23.000 tỷ đồng hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành, lấy đâu ra?

(ĐTTCO)-Sáng 27-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành. Thảo luận về nội dung này, ý kiến của các ĐBQH vẫn còn nhiều băn khoăn, đặc biệt là về số vốn để thực hiện.
 
23.000 tỷ đồng hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành, lấy đâu ra?

Lo không có tiền

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết từ kỳ trước ông đã không đồng ý giải phóng mặt bằng 1 lần, nguyên nhân là do tốn quá nhiều tiền mà ngân sách đang khó khăn.

“Bây giờ quyết làm một lần thì Chính phủ phải tính toán nguồn vốn, vì trong số trên 23.000 tỷ đồng thì còn thiếu rất nhiều. Đặc biệt, phải tuyên truyền sâu rộng cho người dân, tránh tình trạng khiếu nại, cản trở việc giải tỏa, bị các thế lực xấu lợi dụng”, ông Phương nêu.

Nhiều ĐB cũng nói báo cáo Chính phủ chưa hề nói rõ ngoài 5.000 tỷ đồng đã bố trí vốn thì 18.000 tỷ đồng còn lại lấy từ đâu. “Cần tính chính xác con số thu được từ bán đất, đấu giá đất, cho thuê đất... để hoàn trả cho ngân sách nhà nước, vì con số trên 3.500 tỷ đồng mà UBND tỉnh Đồng Nai tính toán là quá thấp”, ông Mùa A Vảng (ĐB Điện Biên) nói.

ĐB Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) và một số ĐB khác cũng yêu cầu Chính phủ giải trình rõ ràng, thuyết phục trước Quốc hội về nguồn vốn, cần làm rõ ngân sách của Trung ương, của tỉnh Đồng Nai. 

“Đa số người dân đang ở nhà cấp 4, liệu họ có tiền để mua những lô đất rộng với nhà biệt thự, liền kề trong khu đô thị hay không, vậy đó là khu đô thị hay tái định cư cho dân, phải nói rõ điều này”, ĐB Hoàng Thanh Tùng nói.  

ĐB Tô Ái Vang (Sóc Trăng), ĐB Ngô Thanh Danh (Đắk Nông) và một số ĐB lo ngại ngoài 5.000 tỷ  đồng mà Quốc hội đã quyết trong kế hoạch vốn trung hạn thì "chưa nhìn thấy đồng nào để làm", đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn. Đặc biệt, cả dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cũng cần báo cáo rõ. Cùng lúc làm nhiều dự án lớn như vậy thì ngân sách ở đâu ra?

Một số ĐB cũng đề nghị, phải lấy ý kiến của người dân để biết ai muốn đến chỗ tái định cư, ai chỉ muốn lấy tiền và tìm chỗ ở mới.

ĐB Mùa A Vảng (Điện Biên) cho rằng chính sách không được cào bằng, ví dụ mức hỗ trợ cho các hộ gia đình phải có tính theo nhân khẩu, không chung một mức, sẽ gây khiếu nại.

Theo giải thích của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), quy mô tái định cư sân bay Long Thành nằm trong quy hoạch các khu đô thị Đồng Nai đã được Chính phủ phê duyệt. Đồng Nai muốn ổn định người dân ngay trong những khu đô thị đó để quy hoạch phát triển tốt.

“Kinh nghiệm cho thấy kể cả thủy điện Hòa Bình sau mấy chục năm đến nay vẫn còn bất cập. Vì vậy, ý định để người dân phát triển, có công ăn việc làm ổn định trong khu đô thị của Đồng Nai là tốt, chứ không làm theo kiểu hỗ trợ tái định cư: phụ nữ thì cho đi học uốn tóc, đàn ông đi học rửa xe máy, sẽ thiếu ổn định”, ông Kiên nói.

Vì thế, Ủy ban kinh tế tán thành Đồng Nai quy hoạch khu đô thị để bà con tái định cư vào ở, sau đó phải rạch ròi tiền nào của nhà nước, tiền nào của Đồng Nai dùng ngân sách thì phải trả lại ngân sách.

Làm thận trọng để không mất ổn định xã hội

Nhiều ĐB cho rằng, giải phóng mặt bằng, tái định cư sân bay Long Thành sẽ rất phức tạp, vì thế phải có cam kết rõ ràng, cả hệ thống phải vào cuộc, tránh tình trạng dân khiếu kiện, mất trật tự an toàn xã hội. Đây là dự án di dân lớn nhất từ trước đến nay, tác động rất lớn, vì vậy phải làm thận trọng, tránh mất ổn định, làm xáo trộn cuộc sống của người dân.

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), đây là dự án lớn đụng đến đất đai nhiều và rất dễ gây ra xáo trộn, mâu thuẫn, xung đột. Qua báo cáo nghiên cứu khả thi, cho thấy, công tác chuẩn bị nói chung cũng tương đối tốt. Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai, Chính phủ cần giải trình sâu hơn việc tái định cư có kết hợp kinh doanh không? Nếu có nguồn thu thì sẽ được sử dụng ra sao, ai hưởng và ảnh hưởng ra sao đến người tái định cư.
ĐB Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) cho rằng, việc hỗ trợ mỗi hộ gia đình bị ảnh hưởng thu nhập với mức tương đương 4,5 tháng lương tối thiểu vùng (khoảng 6 triệu đồng/hộ với 5.000 hộ) phải tính toán, cân đối để phù hợp ngân sách nhà nước cũng như tương quan với các dự án khác sau này (mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, đường cao tốc Bắc-Nam). Bởi nếu không tính toán thì dân ở các dự án sẽ khiếu nại, gây mất ổn định.
Còn theo ĐB Phan Nguyễn Như Khuê (TPHCM), thực tế, chúng ta chưa có hội nghị nào đánh giá, kiểm tra cuộc sống của người dân sau tái định cư theo đúng mục tiêu nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Có những chỗ, việc bố trí hạ tầng, quy hoạch kiến trúc chưa hoàn chỉnh, chắp vá. Nếu không có sự quan tâm, giám sát chặt chẽ vùng tái định cư thì sẽ nảy sinh những bất cập trong quá trình sắp xếp thực tiễn. Bên cạnh đó, Quốc hội phải giám sát chặt những vấn đề liên quan đến đất đai, ngăn ngừa lấy danh nghĩa dự án, mục tiêu đó để thực hiện chệch ra bản chất, mục tiêu như báo cáo nêu.
Theo ĐB Nguyễn Phước Lộc (TPHCM), chúng ta phải tính toán xây dựng khu đô thị có tính tiện ích cao phục vụ người dân tốt hơn, thực sự đáng sống để người dân an tâm khi sống ở nơi ở mới.
Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM), điều bà quan tâm là báo cáo đưa ra phương án phục hồi sản xuất cho người dân. Đây là điều đáng lo khi lao động và đất nông nghiệp trong vùng giải tỏa là rất lớn. Theo báo cáo, có 40% người dân khu vực mất đất dựa vào sản xuất nông nghiệp. Việc bố trí tái định cư gắn với chuyển nghề ra sao. Quốc hội cần quan tâm đặc biệt vì không khéo sẽ gây lãng phí kép: ngân sách bỏ tiền ra để người mất đất người học nghề; người dân mất thời gian học nghề nhưng không sống được bằng nghề.
Liên quan đến đối tượng được bồi thường, báo cáo có đề cập đến bồi thường người sử dụng đất nhưng đang không có giấy tờ quyền sử dụng đất.
Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, nếu quy định bồi thường cho đối tượng này là rất chung và sẽ tạo sự phức tạp. Theo Luật Đất đai thì có trường hợp được bồi thường, trường hợp được hỗ trợ tùy theo thời gian sử dụng đất. Do đó, Chính phủ và tỉnh Đồng Nai cần phân tích rõ, tránh khiếu kiện làm kéo dài thực hiện dự án.
Xung quanh việc xây dựng khu tái định cư, đề án có đề cập đến việc xây dựng khu tái định cư là đô thị mới hiện đại. Dù đồng tình với nguyên tắc nhưng theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm phải làm sao để khu tái định cư thỏa mãn được nhu cầu đa dạng dân cư khu vực. Bởi lẽ theo điều tra xã hội học của Đồng Nai, khu vực giải phóng mặt bằng, loại nhà cấp 3, 4 chiếm đa số, do vậy, chúng ta phải xây dựng khu tái định cư sao cho thích ứng nhu cầu thực tế của người dân đang bị ảnh hưởng dự án.
Cũng theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, việc khai thác quỹ đất đã giải phóng mặt bằng thì phương án sử dụng trong giai đoạn 2,3 ra sao? Cần có nghiên cứu riêng như dự án thành phần về triển khai, đưa ra dự báo tính khả thi của việc sử dụng để tiết kiệm quỹ đất. Khi thu lợi từ việc khai thác thì sử dụng theo 2 hướng. Thứ nhất là bù đắp chi phí mà ngân sách bỏ ra. Thứ hai là sử dụng để bù đắp thiệt hại cho người dân bị di dời và tỉnh Đồng Nai phải chứng minh điều này thông qua việc phục hồi sản xuất cho người dân và để người dân bị giải tỏa phải được hưởng từ lợi ích này. Bởi lẽ, việc thu hồi đất để triển khai dự án làm xáo trộn quá lớn cuộc sống người dân và việc “đền bù 1 cục là chưa đủ”. Việc để người dân hưởng thụ từ nguồn lợi khai thác được sẽ tạo bước đệm 5-10 năm để dân ổn định cuộc sống.
Chốt lại quan điểm của mình, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị phải đặt ra một số nguyên tắc cho việc triển khai dự án này. Đó là Chính phủ, Quốc hội phải giám sát chặt chẽ mục tiêu đặt ra xây dựng tái định cư như một đô thị hiện đại vì điều đó thể hiện niềm tin của dân; quan tâm yếu tố dân chủ, công khai công bằng trong đền bù thu hồi đất, tái định cư để lắng nghe tiếng nói dân; hài hòa lợi ích người dân bị thiệt thòi.

Hiến kế tìm vốn cho dự án GPMB sân bay Long Thành: Tiết kiệm 1% chi thường xuyên thì 2 năm là đủ vốn


Đề xuất giải pháp bù đắp phần vốn còn thiếu 15.000 -18.000 tỷ đồng cho dự án tái định cư, giải phóng mặt bằng xây dựng sân bay Long Thành, ĐB Phạm Minh Chính (đoàn Quảng Ninh), Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức trung ương phát biểu: “Dự án cần vốn lớn, trong khi các nguồn việc nào đã vào việc đấy. Vậy thì chúng ta cần phải thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm chi tiêu. Hồi năm 2008, khủng hoảng kinh tế, để vượt qua khó khăn, chúng ta đã tiết kiệm chi thường xuyên được tới 10%. Trong 5 năm gần đây, chúng ta đang chi thường xuyên rất lớn, cao đến 2,2 lần so với 5 năm trước. Nếu quyết tâm tiết kiệm khoản này, chỉ cần 1% thôi là ta có 10.000 tỷ đồng. Quyết tâm làm trong 2 năm là có thể đủ vốn cho dự án. Các nước khác cũng vậy, khi muốn làm việc lớn, họ đều phải tiết kiệm”. 
 Phân tích thêm vấn đề này, đồng chí Phạm Minh Chính nhận định, vẫn còn dư địa để tiết kiệm, bởi lẽ có một tỷ lệ rất lớn trong khoản chi thường xuyên là để trả lương. Tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả của bộ máy. Việc này vừa giúp thực hiện được mục tiêu cải cách hành chính theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng, vừa có nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
ĐB Phạm Minh Chính cũng lưu ý, 5.000 hộ dân phải di dời, tái định cư không chỉ cần chỗ ở: “Trường học, y tế và các sinh hoạt khác thế nào? Phải có quy hoạch tổng thể phù hợp luật pháp và điều kiện kinh tế – xã hội của khu vực”.
Ông Phạm Minh Chính cũng đồng tình với quan điểm cho rằng quỹ nhà đất tái định cư cũng phải đa dạng loại hình để phù hợp với nhu cầu của người dân, tránh để xảy ra nghịch lý vừa thiếu lại vừa lãng phí…

Các tin khác