THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TPHCM: Cần giải pháp đột phá phát triển

(ĐTTCO) - TPHCM là một trung tâm kinh tế đa diện, đồng thời là một động lực kinh tế quan trọng của cả nước, nên được xem là đầu tàu dẫn dắt kinh tế quốc gia. 
Vai trò đó được thể hiện trên nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Trong suốt 30 năm đổi mới nền kinh tế, ngân sách TPHCM thường xuyên giữ một vị thế quan trọng, chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách nhà nước.
Nhìn nhận các bất cập và yêu cầu cơ chế đặc thù

Vai trò của TPHCM được khẳng định trên nhiều góc độ kinh tế - xã hội, thường xuyên có tốc độ tăng trưởng cao, ngay cả trong thời kỳ kinh tế gặp khủng hoảng tài chính - tiền tệ. Năm 2016, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế chung cả nước đạt thấp, kinh tế TPHCM ước đạt 1.023.926 tỷ đồng, tăng 8,05% so với 2015, GRDP đạt 8-8,5%.
Khu vực dịch vụ tăng 8,07%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,88%. Xuất khẩu tăng trưởng khá, nếu không tính giá trị dầu thô đạt 29,2 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ. Chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7,33% so cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt, bình quân 12 tháng tăng 1,98% so cùng kỳ; thị trường ổn định, cung cầu hàng hóa được đảm bảo.
Thu ngân sách thực hiện 307.336 tỷ đồng, đạt 103,03% dự toán, tăng 12,43% so cùng kỳ. Các mặt hoạt động văn hóa - giáo dục - y tế - xã hội không ngừng được nâng cao. Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Đến cuối 2016 TPHCM đạt mức thu nhập bình quân đầu người trên GDP xấp xỉ 5.500USD, gấp hơn 2 lần mức bình quân cả nước (bình quân cả nước 2.200USD).

Tuy nhiên so với các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, TPHCM cần có bước tiến “thần tốc” hơn. Hạn chế nổi bật nhất làm cản ngại sự phát triển là rào cản thể chế và cơ chế, chính sách hiện hành. Điều này đang kiềm hãm tiềm năng và nội lực vốn có. Do vậy, cần trao cho TP một cơ chế hay quy chế đặc thù thích ứng nhằm khai thác mọi tiềm lực kinh tế và tạo ra bước phát triển đột phá.
Cơ chế hay quy chế đặc biệt đó cần hướng vào các phương diện sau: Quy chế đặc thù về tài chính, ngân sách, nhằm mở rộng quyền tự chủ và linh hoạt; quy chế đặc thù về tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không hạn chế mức đầu tư, nếu nó mang đến hiệu quả cao; quy chế đặc thù về quản lý đô thị - một chính quyền có thực quyền trong xây dựng và phát triển.

Hiện tại ở Việt Nam nhìn trên góc độ cấu trúc về trình độ công nghệ, công nghệ cao mới chiếm khoảng 20% còn là công nghệ thấp, thâm dụng nhiều lao động. Riêng TPHCM cấu trúc này là >30 và <70% công nghệ cao, chủ yếu tập trung ở các ngành kinh tế mũi nhọn như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới.
Cộng hưởng với chúng là các ngành cơ khí chính xác, cơ khí chế tạo và dịch vụ là tài chính - ngân hàng. Hiện trạng, sản phẩm công nghệ cao chủ yếu được sản xuất từ vốn FDI, chiếm gần 90%. Thị phần này của Việt Nam chỉ khoảng 9%. Cơ cấu về trình độ công nghệ như trên khó tạo thành đòn bẩy cho bước nhảy vọt trong thời gian ngắn. 

Cơ cấu kinh tế TPHCM hiện tại là dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Cấu trúc trên nếu đã qua giai đoạn công nghiệp hóa là cấu trúc lành mạnh. Nhưng tình trạng kinh tế TP hiện nay, khó có thể nói là cấu trúc bền vững. Bởi sự phát triển của dịch vụ, suy cho cùng vẫn được quyết định bởi kết quả hoạt động của khu vực I (công nghiệp và xây dựng) và khu vực II (sản xuất nông nghiệp). Tuy nhiên, cả 2 khu vực nói trên vẫn chưa đạt tới trình độ tiên tiến cần có, theo nguyên lý kinh tế quyết định tài chính.
Trong khi đó, kinh tế Việt Nam hiện còn thiếu ổn định, đồng thời chưa hồi phục hoàn toàn sau khủng hoàng tài chính năm 2008 nên thị trường tài chính cũng chưa thật ổn định. Ngân sách thành phố còn nhỏ bé, mất cân đối, nợ công của Quốc gia đang chiếm 64.98% GDP. Có thể nói ngân sách quốc gia nói chung và ngân sách TPHCM nói riêng đều đang trong tình trạng ngân sách tiêu dung, chưa phải là ngân sách phát triển. 
TPHCM: Cần giải pháp đột phá phát triển ảnh 1 Dây chuyền lắp ráp xe khách ROSA tại Nhà máy ôtô Thương mại SAMCO. 
Phát triển các ngành kinh tế chủ lực, mũi nhọn
TPHCM là đô thị lớn nhất nước, có nhiều thế mạnh nội tại nhưng lại bị ràng buộc bởi nhiều cơ chế cứng nhắc, làm mất tính chủ động và tự quyết trong thực hiện chức năng kinh tế - xã hội nhằm tăng tốc phát triển “nóng” hơn. Để tạo bước phát triển đột phá cho TPHCM, với định hướng phấn đấu đến năm 2025 trở thành trung tâm kinh tế đa diện của khu vực và giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế đất nước.
Đến năm 2030 trở thành siêu đô thị hiện đại tầm cỡ khu vực và quốc tế; nâng thu nhập bình quân đầu người trên GDP xấp xỉ 12.000USD. Theo tôi, cần ưu tiên đầu  tư phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, trật tự ưu tiên đầu tư các ngành như sau:

- Công nghệ thông tin: Hướng vào các ngành sản phẩm bằng vi tính, chíp điện tử, điện thoại di động, thẻ tín dụng; vận dụng công nghệ thông tin vào phát triển hệ thống viễn thông, thương mại điện tử; thâm nhập công nghệ tự động hóa cũng như mọi phương diện của đời sống kinh tế - xã hội để tiết kiệm thời gian lao động, cũng chính là giải pháp nâng cao năng suất.

- Công nghệ vật liệu mới:
Vật liệu được chế biến từ tài nguyên thiên nhiên dần đã cạn kiệt. Vật liệu mới thay thế đang là nhu cầu bức xúc. Vật liệu được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm tiêu dùng thường ngày trong gia đình, trong xây dựng đến các ngành công nghiệp chế tạo như sản xuất ô tô, xe lửa, tàu thủy, các ngành công nghệ cao như hàng không, vũ trụ và kỹ thuật quân sự.
Nhu cầu tiêu dùng trong kinh tế - xã hội rất lớn và sản phẩm có giá trị gia tăng nhanh. Việc nghiên cứu chế tạo vật liệu mới thay thế vật liệu truyền thống có ý nghĩa kinh tế rất lớn, hiệu quả kinh tế cao và lượng tích lũy tiền tệ cho ngân sách luôn gia tăng với giá trị gia tăng của chúng. Đây là ngành kinh tế mũi nhọn được ưu tiên thứ hai mà TP cần xúc tiến.

- Công nghệ sinh học: Phát triển công nghệ sinh học cần nhắm đến phục vụ cho phát triển nông nghiệp bền vững; công nghệ sản xuất phục vụ y tế, bảo vệ sức khỏe; công nghệ phục vụ các ngành công nghiệp và công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường.

Tùy vào điều kiện mà lựa chọn thích ứng các ngành kinh tế mũi nhọn theo trình tự ưu tiên được đề cập trên. Tuy nhiên, theo chúng tôi cần tập trung phát triển nhanh và mạnh hơn vào công nghệ thông tin bởi vai trò của nó trong thúc đẩy quá trình tiến bộ khoa học công nghệ.
Trước mắt đầu tư phát triển mạnh hơn Trung tâm Phần mềm Quang Trung và các khu công nghệ cao ở TPHCM; tiến tới làm chủ các khu công nghệ cao từ vốn đầu tư của nước ngoài. Các ngành kinh tế chủ lực - là các ngành tạo dựng nền tảng cho tiến trình tăng trưởng phát triển kinh tế bền vững, bao gồm các ngành chế tạo năng lượng, cơ khí, hóa chất (đặc biệt là hóa hữu cơ, hóa sinh, hóa dược), xây dựng cơ  bản...
Các ngành kinh tế này cần khuyến khích phát triển ở các cấp độ quy mô khác nhau, bởi nó khai thác mọi tiềm năng kinh tế, tạo nhiều việc làm và đóng góp không ít nguồn tích lũy kinh tế và ngân sách quốc gia. Ngành kinh tế này nên chuyển giao cho kinh tế tư nhân, Nhà nước không cần nắm giữ.
 Hiện nay ở TPHCM các ngành kinh tế công nghệ cao chỉ chiếm gần 30%. Tỷ trọng này chưa đủ để tạo bước nhảy vọt thực sự. Hướng tới TP cần ưu tiên gọi vốn đầu tư vào 5 ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là 3 ngành công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới; cần có chính sách ưu đãi thích đáng đối với vốn đầu tư trong nước cho các ngành trên. Chỉ có thể dựa vào ưu thế này mới tạo ra được thế bứt phá trong kinh tế TPHCM.

Các tin khác