Bất cập trong triển khai Nghị định 67: Gỡ khó cho tàu vươn khơi

(ĐTTCO)-Theo báo cáo của các địa phương đã có 27 tàu cá được đóng theo Nghị định 67 không đi hoạt động sản xuất, chiếm khoảng 3% trong tổng số tàu 1.032; trong đó gồm 21 tàu vỏ thép và 6 tàu vỏ gỗ.
Tàu cá của ông Trần Đào (giữa, xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam) hành nghề chụp đã nằm tại cảng Cà Ná hơn ba tháng vì hoạt động thua lỗ. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Tàu cá của ông Trần Đào (giữa, xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam) hành nghề chụp đã nằm tại cảng Cà Ná hơn ba tháng vì hoạt động thua lỗ. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Thời gian qua, tình trạng tàu cá đóng theo Nghị định 67/2014NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản phải "nằm bờ" do gặp phải nhiều bất cập trong thực tế.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản) để tìm hiểu rõ vấn đề này.

- Theo phản ánh tại một số địa phương, sau một thời gian triển khai Nghị định 67/2014NĐ-CP đã xuất hiện một số bất cập, dẫn đến tình trạng tàu cá đóng theo Nghị định 67 “nằm bờ” đang có chiều hướng gia tăng. Quan điểm của Tổng cục Thủy sản về vấn đề này như thế nào, nguyên nhân vì sao?

Ông Nguyễn Văn Trung: Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, toàn quốc có 1.032 tàu cá đóng mới đã đi vào hoạt động; trong đó, tàu vỏ thép là 362 chiếc, tàu vật liệu mới là 99 chiếc, tàu vỏ gỗ là 571 chiếc. Số tàu cá vay vốn nâng cấp là 37 tàu.

Có thể nói, chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của ngư dân; mục tiêu hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được, số lượng tàu khai thác gần bờ giảm, số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng..., góp phần tích cực bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển; ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, đời sống người dân được nâng lên. Nhiều mô hình liên kết sản xuất trên biển đã hình thành và phát triển.

Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương đã có 27 tàu cá được đóng theo Nghị định 67 không đi hoạt động sản xuất, chiếm khoảng 3% trong tổng số tàu 1.032; trong đó gồm 21 tàu vỏ thép và 6 tàu vỏ gỗ. Số tàu này chủ yếu là tàu dịch vụ hậu cần (11 tàu), tàu lưới rê (6 tàu), chụp (6 tàu)...

Qua theo dõi, kiểm tra, Tổng cục Thủy sản cho rằng việc phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới một số trường hợp chưa xem xét kỹ đến nghề khai thác hải sản, một số chủ tàu không am hiểu về nghề, về quy mô sản xuất, kinh doanh theo nghề. Do đó, một số tàu đóng xong đi vào hoạt động đạt hiệu quả thấp, khi muốn chuyển đổi nghề thì gặp phải vướng mắc từ phía quy định của ngân hàng.

Bên cạnh đó, chi phí vận hành khai thác, khấu hao của tàu vỏ thép lớn, trong khi đó trình độ kỹ thuật của chủ tàu và lao động trên tàu còn hạn chế, một số ngư dân chưa có kinh nghiệm khai thác ở các vùng biển xa; giá bán hải sản không tăng dẫn đến hiệu quả thấp, thậm chí lỗ.

Đồng thời, nguồn lợi thủy sản suy giảm, ngư trường đánh bắt không thuận lợi, thời tiết ngày càng diễn biến bất thường đã ảnh hưởng đến hiệu quả đánh bắt của ngư dân; dẫn đến sản lượng thấp, hiệu quả sản xuất thấp...

Tổng cục Thủy sản cho rằng mặc dù số tàu nằm bờ không nhiều nhưng vẫn phải thường xuyên phối hợp với các địa phương sớm có biện pháp khắc phục để ngư dân ổn định sản xuất và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân hàng. Đặc biệt khẳng định được chủ trương đúng đắn của Nhà nước.

- Mặc dù ngành chức năng đã có những văn bản hướng dẫn nhưng vì sao ngư dân và các địa phương vẫn gặp khó khăn khi triển khai Nghị định 67?

Ông Nguyễn Văn Trung: Thời gian qua các ngành chức năng ở Trung ương và địa phương đã tập trung làm tốt việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, Nghị định số 17/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67 bằng nhiều hình thức. Đa số người dân, kể cả những người không tham gia vay vốn đóng tàu đã nắm tương đối chắc các quy định của chính sách.

Tuy nhiên, một số ngư dân vẫn còn tư tưởng cho rằng đây là chính sách hỗ trợ bằng nguồn vốn của Nhà nước mà chưa hiểu đây là nguồn vốn ngư dân vay của ngân hàng và phải chịu trách nhiệm về khoản vay này nên phát sinh hiện tượng ngư dân chây ỳ, không trả nợ, hoặc kéo dài thời gian trả nợ.

Thực tế, khi đóng tàu vỏ thép chủ tàu không tìm hiểu các quy trình kỹ thuật, nhất là việc lựa chọn thiết kế, việc giám sát quá trình đóng mới tàu cá chưa chặt chẽ; chưa chủ động đề xuất, yêu cầu thay đổi thiết kế để phù hợp với tập quán, điều kiện sản xuất của mình. Thậm chí, nhiều trường hợp phó mặc cho nhà máy đóng tàu. Bên cạnh đó, khi đưa tàu vào vận hành chưa thực hiện đúng quy trình khai thác, bảo dưỡng tàu vỏ thép nên tàu bị xuống cấp nhanh, thường xuyên bị hỏng, tàu phải nằm bờ sửa chữa dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện Nghị định 67.

- Để khắc phục tình trạng này, Tổng cục Thủy sản có giải pháp gì thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Trung: Thời gian tới, Tổng cục Thủy sản sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, Nghị định số 17/2018/NĐ-CP của Chính phủ để ngư dân hiểu đúng về chính sách của Nhà nước. Đồng thời, xác định rõ việc chủ tàu chịu trách nhiệm trước pháp luật về phần vốn vay của mình. Hướng dẫn ngư dân thực hiện tổ chức sản xuất kiêm nghề để khai thác các đối tượng thủy sản còn tiềm năng nguồn lợi, có giá trị kinh tế; thực hiện sản xuất theo tổ đội trên biển để giảm chi phí nhiên liệu.

Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức vận hành, khai thác thủy sản của tàu cá vỏ thép và vật liệu mới cho ngư dân; kiểm tra, giám sát thường xuyên để yêu cầu các chủ tàu cá thực hiện nghiêm túc các quy định, quy trình duy tu bảo dưỡng tàu cá vỏ thép, quy định về cải hoán, chuyển đổi nghề và thực hiện kiểm tra gia hạn đúng thời gian quy định.

Đồng thời, rà soát, đánh giá thực tế hoạt động sản xuất của chủ tàu. Nếu chủ tàu không đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản, có nhu cầu chuyển nhượng lại tàu thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ. Khuyến cáo ngư dân tranh thủ thời gian chuyển mùa, thực hiện duy tu sửa tàu thuyền ngư cụ để chuẩn bị khai thác đạt hiệu quả.

- Để ngư dân yên tâm bám biển, cũng như đáp ứng các khuyến nghị của EC trong việc khắc phục “thẻ vàng,” Tổng cục Thủy sản có khuyến cáo cũng như hướng dẫn gì cho các địa phương và ngư dân?

Ông Nguyễn Văn Trung: Theo tôi ngư dân cần chấp hành đầy đủ các quy định về quyền lợi và trách nhiệm khi hoạt động khai thác thủy sản được quy định trong Luật Thủy sản 2017 và các nghị định, thông tư hướng dẫn luật có liên quan. Đặc biệt, không khai thác trái phép tại vùng biển các nước trong khu vực hoặc vùng biển thuộc các tổ chức nghề cá khu vực quản lý.

Tàu có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên đi khai thác hải sản hoặc làm dịch vụ hậu cần nghề cá phải có giấy phép khai thác thủy sản. Tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên phải gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định; Thực hiện việc khai báo tàu ra vào cảng, chấp hành sự kiểm tra kiểm soát của các cơ quan chức năng cũng như việc kiểm tra tại cảng, kiểm tra sản lượng lên bến...

Đối với các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn các quy định pháp luật liên quan đến việc chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, sở, ban ngành và lực lượng chức năng tại địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU.

Bên cạnh đó, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân liên quan để tàu cá và ngư dân địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện theo quy định. Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân địa phương vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Đồng thời, khẩn trương chỉ đạo việc cấp giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch đã được xác định và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá theo quy định. Kiểm soát hoạt động của tàu cá tại cảng cá và sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng cá, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản từ khai thác phục vụ cho việc chứng nhận, xác nhận...

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác