10 sự kiện kinh tế nổi bật 2011

Năm 2011 khép lại, nền kinh tế Việt Nam trong năm qua đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu đáng kể. ĐTTC lựa chọn 10 sự kiện đáng chú ý trong năm 2011.

Năm 2011 khép lại, nền kinh tế Việt Nam trong năm qua đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu đáng kể. ĐTTC lựa chọn 10 sự kiện đáng chú ý trong năm 2011.

1. Đại hội Đảng lần thứ XI

Diễn ra từ ngày 12 đến 19-1-2011, Đại hội lần thứ XI của Đảng thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, nhấn mạnh quan điểm phải phát triển bền vững về kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh kinh tế…

Theo đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7-8%/năm trong giai đoạn 10 năm tới. GDP năm 2020 theo giá so sánh bằng khoảng 2,2 lần so với năm 2010; GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000USD.

Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Xây dựng cơ cấu kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ hiện đại, hiệu quả. Tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 85% trong GDP. Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% trong tổng GDP.

2. Nghị quyết 11 của Chính phủ

Ngày 24-2-2011 Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Nghị quyết 11 được triển khai sâu rộng và mạnh mẽ, đã đạt được một số kết quả bước đầu, góp phần tạo chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp về tiền tệ, tài khóa và các biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung - cầu… chỉ số CPI giảm dần kể từ quý II; CPI so với tháng trước trong 4 tháng cuối năm chỉ tăng ở mức dưới 1%; CPI cả năm tăng ở mức 18,13%.

Tăng trưởng GDP năm 2011 đạt 5,9%, là mức tăng khá cao trong điều kiện phải tập trung kiềm chế lạm phát. Hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì, chính sách an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm.

3. Hội nghị Trung ương 3 khóa XI

Diễn ra từ ngày 6 đến 10-10-2011, Hội nghị Trung ương 3 khóa XI quyết định tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững.

Cụ thể, trong 5 năm tới, tập trung 3 lĩnh vực: (1) Tái cấu trúc đầu tư với mục tiêu giảm tỷ trọng đầu tư công, huy động các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế để đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao hiệu quả đầu tư.

(2) Cơ cấu lại thị trường tài chính nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển lành mạnh, tăng cả về quy mô và chất lượng, quản lý minh bạch hệ thống, từng bước nâng cao tiềm lực tài chính và khả năng cạnh tranh…

(3) Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và thực hiện tốt hơn vai trò của tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

4. Xuất khẩu đạt kỷ lục, nhập siêu dưới 10 tỷ USD

Năm 2011 kim ngạch xuất khẩu cả nước lần đầu tiên đạt mức 96 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay (tăng 33% so với năm 2010, vượt xa chỉ tiêu tăng 10% Quốc hội đề ra).

Kim ngạch nhập khẩu đạt gần 106 tỷ USD (tăng khoảng 25% so với năm 2010), đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước lần đầu tiên vượt 200 tỷ USD, vượt qua Philipines, giữ vị trí thứ 5 ở Đông Nam Á sau Singapore, Thái Lan, Indonesia và Malaysia về xuất nhập khẩu hàng hóa.

Tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ đã góp phần kéo nhập siêu xuống dưới 10 tỷ USD trong năm 2011 (thấp hơn mức 12,6 tỷ USD của năm 2010). Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu giảm còn 10,4% trong năm nay (thấp hơn chỉ tiêu 18% Quốc hội giao).

5. “Nóng” chuyện lỗ - lãi xăng dầu

Câu chuyện lỗ - lãi trong kinh doanh xăng dầu đã thu hút sự quan tâm của dư luận về chất lượng hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Kết quả thanh tra 4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, trong đó có Petrolimex - doanh nghiệp chiếm 65% thị phần - được Bộ Tài chính thực hiện, phần nào cho thấy được “góc tối” của kinh doanh xăng dầu với nhiều lỗ hổng của các cơ quan quản lý, tạo cơ hội để các doanh nghiệp xăng dầu trục lợi.

Theo Bộ Tài chính, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều có lãi. Doanh nghiệp báo cáo lỗ do tính chi phí định mức vượt trần quy định 600 đồng/lít và tính hoa hồng cho các đại lý cao bất thường.

6. Khánh thành hầm vượt sông hiện đại nhất Đông Nam Á

Sau hơn 6 năm thi công, ngày 20-11-2011, hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn được khánh thành, toàn tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt nối phía Đông và Tây của TPHCM được thông xe. Hầm Thủ Thiêm có quy mô hiện đại nhất Đông Nam Á và là hầm dìm vượt sông đầu tiên tại Việt Nam.

Hầm nằm sâu dưới đáy sông, cách mặt nước 17m, đoạn sâu nhất 27m. Việc đưa vào sử dụng hầm Thủ Thiêm tạo sự kết nối thông suốt của toàn tuyến đại lộ dài gần 22km đi qua 8 quận, huyện của TPHCM; góp phần giải tỏa tình trạng ùn tắc giao thông.

Đồng thời, đây là con đường ngắn nhất nối kết trung tâm TP với bán đảo Thủ Thiêm, tạo tiền đề phát triển khu đô thị phía Đông TPHCM thành một trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế trong tương lai.

7. Thu hút 6 triệu khách quốc tế

Năm 2011, ngành du lịch Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, đón hơn 6 triệu khách quốc tế. Một trong những sự kiện để du lịch Việt Nam có cơ hội quảng bá hình ảnh du lịch ra thế giới hiệu quả là việc vịnh Hạ Long lọt vào danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.

Năm 2011, du lịch Việt Nam cũng tiếp đón nhiều ngôi sao, nhân vật nổi tiếng thế giới như gia đình cặp diễn viên nổi tiếng Angelina Jolie và Brad Pitt đưa các con đến nghỉ mát tại Côn Đảo.

Trong những ngày cuối năm, Giám đốc điều hành (CEO) của Facebook Mark Zuckerberg đã chọn vịnh Hạ Long là một trong những điểm đến cho kỳ nghỉ cuối năm.

8. Lần đầu tiên hợp nhất 3 NHTM

Đầu tháng 12-2011, NHNN chấp thuận đề án hợp nhất 3 NHTMCP là SCB, Đệ Nhất và Việt Nam Tín Nghĩa thành một ngân hàng với tên gọi Ngân hàng Sài Gòn, có tổng vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng - tương đương quy mô vốn của một ngân hàng cổ phần lớn hiện nay.

Đây là thương vụ sáp nhập đầu tiên trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống NHTM Việt Nam. Trong quá trình hợp nhất kéo dài 3 năm có sự tham gia toàn diện của Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Việt Nam (BIDV) - đại diện vốn nhà nước - nhằm đảm bảo quyền lợi người gửi tiền và giữ ngân hàng sau hợp nhất không bị phá sản.

9. Vụ IPO “khủng” nhất

Ngày 28-12-2011, Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Việt Nam (BIDV) chính thức thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).

Theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, BIDV cổ phần hóa theo phương thức giữ nguyên vốn nhà nước hiện có, phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ, trong đó tỷ lệ sở hữu của Nhà nước không thấp hơn 65% (với 2 giai đoạn).

Vốn điều lệ của BIDV được xác định khi cổ phần hóa là 28.251,4 tỷ đồng, tổng khối lượng phát hành trong giai đoạn 1 là 22% vốn điều lệ.

Giai đoạn 2, BIDV sẽ phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với tổng mức không vượt quá 20% vốn điều lệ và phát hành thêm cổ phần ra công chúng, giảm dần tỷ lệ sở hữu của Nhà nước không thấp hơn 65% vốn điều lệ đến năm 2015.

10. Tín dụng “đen” vỡ nợ dây chuyền

Đầu tháng 10-2011, trong khi vụ lừa đảo hàng ngàn tỷ đồng trên TTCK của Phan Thị Huyền Như ở TPHCM đang gây rúng động dư luận, ở Hà Nội cũng xuất hiện hàng loạt vụ vỡ nợ do lừa đảo thông qua hình thức tín dụng “đen”.

Các vụ vỡ nợ do tín dụng “đen” còn tiếp tục lan sang nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…

Hầu hết con nợ đều mang vỏ bọc là “đại gia”, doanh nhân thành đạt để huy động vốn của người dân với lãi suất khủng lên đến 300-400%/năm. Khi phá sản do thua lỗ đầu tư chứng khoán, vàng và nhà đất, những người này bỏ trốn với món nợ hàng nghìn tỷ đồng, kéo theo nhiều hệ lụy và hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Các tin khác