5 cảng hàng không quốc tế: Chưa xứng tiềm năng

Tại Hội nghị Xúc tiến bay đến 5 cảng hàng không quốc tế (Phú Bài, Phú Quốc, Liên Khương, Cam Ranh, Cần Thơ) vừa tổ chức tại TPHCM, Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và đại diện các tỉnh, thành cho rằng việc khai thác tại 5 cảng này chưa đúng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. ĐTTC ghi nhận một số ý kiến.

Tại Hội nghị Xúc tiến bay đến 5 cảng hàng không quốc tế (Phú Bài, Phú Quốc, Liên Khương, Cam Ranh, Cần Thơ) vừa tổ chức tại TPHCM, Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và đại diện các tỉnh, thành cho rằng việc khai thác tại 5 cảng này chưa đúng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. ĐTTC ghi nhận một số ý kiến.

Ông Lê Đình Thọ,Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải:

Chưa khai thác được lợi thế

Hiện nay có 51 hãng hàng không nước ngoài khai thác 68 đường bay từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam; mạng đường bay nội địa do 4 hãng hàng không Việt Nam khai thác với 41 đường bay từ 3 trung tâm chính là Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM tới 18 hãng hàng không, sân bay địa phương.

Việc đầu tư xây dựng mạng cảng hàng không, sân bay nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, quốc tế được đặc biệt chú trọng. Năm 2012, tổng năng lực vận tải hành khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt trên 37,5 triệu lượt hành khách, tăng gần 4 lần so với năm 2002.

3 cảng hàng không quốc tế chính hiện đang có các hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế, quốc nội là Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất. 5 cảng hàng không quốc tế khác là Phú Bài, Cam Ranh, Liên Khương, Cần Thơ, Phú Quốc đã đầu tư, xây dựng, mở rộng, nhằm sẵn sàng tiếp nhận hoạt động bay thường lệ nói chung và hoạt động khai thác quốc tế nói riêng.

Thống kê cho thấy, sản lượng thông qua năm 2012 tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài đạt 704.000 lượt hành khách, Cam Ranh đạt 1,07 triệu lượt hành khách, Liên Khương 338.000 lượt hành khách, Cần Thơ 199.000 lượt hành khách, Phú Quốc 493.000 lượt hành khách.

Đặc điểm 5 cảng hàng không quốc tế này đều nằm trong khu vực có số lượng dân cư đông, tiềm năng kinh tế lớn, có sự phát triển nhanh về giao thông hàng không và đặc biệt là có tiềm năng du lịch của Việt Nam, thu hút lượng lớn khách du lịch nội địa cũng như quốc tế. Bộ Giao thông - Vận tải, Cục Hàng không đã xây dựng nhiều chính sách cởi mở, hỗ trợ tối đa cho hoạt động khai thác của các hãng hàng không.

Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có cảng hàng không quốc tế Cam Ranh tiếp nhận các chuyến bay quốc tế từ Moscow do Vietnam Airlines khai thác và các chuyến bay quốc tế từ một số điểm tại Nga, Hàn Quốc do 2 hãng hàng không nước này khai thác. Với cảng hàng không quốc tế Cần Thơ cũng chỉ tiếp nhận một số chuyến bay quốc tế thuê chuyến đưa khách từ Đài Loan vào một số điểm, thời điểm đặc biệt trong năm.

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam:

Vai trò địa phương rất lớn

Thời gian qua, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã đầu tư rất lớn để hoàn thiện hạ tầng, phục vụ mở các chuyến bay quốc tế. Cục Hàng không Việt Nam cùng với các cơ quan của Bộ Quốc phòng cũng đã chuẩn bị các hệ thống đường bay quốc tế.

Nhưng đáng tiếc là 5 cảng hàng không này chưa khai thác đúng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Do đó, chúng tôi tổ chức hội nghị để có những thông tin cụ thể đến các hãng hàng không quốc tế, phối hợp cùng các tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả khai thác cảng hàng không có đóng trên địa bàn.

 

Hiện 5 cảng hãng hàng không quốc tế Cam Ranh, Cần Thơ, Phú Quốc, Phú Bài, Liên Khương có thể đáp ứng lưu lượng 3-4 triệu hành khách/năm, hết sức hiện đại nhưng chưa có kế hoạch phát triển cụ thể. Đây là nhiệm vụ ngành hàng không cần kết hợp với các tỉnh tiếp tục phát triển hạ tầng, tìm chính sách phát triển đường bay, chính sách ưu đãi khi các hãng mở đường bay, cải thiện về dịch vụ hàng không và phi hàng không; cải thiện hạ tầng du lịch lưu trú, thương mại, xuất nhập khẩu, đi lại, tạo sức hút để các hãng hàng không chú ý đến.

 Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Giao thông - Vận tải, toàn ngành hàng không rất quyết liệt trong việc cải thiện cung cấp dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ phi hàng không: giá dịch vụ phải được đăng ký, doanh nghệp cảng phải hiệp thương để đảm bảo mức giá hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Hiện nay tình hình đã chuyển biến rõ rệt và được kiểm soát một cách chặt chẽ.

Bên cạnh nỗ lực của ngành hàng không, tôi nghĩ rằng địa phương có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của ngành hàng không. Bởi khách không chỉ đến cảng rồi về mà đến đó tham gia đầu tư, làm ăn, thương mại, xuất nhập khẩu. Du lịch phải đảm bảo các yếu tố về hạ tầng cũng như dịch vụ kèm theo. Sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là yếu tố hết sức quan trọng để tạo ra một thị trường hàng không sôi động.

Các tin khác