Bất cập nguồn nhân lực

Ở góc độ doanh nghiệp, thị trường tiêu thụ hàng hóa thu hẹp, cầu trong nước hạn chế, tăng trưởng xuất khẩu không lớn, giá bán không tăng, doanh thu  giảm... trong khi chi phí ngày càng tăng. Bên cạnh đó, sức ép tăng lương đã làm nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất và hệ quả phải giảm bớt lao động.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn nhất từ khi quá trình đổi mới bắt đầu từ năm 1986 đến nay.

Ở góc độ doanh nghiệp, thị trường tiêu thụ hàng hóa thu hẹp, cầu trong nước hạn chế, tăng trưởng xuất khẩu không lớn, giá bán không tăng, doanh thu  giảm... trong khi chi phí ngày càng tăng. Bên cạnh đó, sức ép tăng lương đã làm nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất và hệ quả phải giảm bớt lao động.

Ở tầm vĩ mô, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng suy giảm trong tương quan với khu vực, thế giới khi năng suất lao động thấp và chậm cải thiện. Chẳng hạn, năng suất lao động Singapore cao gấp 17 lần Việt Nam, Trung Quốc gấp 2 lần, thậm chí tốc độ tăng năng suất Việt Nam thấp hơn cả nền kinh tế mới nổi là Myanmar...

Chiến lược phát triển dựa trên lao động rẻ, khai thác tài nguyên đã không còn phù hợp và việc tái cấu trúc nền kinh tế và từng doanh nghiệp là vấn đề sinh tử đối với doanh nghiệp nước ta hiện nay.  Một nghiên cứu của tổ chức nước ngoài về thực trạng nhân sự Việt Nam năm 2011 đã đánh giá: chỉ 40% doanh nghiệp đầu tư cho quản trị nhân sự, 25% quản trị nhân sự mới dừng ở tư duy, trên 30% quản trị nhân sự chỉ dừng ở mức làm hành chính về nhân sự - công đoạn nhỏ trong quản trị nhân sự.

Các yếu tố như quản trị kinh doanh, nhân lực, ý thức, tri thức, sáng tạo, đánh giá nhân sự, đánh giá kết quả công việc, hiệu quả đào tạo... là những vấn đề thiết yếu trong quản trị nhân sự ở Việt Nam, luôn bị đánh giá ở mức trung bình thấp. Ở bộ máy lãnh đạo cấp cao cũng chưa đến 10% có năng lực quản trị nhân sự tốt.

Nếu tính cả đánh giá quản trị nhân sự tốt và rất tốt cũng chỉ chiếm 40%. Điều đó đồng nghĩa khoảng 60% quản trị nhân sự trong doanh nghiệp Việt Nam chỉ ở mức bình thường, yếu và rất yếu. Điều đó lý giải tại sao năng lực cạnh tranh nền kinh tế Việt Nam luôn đạt mức độ thấp.

Bối cảnh chung cho thấy sự khó khăn của doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục kéo dài trong vài năm tới khi tốc tộ tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 5-6%; lãi suất khó có thể giảm thêm; chi phí (điện, xăng dầu) sẽ phải tiếp tục điều chỉnh theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp cũng không thể trông chờ vào gói kích cầu như trước đây, thị trường thế giới như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản dù có những khởi sắc nhưng nền kinh tế Trung Quốc vẫn đứng trước những yếu tố bất ổn khó lường, nghĩa là nền kinh tế thế giới cũng sẽ không có nhiều đột biến.

Vì vậy, yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển chính là tăng cường quản trị, nội lực, đặc biệt nguồn nhân lực là động lực chính để doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay cũng như tạo đà phát triển trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Navigos Group - công ty chuyên về tuyển dụng nhân sự cấp cao, nhìn nhận: Việt Nam có dân số trẻ, đa số ở độ tuổi lao động; ham học hỏi, khả năng tiếp thu nhanh và có chí tiến thủ. Đây là những điểm mạnh nổi trội theo đánh giá của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguồn nhân lực của Việt Nam bộc lộ không ít điểm yếu.

Đó là ngoại ngữ yếu, đặc biệt nghiêm trọng là thiếu nhân lực lành nghề. Những thách thức đó đã được nhiều doanh nghiệp nước ngoài chia sẻ tại Sách trắng của Amcham, Eurocham... Do vậy, điều cần phải làm là chú tâm hơn vào đào tạo quản trị nhân sự. Để tái cấu trúc nhân sự, lãnh đạo doanh nghiệp phải có sự thay đổi về tư duy. Và việc đầu tiên là tái cấu trúc phòng quản trị nhân sự, thay vì coi nó như một bộ phận quản lý tiền lương, tuyển dụng, giải quyết khiếu nại...

Doanh nghiệp phải làm sao để các bộ phận khác coi phòng quản trị nhân sự như đối tác chiến lược trong quy trình quản trị nhân sự. Phải có quy trình tuyển dụng chặt chẽ, những ai tham gia quy trình tuyển dụng phải được đào tạo. Điều này sẽ khắc phục những điểm hạn chế về quản trị nhân sự mà doanh nghiệp hiện nay đang gặp phải như không có quy trình tuyển dụng; không biết mình muốn gì, cần gì...

Tái cấu trúc nhân sự không có nghĩa cắt giảm mà quan trọng phải sắp xếp các vị trí một cách hợp lý để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững, như áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến thông qua nâng cao năng suất, tạo động lực cho nhân viên, áp dụng chế độ lương thưởng hợp lý...

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng nhân lực thông qua công tác đào tạo kỹ năng tại từng vị trí một cách thích hợp để đạt hiệu suất công việc cao nhất. Hiện nay có nhiều công ty lớn nước ngoài có mặt ở Việt Nam chuyên cung cấp các giải pháp giúp doanh nghiệp lưu trữ giấy tờ, tiền lương, phê duyệt chi tiêu, tính thuế, bảo hiểm xã hội...

Những dịch vụ bên ngoài này sẽ giảm đáng kể chi phí để doanh nghiệp có thể tiết kiệm thời gian, nguồn lực, từ đó tập trung quản trị nhân sự ở tầm cao hơn trong sản xuất, kinh doanh nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Các tin khác