Trải nghiệm đối đầu thử thách

(ĐTTCO)- Khi nhắc đến các thương hiệu sữa Việt nổi tiếng có một điều khá trùng hợp là các DN sữa đều được điều hành bởi các “nữ tướng” và Dolsure Nutrition cũng không ngoại lệ. Công ty này được gầy dựng bởi tâm huyết của bà PHẠM THỊ KIM OANH (ảnh). 
 
PHÓNG VIÊN: - Bà có thể chia sẻ hành trình gầy dựng CTCP Dinh dưỡng Dolsure?
Bà PHẠM THỊ KIM OANH: - Cách đây hơn 20 năm khi rời ghế nhà trường tôi đã xác định con đường đi cho mình là ngành dinh dưỡng thực phẩm. Xuất phát điểm tôi mở một cửa hàng tạp hóa bán các mặt hàng sữa, bơ, bánh… để làm quen.
Sau một thời gian tôi tiến tới chuyên nhập khẩu và bán sỉ sữa, sản phẩm từ sữa cho các đơn vị sản xuất bánh kẹo. Đến năm 2001, nhìn thấy tiềm năng thị trường sữa tôi quyết định thành lập Công ty Hancofood chuyên sản xuất và phân phối sữa bột ra thị trường. Nhà máy của tôi lúc này có công suất 5.000 tấn/năm.
Những thuận lợi bước đầu khiến tôi quyết định đầu tư thêm nhà máy bánh kẹo khi Hancofood đã hoạt động được 5 năm. Vốn đầu tư cho nhà máy bánh kẹo mới gần 200 tỷ đồng với 5 dây chuyền sản xuất. Đang đầu tư kinh doanh thuận lợi, thời điểm 2007-2008 khủng hoảng kinh tế toàn cầu ập đến, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của công ty. 
Trải nghiệm đối đầu thử thách ảnh 1
Trong bối cảnh nhiều DN phải thu hẹp quy mô hoạt động, thậm chí phá sản, đã khiến tôi trăn trở, lo nghĩ rất nhiều. Câu hỏi tôi đặt cho mình rất nhiều lần là “cần làm gì để có tương lai tốt hơn”. Cuối cùng tôi đã tìm được câu trả lời là tập trung vào giá trị cốt lõi chuyên ngành sữa và dinh dưỡng của mình, cắt bỏ mảng bánh kẹo. Thực tế sau này quyết định trên của tôi đã đúng.
Dĩ nhiên sau khi cắt mảng bánh kẹo tôi phải tiến hành tái cấu trúc toàn bộ DN, dồn vốn đầu tư công nghệ cao cho nhà máy đạt chuẩn GMP sản xuất sữa sơ sinh, sữa bột và ngũ cốc dinh dưỡng công suất 23.000 tấn/năm. Thời điểm này tôi cũng quyết định tái cấu trúc thương hiệu, lấy tên là CTCP Dinh dưỡng Dolsure (Dolsure Nutrition).
Khoảng thời gian đó thực sự không dễ dàng nhưng tôi và các cộng sự đã vượt qua khó khăn, đi đến ngày hôm nay. 
- Thị trường sữa đặc biệt là mảng sữa bột có sự cạnh tranh khá gay gắt, Dolsure đã chọn cách đi nào cho riêng mình, thưa bà? 
- Hiện chúng tôi chọn hướng đi tập trung vào thị phần trẻ phân khúc trung bình và các vùng nông thôn (chiếm70% thị phần Dolsure). Chúng tôi đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển để cho ra thị trường những sản phẩm có giá trị, có thể sánh vai với các thương hiệu lớn.
Trong bối cảnh cạnh tranh trong ngành sữa khá gay gắt, Dolsure đã chọn cách hợp tác với nhiều thương hiệu uy tín, thông qua việc làm ODM (sản xuất thiết kế gốc) cho họ. Với cách làm này chúng tôi cùng nhau lớn mạnh và phát huy tốt nhất năng lực của mỗi bên. Dolsure cung ứng sản phẩm theo tiêu chuẩn của khách hàng dù là đối tác khó tính nhất. 
- Người tiêu dùng vẫn còn thói quen thích sử dụng hàng ngoại, Dolsure làm như thế nào để thay đổi và chinh phục họ? Tham vọng của bà sẽ chiếm bao nhiêu thị phần thị trường? 
- Việc thích các sản phẩm sữa ngoại chủ yếu vẫn là tâm lý của một bộ phận người tiêu dùng ở các thành phố lớn có thu nhập cao. Còn với những người tiêu dùng có thu nhập vừa phải, nhất là ở khu vực nông thôn vẫn tin tưởng hàng Việt. Thực sự nói về công nghệ sản xuất các DN làm ăn nghiêm túc ở Việt Nam đầu tư không thua kém DN nước ngoài. Nhưng thương hiệu ngoại đã có từ lâu đời và họ quảng bá cũng tốt hơn nên giá thành cao hơn nhiều. 
Việc người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến dinh dưỡng và sức khỏe cũng như tin tưởng vào chất lượng các thương hiệu nội, cho thấy thị trường sữa Việt còn rất tiềm năng. Vì thế chúng tôi lên kế hoạch trong 5 năm tới Dolsure sẽ chiếm khoảng 10-12% thị phần trên thị trường. Để làm được điều này, ngoài việc đầu tư phát triển sản phẩm Dolsure sẽ đẩy mạnh nhận diện thương hiệu trong thời gian tới. 
- Được biết ngoài sữa, công ty còn làm thêm 2 dòng sản phẩm trà và cà phê. Bà có thể chia sẻ chiến lược cho 2 dòng sản phẩm này. 
- Các sản phẩm sữa của Dolsure không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang một số thị trường khu vực và thế giới. Trong quá trình làm việc, nhận thấy một số đối tác tiềm năng có nhu cầu về sản phẩm cà phê và trà, chúng tôi đã quyết định mở rộng danh mục sản phẩm của mình.
Theo đó, chúng tôi đã đầu tư nhà máy sản xuất cà phê và trà công suất 3.000 tấn/năm. Hiện 2 dòng sản phẩm này đều xuất khẩu đều đặn. Trong tương lai tôi đang có kế hoạch mở rộng các nhà máy sản xuất của mình, đồng thời cũng muốn tìm kiếm nhà đầu tư có thể đồng hành lâu dài với Dolsure. 
- Rủi ro trong sản xuất các sản phẩm liên quan đến sức khỏe là điều không DN nào muốn. Nhưng đã có những thương hiệu lớn bị sự cố không nhỏ. Với Dolsure bà làm như thế nào để hạn chế rủi ro?
- Ở Dolsure chúng tôi sử dụng công cụ quản lý như kiểm soát chặt đầu vào, kiểm soát tốt nhất quy trình; cập nhật liên tục các thông tin mới, những khuyến cáo của các tổ chức uy tín trên thế giới liên quan đến các chỉ tiêu sản phẩm. Mỗi cá nhân trong công ty luôn phải chịu trách nhiệm với công việc mình được giao.
Nếu làm tốt tất cả các khâu rất ít rủi ro. Tất nhiên cũng có những tác động DN không tính hết được. Nhưng đến thời điểm này sau 16 năm gắn bó với nghề làm sữa, tôi có thể khẳng định  Dolsure chưa hề xảy ra sự cố đáng tiếc nào.
- Xin cảm ơn bà.
 Tôi là người thích đối đầu với thử thách và chưa bao giờ nản lòng hay đổ thừa bất cứ điều gì. Trước mỗi khó khăn tôi thường đặt câu hỏi vì sao và đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi đó. Việc phải cắt bỏ mảng bánh kẹo cũng có thể xem như thất bại khi tôi muốn đầu tư đa ngành. Nhưng thất bại với tôi luôn là những trải nghiệm tốt, vì đó là lúc mình nhìn lại để học hỏi được nhiều hơn.

Các tin khác