10 sự kiện kinh tế 2013

1. Đạt được nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô

1. Đạt được nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, Việt Nam bước đầu thực hiện thành công mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội. Với các giải pháp điều hành quyết liệt của Chính phủ, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp nhất trong 10 năm qua khi tăng 6,04% và thấp hơn mức kế hoạch 8%.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng 5,42%, tuy thấp hơn mục tiêu 5,5% đề ra nhưng cao hơn mức tăng 5,25% của 2012. Về xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu ước hơn 132 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012 và vượt mức chỉ tiêu đề ra cho xuất khẩu là 10%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 131,3 tỷ USD, tăng 15,4% so 2012. Xuất siêu 863 triệu USD, lạc quan hơn nhiều so với kế hoạch đặt ra đầu năm.

Cảng Cái Mép, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: LONG THANH

Cảng Cái Mép, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: LONG THANH

2. Lần đầu tiên nâng trần bội chi

Tại kỳ họp thứ 6 khóa XIII, Quốc hội chính thức thông qua đề xuất của Chính phủ, nâng trần bội chi lên 5,3% GDP, tương ứng khoảng 195.500 tỷ đồng, so với mức kế hoạch 4,8% GDP được thông qua trong kỳ họp cuối năm 2012. Mức bội chi năm 2014 cũng được Quốc hội thông qua ở 5,3% GDP, tương đương 224.000 tỷ đồng.

Đây là lần đầu tiên Chính phủ thừa nhận bội chi ngân sách đã vượt trần cho phép. Việc nâng trần bội chi được đặt ra trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn trong khi vốn đầu tư phát triển thiếu hụt. Tuy nhiên, Chính phủ nhận định việc nâng trần bội chi không ảnh hưởng đến giới hạn an toàn của nợ công.

Cụ thể, tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 986.300 tỷ đồng, tăng 0,8% so với dự toán; bội chi đạt 5,3% GDP. Như vậy dư nợ công chiếm 56,2% GDP, trong giới hạn an toàn. Theo tính toán, cứ tăng bội chi thêm 1%, sẽ có thêm 40.000 tỷ đồng chi từ ngân sách và Chính phủ muốn dùng toàn bộ phần tăng này cho đầu tư phát triển.

3. Hụt thu ngân sách

Tổng thu ngân sách nhà nước ước tính đạt 790.800 tỷ đồng, bằng 96,9% so với dự toán cả năm 816.000 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa đạt 97,2%, thu từ dầu thô 116,2% và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 84,6% dự toán.

Nguyên nhân giảm thu do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch; hoạt động sản xuất - kinh doanh của các tổ chức, cá nhân nộp thuế gặp nhiều khó khăn, dẫn đến số thuế phát sinh phải nộp thấp khiến số thu nội địa giảm mạnh. Tuy nhiên, với việc nhiều địa phương trọng điểm hoàn thành thu ngân sách ở giai đoạn nước rút (Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Vũng Tàu...), ngân sách 2013 có thể không hụt thu như dự báo ban đầu.

4. Dấu ấn dòng vốn FDI

Vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt 21,6 tỷ USD, tăng 54,5% và giải ngân ước đạt 11,5 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2012. Sau 4 năm liên tục (2009-2012) vốn FDI đăng ký “hụt hơi”, kết quả này được coi là điểm sáng của nền kinh tế 2013. Dòng vốn FDI không chỉ tăng mạnh về lượng, còn có sự chuyển biến rõ rệt về chất.

Đó là hàng loạt dự án có quy mô trên 1 tỷ USD của những tập đoàn hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Nokia. Có những dự án với số vốn đăng ký lên đến gần 10 tỷ USD, như Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Lĩnh vực đầu tư chuyển biến tích cực với gần 77% tổng vốn FDI tập trung lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thay vì đổ vào bất động sản như các năm trước.

5. Khai tử Tập đoàn Vinashin, tuyên án tử hình Dương Chí Dũng

Cuối tháng 10-2013, Bộ Giao thông-Vận tải quyết định chấm dứt 7 năm thử nghiệm mô hình Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Được kỳ vọng, đầu tư lớn trong giai đoạn đầu nhưng Vinashin đã gây thất thoát gần 5.000 tỷ đồng vốn nhà nước. Hoạt động đầu tư quá dàn trải với nhiều sai lầm đã đẩy Vinashin vào nợ nần chồng chất, bị kiện tại các tòa án quốc tế.

Khối nợ tương đương 80% tổng tài sản đã đẩy doanh nghiệp này cũng như nhiều ngân hàng, đơn vị khác vào chân tường, thậm chí sụp đổ. Gần chục lãnh đạo Vinashin gây ra hậu quả đã phải trả giá trước pháp luật. Ngày 16-12-2013, Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, đã bị tuyên án tử hình về tội tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

6. Hợp nhất, sáp nhập ngân hàng

Việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém tiếp tục được quan tâm với hàng loạt vụ hợp nhất, sáp nhập hay tự tái cơ cấu được thực hiện. Trong số 9 ngân hàng yếu kém được xác định từ năm 2011, TrustBank và Western Bank là 2 cái tên được chú ý nhất.

Cụ thể, thương vụ hợp nhất của Western Bank với PVFC để trở thành Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVComBank) có vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng. Với TrustBank, NHNN đã chấp thuận phương án sử dụng nguồn lực từ Tập đoàn Thiên Thanh để tái cơ cấu và đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam.

Thương vụ DaiABank sáp nhập HDBank, ngân hàng sau sáp nhập sẽ có vốn điều lệ 8.100 tỷ đồng, tổng tài sản trên 85.000 tỷ đồng. Hiện NHNN cho biết đã xác định thêm 8 tổ chức tín dụng yếu kém khác. Danh sách chi tiết không được công bố.

7. Lần đầu tiên đấu thầu vàng miếng

Lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức đấu thầu bán vàng, nhằm tăng nguồn cung vàng miếng, ổn định thị trường vàng. Từ phiên đấu thầu đầu tiên tổ chức ngày 28-3 với số vàng miếng chào bán 26.000 lượng, đến ngày 20-12 đã có 75 phiên đấu thầu được tổ chức.

Qua đó, NHNN đã bán ra thành công 1.799.900 lượng vàng (tương đương 69,2 tấn) trên tổng số 1.912.000 lượng chào thầu. Cùng với đó, thị trường vàng trong nước dần ổn định, nhưng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn còn khoảng 4 triệu đồng/lượng.

8. Kỳ vọng TPP

Tháng 12-2013, tại Singapore đã diễn ra vòng đàm phán thứ 20 về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham dự của đại diện 12 nước thành viên: Australia, Brunei, Chile, Canada, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Nếu TPP được ký kết sẽ có trên 90% dòng thuế với hàng hóa xuất nhập khẩu giữa 12 nước được hạ xuống bằng 0%. Tuy nhiên, vòng đàm phán này đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận. Như vậy, sau hơn 3 năm đàm phán, bắt đầu từ tháng 3-2010, TPP đã trải qua 20 vòng đàm phán nhưng không thể đạt được do còn nhiều bất đồng. Cuộc đàm phán tiếp theo dự kiến diễn ra trong tháng 1-2014.

9. Phóng thành công vệ tinh VNREDSat-1

Ngày 7-5-2013, vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 đã được phóng thành công vào vũ trụ bằng tên lửa đẩy VEGA từ bãi phóng Kourou (Guyana thuộc Pháp). VNREDSat-1 là vệ tinh quang học quan sát trái đất, có khả năng chụp ảnh toàn bộ các khu vực trên bề mặt trái đất. Nhiệm vụ của VNREDSat-1 chụp ảnh lãnh thổ Việt Nam, gồm cả phần lục địa và vùng biển, đáp ứng nhu cầu về ảnh viễn thám phục vụ công tác quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thiên tai…

VNREDSat-1 (có mức đầu tư 55,8 triệu EUR từ nguồn vay ODA ưu đãi của chính phủ Pháp và 65 tỷ đồng từ nguồn vốn đối ứng của Việt Nam) nặng khoảng 120kg, tuổi thọ theo thiết kế là 5 năm.

10. Thiên tai diễn biến phức tạp

2013 được coi là năm kỷ lục của bão và áp thấp nhiệt đới trong suốt 50 năm qua. Thiên tai bão lũ diễn biến phức tạp và bất thường, với 15 cơn bão xuất hiện trên biển Đông, trong đó 8 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.

Đặc biệt, các siêu bão Wutip, Nari rồi đến Haiyan với sức hủy diệt kinh khủng nhất từ trước tới nay làm hàng chục người chết, thiệt hại hơn 11.000 tỷ đồng, nhiều tỉnh miền Trung chìm trong trận lũ lịch sử. Đây là những cảnh báo về sự biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến nước ta.

Các tin khác