1.000 tỷ đồng chương trình tiết kiệm năng lượng

Đầu tư cho con người thực hiện chương trình (chi sự nghiệp) là cần thiết, nhưng nếu chi quá nhiều thì không còn nguồn để đầu tư, nên hiệu quả phát triển bền vững khó bảo đảm mục tiêu đặt ra.

Đầu tư cho con người thực hiện chương trình (chi sự nghiệp) là cần thiết, nhưng nếu chi quá nhiều thì không còn nguồn để đầu tư, nên hiệu quả phát triển bền vững khó bảo đảm mục tiêu đặt ra.

Ngoài việc tiếp tục đưa Chương trình Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào Danh mục Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) để triển khai trong giai đoạn 2012-2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị bổ sung Chương trình Khắc phục ô nhiễm và Bảo vệ môi trường vào Danh mục Chương trình MTQG cho giai đoạn tới.

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong điều kiện nguồn vốn có hạn, việc tiếp tục đưa 2 chương trình trên vào Danh mục Chương trình MTQG cho giai đoạn 2012-2015 đã được cân nhắc, tính toán hết sức cẩn trọng. Cả 2 chương trình này cần phải sớm thực hiện nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững.

Các chương trình này ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, nên cần phải tập trung nguồn lực và sự chỉ đạo quyết liệt để giải quyết trong giai đoạn tới. Ngoài ra, việc lựa chọn 2 chương trình này cũng đã tính tới sự phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và cho cả giai đoạn, phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng huy động nguồn lực cũng như khả năng cân đối ngân sách.

Trong giai đoạn 2006 - 2010, tổng kinh phí đầu tư cho Chương trình Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chỉ có 150,218 tỷ đồng, nhưng đã tiết kiệm cho nền kinh tế 3,4% tổng năng lượng tiêu thụ (tương đương gần 57 tỷ kWh điện).

Để thực hiện mục tiêu tiết kiệm cho nền kinh tế từ 5% đến 8% tổng năng lượng tiêu thụ hàng năm, theo kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, trong giai đoạn 2011-2015, cần phải đầu tư cho Chương trình này 820 tỷ đồng (năm 2011 đã đầu tư 70 tỷ đồng).

Nhưng theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, muốn thực hiện được mục tiêu tiết kiệm 5 - 8% tổng năng lượng tiêu thụ, cần đầu tư 1.000 tỷ đồng mới đủ nguồn để tăng cường giáo dục, tuyên truyền phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường; phát triển các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng và từng bước loại bỏ trang thiết bị hiệu suất thấp; sử dụng năng lượng và hiệu quả trong các toà nhà; thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong ngành giao thông - vận tải.

“Kết quả khảo sát về tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề, khu công nghiệp vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện cho thấy, môi trường tự nhiên, môi trường sống đang bị đe doạ. Vì vậy, việc đưa Chương trình Khắc phục ô nhiễm và Cải thiện môi trường vào Danh mục Chương trình MTQG giai đoạn 2012 - 2015 là phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho ý kiến vào Danh mục Chương trình MTQG giai đoạn 2012 - 2015.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, một trong những nguyên nhân khiến nhiều chương trình MTQG đạt hiệu quả thấp trong giai đoạn 2006 - 2010 là do có quá nhiều đầu mối thực hiện, trong khi không có đầu mối chịu trách nhiệm điều phối tất cả các chương trình mục MTQG.

Để khắc phục tình trạng này, cần phải thành lập Văn phòng Điều phối các chương trình MTQG trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Văn phòng này sẽ làm nhiệm vụ điều phối các chương trình trên phạm vi toàn quốc nhằm tăng cường sự gắn kết giữa Trung ương và địa phương, giữa các bộ, ngành; tránh sự trùng lặp, chồng chéo.

Theo tính toán của các bộ, ngành, địa phương, để thực hiện mục tiêu khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường trong giai đoạn 2011 - 2015, cần phải đầu tư tới 6.250 tỷ đồng. Cũng như Chương trình Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các chương trình MTQG khác, nguồn vốn của Chương trình Khắc phục ô nhiễm và Bảo vệ môi trường chủ yếu vẫn trông chờ vào ngân sách trung ương và vẫn tập trung chi cho công tác sự nghiệp (chiếm hơn 60%), thay vì chi cho nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.

“Đầu tư cho con người thực hiện chương trình (chi sự nghiệp) là cần thiết, nhưng nếu chi quá nhiều thì không còn nguồn để đầu tư, nên hiệu quả phát triển bền vững khó bảo đảm mục tiêu đặt ra”, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định và kiến nghị phải tăng huy động nguồn vốn ngoài ngân sách và sử dụng phần lớn số tiền này cho việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy móc.

Để thực hiện 2 chương trình trên, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần đầu tư tối thiếu 7.070 tỷ đồng, nhưng nguồn vốn từ ngân sách trung ương chỉ mang tính hỗ trợ nhằm thu hút các nguồn vốn khác tham gia.

Cụ thể, ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ 400 tỷ đồng cho Chương trình Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; địa phương phải chịu trách nhiệm đóng góp 300 tỷ đồng; số còn lại phải có kế hoạch vay nước ngoài và huy động các nguồn vốn khác trong xã hội. Tương tự, ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ cho Chương trình Khắc phục ô nhiễm và Cải thiện môi trường 2.500 tỷ đồng; địa phương phải chịu trách nhiệm 1.562,2 tỷ đồng; số tiền còn thiếu (2.187,5 tỷ đồng) phải có kế hoạch vay nước ngoài và huy động trong xã hội.

Chuyên mục được hỗ trợ bởi “Dự án Tăng cường năng lực lồng ghép Phát triển bền vững và Biến đổi khí hậu trong công tác lập kế hoạch” của Bộ Kế hoạch & Đầu tư và UNDP.

Các tin khác