Băn khoăn thuế suất 45% tài sản tăng thêm

(ĐTTCO) - Ngày 13-6, Quốc hội thảo luận dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi.
Vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm là kiểm soát tài sản, thu nhập, đặc biệt là quy định mới đánh thuế thu nhập cá nhân 45% đối với tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc.
Không thể xem là thu nhập bất hợp pháp 
Điều 59 dự thảo luật đưa ra 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không giải trình một cách hợp lý là áp thuế suất 45%, hoặc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch.
Cả 2 phương án này đều không loại trừ trách nhiệm hình sự nếu các cơ quan chức năng chứng minh tài sản đó do phạm tội mà có. Phương án được Chính phủ lựa chọn là áp thuế 45%, xem tài sản này là khoản thu nhập vãng lai. Nếu xác định tài sản này bất hợp pháp, cơ quan chức năng sẽ thu 55% còn lại.
ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng cán bộ, công chức ngoài lương có thể có những khoản thu nhập hợp pháp khác như thù lao giảng dạy, nhưng  vì lý do nào đó muốn che giấu hoặc quên không kê khai. Những khoản thu nhập không được kê khai đầy đủ không thể suy luận là thu nhập bất hợp pháp.
ĐB Đỗ Văn Bình (Hải Phòng), cũng cho rằng xây dựng luật cần cân nhắc yếu tố tâm lý, tập quán văn hóa, vì nhiều người không muốn công khai các tài sản thừa kế, cho tặng. Việc không quy định rõ thế nào là “giải trình không hợp lý” có thể khiến kết quả đánh giá phụ thuộc vào cảm tính của cơ quan kiểm soát, từ đó dẫn đến tranh luận, khiếu nại do bất đồng quan điểm.
ĐB Mùa A Vảng (Điện Biên) cũng nhận định nguồn gốc tài sản rất đa dạng, nhất là những trường hợp thừa kế không có giấy tờ chứng minh. Trường hợp tài sản không giải trình được nguồn gốc có thể thu thuế, còn chứng minh được tài sản đó do tham nhũng, phạm tội mà có phải xử lý hình sự.
Băn khoăn thuế suất 45% tài sản tăng thêm ảnh 1 Quốc hội dành cả ngày 13-6 thảo luận dự án Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi. 
Cũng chung quan điểm, ĐB TrịnhNgọc Thúy (TPHCM), cho biết qua khảo sát ý kiến của những người làm công tác pháp luật, đa số cho rằng thực tế không phải buộc chủ sở hữu giải trình nguồn gốc toàn bộ tài sản của mình. Có nhiều trường hợp người nhận tài sản cam kết không giải thích về nguồn gốc tài sản, có thể tài sản này phải thực hiện nghĩa vụ dân sự khác.
Thí dụ, cha mẹ ký thác tài sản cho người con có uy tín trong gia đình nhưng yêu cầu không nói cha mẹ cho để thực hiện nghĩa vụ sau này. Hoặc những người mẹ đơn thân được cho tài sản để nuôi con nhưng cam kết không được nói ai là người đưa tài sản. Vì thế, quy định nếu không giải trình nguồn gốc tài sản sẽ thu thuế, hoặc xác định vi phạm hành chính để áp dụng chế tài là không hợp lý.
“Tôi nhất trí với ý kiến của ĐB Thúy. Việc giải trình tài sản thu nhập trong nhiều trường hợp sẽ khó đi đến thống nhất giữa người giải trình và cơ quan có thẩm quyền về tính hợp lý hoặc không hợp lý của tài sản. Do vậy, nhiều khả năng dẫn đến việc tranh luận, thậm chí khiếu nại kéo dài” - ĐB Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) chia sẻ.
Còn theo ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), qua tiếp xúc với các cử tri thuộc khối doanh nghiệp, họ bày tỏ sự băn khoăn là người quản lý doanh nghiệp tư nhân, không phải là công chức trong bộ máy nhà nước, nếu họ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế, không có các hành vi phạm tội, nguồn vốn của các cổ đông, của người gửi tiền đang được quản lý và sử dụng một cách hiệu quả, nhưng chỉ vì họ kê khai tài sản không đầy đủ hoặc không giải trình được đầy đủ tài sản của mình mà bị xử lý 45% như công chức theo các doanh nghiệp, là không phù hợp. Tranh luận lại quan điểm trên,
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nhấn mạnh các khoản thu nhập hiện nay từ buôn bán, thừa kế, cho tặng, trúng xổ số… đều kê khai thuế thu nhập cá nhân và việc này được quản lý khá chặt chẽ. Chúng ta cần thiết kế thêm điều kiện phải khai thuế thu nhập hàng năm với những vị trí có nguy cơ tham nhũng, từ đó có cơ sở so sánh, vì không thể có chuyện đóng thuế thuế thu nhập 1-2 triệu đồng mà mua được nhà, xe.

Cần cơ quan kiểm soát độc lập?
Theo ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), trong bối cảnh tham nhũng còn nghiêm trọng, phức tạp, Đảng và Nhà nước thể hiện quyết tâm cao và đang tìm kiếm những giải pháp đột phá, việc nghiên cứu thành lập cơ quan độc lập để kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức là cần thiết. Điều này đảm bảo tính độc lập, giảm thiểu sự can thiệp của cơ quan tổ chức, người có trách nhiệm từ đó hứa hẹn sự khách quan, minh bạch.
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Văn Pha (Nam Định) cho rằng nên thành lập lực lượng kiểm soát tài sản, thu nhập độc lập để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Việc thành lập lực lượng chuyên trách không làm tăng biên chế bởi Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an đều có lực lượng này. Chỉ cần lấy người từ 3 cơ quan có chức năng chống tham nhũng hiện nay để kế thừa kinh nghiệm, không làm tăng biên chế.
Tuy nhiên, cũng khá nhiều ý kiến ĐB khác đồng ý với quan điểm của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp là người có chức vụ kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ…
Người có nghĩa vụ kê khai công tác tại tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, kiểm toán nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội giao cho cơ quan Trung ương của các cơ quan này tổ chức kiểm soát tài sản thu nhập. Người có nghĩa vụ kê khai tại Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ giao cho các cơ quan này kiểm soát tài sản… Phương án này không gây xáo trộn lớn về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, đơn vị đang làm công tác này.
 Phương án áp thuế 45% đối với tài sản không kê khai trung thực, không giải trình hợp lý là chưa đúng với các quy định pháp luật hiện hành. Luật Hình sự quy định hành vi trốn thuế từ 100 triệu đồng sẽ bị xử lý hình sự. Trong các hình thức xử lý hành vi này chỉ có xử lý hình sự, cảnh cáo, buộc thôi việc, không có hình thức nộp thuế 45%.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)

Các tin khác