quyết bất cập để DN, HTX tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ; giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa"; căn cứ xây dựng quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi lợn; trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc ngành chăn nuôi "vỡ trận", giải pháp căn cơ để khắc phục vấn đề này; vấn đề tiêu thụ nông sản qua các cửa khẩu (tạm nhập tái xuất); giải pháp đột phá thực sự để tái cơ cấu nông nghiệp...

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Về tiếp cận gói tín dụng 100.000 tỷ.

8 giải pháp đột phá cơ cấu lại nông nghiệp
Theo báo cáo trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Bộ NNPTNT xác định 8 giải pháp đột phá nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 như sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức và tạo sự thống nhất về tính tất yếu và tầm quan trọng của thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp đến các cấp, ngành, địa phương và người dân và về xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu; tăng cường vai trò, trách nhiệm của Lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện chủ trương này.

Thứ hai, tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện các mục tiêu tại Nghị quyết 26/NQ-TW của Trung ương 7, Khóa X và các chủ trương của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo điều kiện để nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn và thị trường để mở rộng sản xuất hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ ba, rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu

Tiếp tục rà soát quy hoạch, chiến lược, kế hoạch sản xuất từng lĩnh vực và lợi thế của từng địa phương, tính đến nhu cầu thị trường (trong nước và thế giới) và ứng phó với BĐKH; cơ cấu lại sản phẩm theo 3 nhóm: (1) Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia (những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên và thịt lợn, gia cầm), tiến hành rà soát quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; (2) Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, các địa phương căn cứ lợi thế và điều kiện cụ thể, lựa chọn nhóm sản phẩm này để quy hoạch và đầu tư theo hướng như đối với sản phẩm quốc gia nhưng quy mô cấp địa phương; có chiến lược và giải pháp để mở rộng quy mô, sức cạnh tranh, từng bước bổ sung vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; (3) Nhóm sản phẩm vùng/miền là đặc sản của các địa phương, có chỉ dẫn địa lý cụ thể, nhưng có quy mô nhỏ, sẽ được xây dựng và phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới ở xã theo mô hình “Mỗi làng, xã một sản phẩm”.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, cạnh tranh quốc tế; thực hiện chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn.

Thứ năm, tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ giải quyết các vấn đề căn cốt trong chuỗi sản xuất, nhất là công nghệ giống, quy trình và các khâu chế biến, phân phối với cả 3 nhóm sản phẩm quốc gia, cấp tỉnh, sản phẩm địa phương; phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của ngành; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả của ngành; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nông dân, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH của ngành.

Thứ sáu, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường

Bộ sẽ thành lập cơ quan quản lý tập trung, thúc đẩy chuỗi chế biến nông sản gắn với mở rộng thị trường; kết hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và tổ chức của nông dân để khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu, kể cả thị trường truyền thống và nhóm thị trường mới; tăng cường năng lực hội nhập quốc tế; nghiên cứu đánh giá các tác động của hội nhập quốc tế đem lại; tăng cường năng lực dự báo và thông tin thị trường trong nước và quốc tế; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế.

Phát triển mạnh thị trường trong nước, điều hành cân đối cung cầu các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, nhạy cảm; phát triển hệ thống bán lẻ, xây dựng hình ảnh nông sản chất lượng cao, an toàn thực phẩm và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng; đẩy nhanh hoàn thành xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực quốc gia, đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý. 

Thứ bảy, tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hội nhập quốc tế; tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; cơ bản nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, bao gồm cả các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội theo hướng CNH, HĐH và rút dần khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.

Thứ tám, đẩy mạnh cải cách hành chínhcải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý ngành từ trung ương đến địa phương. Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban chỉ đạo và bộ máy giúp việc các cấp, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Theo Bộ NNPTNT, để tạo được chuyển biến rõ rệt trong thực tế, cần triển khai đồng bộ cả 8 giải pháp trên, trong đó trọng tâm là phải (1) hoàn thiện cơ chế chính sách, (2) tăng cường nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng KHCN và (3) đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất (đổi mới mô hình tăng trưởng) để tạo “đột phá” trong cơ cấu lại nông nghiệp.

Các tin khác