70 nhóm kiến nghị được gửi tới VBF 2018

(ĐTTCO)-Sự kiện diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2018 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức tập hợp được 70 nhóm kiến nghị gửi tới Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Quang cảnh phiên khai mạc diễn đàn
Quang cảnh phiên khai mạc diễn đàn

Sáng nay, 4-12, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2018 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu. Đây là sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức. Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã tập hợp được 70 nhóm kiến nghị gửi tới Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Trong đó, Văn phòng Chính phủ nhận được 8 nhóm vấn đề, tập trung vào các vấn đề về những chậm trễ trong cải cách doanh nghiệp nhà nước; các quy định thiếu hấp dẫn trong thu hút FDI ngành khai khoáng... cũng như các tồn tại liên quan đến kiến tạo môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.

Thanh tra Chính phủ nhận được 2 nhóm ý kiến, chủ yếu liên quan đến việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi khi các doanh nghiệp sẽ phải áp dụng các quy định về quy tắc ứng xử và áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ. Nhóm Quản trị và Liêm chính của VBF cho rằng, có nhiều quy định không hợp lý.

Gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư là các đề xuất, kiến nghị liên quan đến hình thức đầu tư công – tư (PPP) do những quy định hiện hành chưa rõ ràng, chưa thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia hình thức đầu tư này. Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cũng là một nhóm vấn đề mà doanh nghiệp bày tỏ băn khoăn.

Cụ thể là việc một số thuật ngữ chính được sử dụng trong Luật Đầu tư chưa được minh định rõ ràng, như khái niệm ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài; điều kiện đầu tư kinh doanh...

Chỉ có 3 nhóm kiến nghị được gửi đến Bộ Công Thương, nhưng đều là các vấn đề khá “hóc búa”, liên quan đến đầu tư vào ngành điện, năng lượng; quy định về cấm kinh doanh rượu vang và rượu mạnh trên Internet và các nguồn năng lượng mới.

Bộ Giao thông – Vận tải nhận được 6 kiến nghị xung quanh nội dung về cơ sở hạ tầng và dịch vụ hàng không, quy định về kiểm soát khí thải xe máy, các quy định liên quan đến trung tâm kiểm định cũng như quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất lắp ráp ô tô...

Bộ Tài chính nhận được 4 nhóm ý kiến liên quan đến thuế, hải quan, những quy định đang cản trở sự thuận lợi trong thương mại và luồng hàng hóa...

Các tin khác