Áp lực xuất khẩu 2012

XK nhiều ngành hàng chủ lực đang có dấu hiệu suy giảm nghiêm trọng trong thời gian gần đây. Bộ Công Thương lo ngại, đây sẽ là dấu hiệu báo trước sự khó khăn cho XK năm 2012.

XK nhiều ngành hàng chủ lực đang có dấu hiệu suy giảm nghiêm trọng trong thời gian gần đây. Bộ Công Thương lo ngại, đây sẽ là dấu hiệu báo trước sự khó khăn cho XK năm 2012.

Thiếu đơn hàng

Bộ Công Thương dự báo, năm 2012 XK tăng 13% so với năm 2011 và đạt kim ngạch khoảng 108,5 tỷ USD. NK khoảng 121,5 tỷ USD, tăng 14,6% so với năm 2011. Như vậy, nhập siêu khoảng 13 tỷ USD, bằng 12% so với tổng kim ngạch XK.

Các mặt hàng như gạo, dệt may, da giày… đang có sự sụt giảm đơn hàng đáng kể. Theo bà Cao Thị Ngọc Hoa, Phó Tổng giám đốc Vinafood 2, hiện  giá gạo Việt Nam cao hơn khoảng 100 USD/tấn so với gạo Ấn Độ, Pakistan, Myanmar và áp lực về chất lượng gạo thương phẩm không cao, thiếu sản phẩm đặc trưng.

Bởi vậy, các nước châu Phi và một số nước Trung Đông đã quay sang mua gạo trắng của nước khác thay vì mua của Việt Nam như trước đây. Bà Hoa lo ngại số lượng hợp đồng còn lại cho năm 2012 chỉ khoảng 220.000 tấn.

So với năm trước, đây là mức thấp chưa từng có, những năm trước, cuối tháng 11, đầu tháng 12 đã có hợp đồng XK ký cho năm sau khoảng trên 1 triệu tấn.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần lo ngại rằng, sự chênh lệch về giá khiến Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh trong việc ký kết hợp đồng. Lượng đơn hàng cho năm sau đang thiếu, nếu không có sự chuẩn bị tốt thì sẽ ảnh hưởng đến việc thu mua của vụ Đông Xuân sắp tới.

Ngành hàng dệt may năm 2011 xuất siêu 6,5 tỷ USD nhưng theo dự báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, XK hàng dệt may năm 2012 sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có khó khăn về kinh tế vĩ mô.

Đặc biệt, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn đang tiếp diễn, ảnh hưởng không nhỏ tới một số thị trường XK dệt may chính của Việt Nam trong năm 2012 là Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản.

Ảnh hưởng này đã nhìn rõ khi một số DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất áo sơ mi và quần âu đã bị huỷ hợp đồng, thậm chí không ký được đơn hàng cho quý I-2012.

Ngành da giày tuy XK có khả quan hơn sau khi EU dỡ bỏ thuế chống bán phá giá, nhưng sản lượng trong từng đơn hàng XK vào EU bắt đầu giảm sút, mức giảm khoảng 20-30%, do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế tại các nước này. EU vẫn áp đặt một năm giám sát XK da giày của Việt Nam.

Trong trường hợp lượng XK tăng, giá XK giảm trong một thời gian nhất định thì cơ quan có thẩm quyền của EU có thể xem xét việc tái áp thuế mà không cần điều tra.

Đây là một bất lợi cho các DN, đặc biệt là khi phải cạnh tranh với các DN da giày của Indonesia, Srilanka, Bangladesh, Ấn Độ đang được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan.

Đặc biệt, DN da giày Việt Nam gặp rủi ro cao khi vừa phải NK nguyên liệu để sản xuất (khoảng 80%) vừa phụ thuộc vào thị trường NK lớn nhất là Trung Quốc.

Chủ động vượt khó

Trước những khó khăn nhãn tiền của thị trường XK trong năm 2012, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, bên cạnh sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành, DN cũng cần chủ động vượt khó.

Tùy theo từng nhóm hàng, ngành hàng để có tư vấn, tham mưu và đề xuất giải pháp ứng phó linh hoạt trong thực tiễn thương mại XK. Theo ông Hoàng, công tác điều hành tiêu thụ và XK gạo 2012 đang đối mặt với thách thức thiếu đơn hàng. Bởi thế, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục ký một số biên bản thỏa thuận ghi nhớ về XK gạo theo các hợp đồng tập trung.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các DN tăng cường tìm kiếm thị trường mới, ngoài thị trường truyền thống như Indonesia và Philippines… dù số lượng không nhiều nhưng nhiều thị trường mới cộng lại cũng tăng đáng kể lượng XK.

Nói thêm về việc mở rộng thị trường mới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú lưu ý, các DN khai thác nhiều hơn nữa tiềm năng mậu dịch biên giới bởi kim ngạch XNK 9 tháng năm 2011 đã đạt gần 6,4 tỷ USD. “Mậu dịch biên giới là kênh quan trọng đối với các DN vừa và nhỏ XK hàng hóa, nhất là với hàng hóa sản xuất trong nước có chất lượng không đòi hỏi quá cao”-ông Tú nói.

Hiện các thị trường như Lào, Campuchia, Trung Quốc đang đóng góp đáng kể vào kim ngạch XK của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, Việt Nam chưa xây dựng được chính sách đặc thù cũng như chưa tận dụng hết tiềm năng XK vào thị trường này.

Theo đánh giá chung, bức tranh kinh tế thế giới trong thời gian tới sẽ vẫn tiếp tục khó khăn, nhất là những thị trường chủ lực của Việt Nam đều bị giảm sút.

Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, Bộ Công Thương thời gian tới cần phối hợp chặt với Bộ NN-PTNT để đẩy mặt hàng công nghiệp chế biến lên 40-50% vào năm 2012, hướng tới 70% vào 2015 và trong giai đoạn tiếp cần ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến này làm lợi thế cạnh tranh thực.

Đặc biệt, các ngành chú trọng nâng cao giá trị gia tăng cho các mặt hàng như dệt may, da giày. Bên cạnh đó, thị trường mở ra mạnh nhưng các DN chưa tận dụng hết các cơ hội này. Do vậy, việc tận dụng tốt các FTA và hiệp định thương mại song phương sẽ đẩy mạnh việc đưa hàng hóa ra bên ngoài, là cơ hội tốt cho XK của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu ngành Công Thương cơ cấu lại thị trường XK theo hướng chuyển dịch sang các thị trường có thế mạnh như châu Âu và Hoa Kỳ.

Các tin khác