Băn khoăn sửa Luật Đất đai

Hôm nay 17-6, phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được truyền hình trực tiếp để toàn dân theo dõi. Điều này cho thấy tầm quan trọng của đạo luật này, bởi quy định về quản lý đất đai là lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến từng người dân, các tổ chức và các hoạt động kinh tế - xã hội.

Hôm nay 17-6, phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được truyền hình trực tiếp để toàn dân theo dõi. Điều này cho thấy tầm quan trọng của đạo luật này, bởi quy định về quản lý đất đai là lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến từng người dân, các tổ chức và các hoạt động kinh tế - xã hội.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình ra Quốc hội lần này có nhiều nội dung đổi mới. Trong đó quy định rõ ràng và cụ thể hơn về quyền, trách nhiệm của Nhà nước - đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, thống nhất quản lý nhà nước về đất đai và các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai đối với khu vực nông nghiệp, theo hướng mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp...

Bên cạnh đó, dự luật cũng đưa ra các quy định nhằm tăng cường vận hành các quan hệ đất đai phù hợp với cơ chế thị trường theo hướng hạn chế các trường hợp được Nhà nước giao đất, chuyển cơ bản sang áp dụng hình thức thuê đất; thực hiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất; thực hiện định giá đất theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Những sửa đổi trên nhằm tiến tới xóa bỏ bao cấp trong quản lý, sử dụng đất đai, khắc phục tình trạng xin - cho trong sử dụng đất; hoàn thiện các cơ chế nhằm phát huy nguồn lực từ đất đai thông qua các quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất; lập quỹ phát triển đất và tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất; tăng cường sự minh bạch trong quản lý, sử dụng đất nhằm phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và góp phần làm giảm các khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai.

Đáng chú ý, dự luật cho phép tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình lập, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tham gia giám sát quản lý, sử dụng đất đai; hạn chế các trường hợp thu hồi đất; quy định rõ các trường hợp được bồi thường, không được bồi thường, các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được bổ sung, chỉnh sửa khá nhiều sau khi lấy ý kiến nhân dân, trong đó có khá nhiều vấn đề bức xúc về đất đai đã được quan tâm giải quyết. Tuy nhiên, kết quả tham vấn cộng đồng của Viện Nghiên cứu lập pháp (Văn phòng Quốc hội) vừa tiến hành trước kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, cho thấy các quy định về giá đất, thu hồi đất cần tiếp tục chỉnh lý cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Kết quả cuộc tham vấn cộng đồng với sự tham gia của 1.300 người, chủ yếu là nông dân nghèo, cho thấy căn cứ để tính tiền bồi thường khi thu hồi đất đang là chủ đề gây bức xúc trong dân và là nguyên nhân trực tiếp gây ra những vụ khiếu kiện kéo dài, ngày càng gay gắt.

Về vấn đề này, dù dự thảo luật đã có điều chỉnh quan trọng ở chỗ đề xuất giá đất bồi thường do Nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, bảo đảm phù hợp với cơ chế thị trường. Nhưng đây mới chỉ là quy định mang tính nguyên tắc.

Điều quan trọng nhất là phải tách thẩm quyền quyết định về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và thẩm quyền quyết định về giá đất.

Thực tế, việc tập trung 2 quyền năng nêu trên cho UBND cấp tỉnh như hiện nay dễ dẫn đến lạm quyền hoặc làm nảy sinh tình trạng áp đặt ý muốn chủ quan trong việc định giá đất. Một bất hợp lý khác là cơ chế thu hồi đất. Khi dự thảo được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, có tới 800.000/7 triệu ý kiến cho rằng nên bỏ quy định Nhà nước thu hồi đất, chuyển thành cơ chế trưng mua.

Tuy nhiên, kiến nghị này không được tiếp thu. Mặt khác, dự luật đưa ra phương án hạn chế thu hồi đất đối với các dự án kinh tế, xã hội nhưng thực chất chỉ là trên câu chữ. Bởi bản thân các dự án kinh tế, xã hội lại được chia ra, đưa vào nhóm các dự án vì lợi ích công cộng, thí dụ bệnh viện, đường sá, thủy điện... hoặc đưa vào nhóm dự án vì lợi ích quốc gia, như khu công nghiệp, khu kinh tế…

Dự kiến, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua cuối kỳ họp. Chính vì thế, người dân rất kỳ vọng các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận hôm nay sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, với quan điểm vì dân, để đóng góp xây dựng được dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có chất lượng nhất, trước khi bấm nút thông qua.

Các tin khác