Thấy lợi ích, hộ kinh doanh sẽ lên đời

(ĐTTCO) - Khuyến khích hộ kinh doanh chuyển lên DN đang là vấn đề nóng được quan tâm trong thời gian gần đây. Dù lãnh đạo TPHCM và các sở ngành đang rất nỗ lực tạo mọi điều kiện cho hộ kinh doanh chuyển đổi, nhưng vẫn còn nhiều lý do khiến chủ hộ kinh doanh ngần ngại lên DN. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với LS. PHẠM NGỌC HƯNG (ảnh), Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM.

(ĐTTCO) - Khuyến khích hộ kinh doanh chuyển lên DN đang là vấn đề nóng được quan tâm trong thời gian gần đây. Dù lãnh đạo TPHCM và các sở ngành đang rất nỗ lực tạo mọi điều kiện cho hộ kinh doanh chuyển đổi, nhưng vẫn còn nhiều lý do khiến chủ hộ kinh doanh ngần ngại lên DN. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với LS. PHẠM NGỌC HƯNG (ảnh), Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM.

Chứng minh lợi ích thiết thực khi chuyển đổi 

PHÓNG VIÊN: - Có ý kiến cho rằng bên cạnh các chính sách khuyến khích cần có biện pháp thực thi nghiêm túc với những hộ đủ điều kiện nhưng không chịu lên DN. Ông đánh giá sao về ý kiến này?

 LS. PHẠM NGỌC HƯNG: - Trước hết phải khẳng định Nhà nước cũng như chính quyền TPHCM không bắt buộc các hộ kinh doanh phải chuyển lên DN, chỉ khuyến khích thông qua những chính sách phù hợp. Song với những hộ kinh doanh sử dụng từ 10 lao động trở lên theo Luật DN năm 2014, kể từ ngày 1-7-2015 phải đăng ký thành lập DN.

Tuy nhiên, để các hộ kinh doanh lên DN cần phải cho họ thấy được những lợi ích thiết thực khi chuyển đổi. Bởi nếu không rất dễ xảy ra trường hợp lách luật khi họ chỉ ký hợp đồng với 7-8 lao động, thậm chí sử dụng lao động trong gia đình.

Vì thế, theo tôi cần khuyến khích chuyển đổi những hộ kinh doanh phù hợp, không phải cứ hộ kinh doanh có 10 lao động là buộc lên DN. Chẳng hạn hộ kinh doanh phở đơn thuần mà chuyển lên DN e không phù hợp. Nhưng cũng kinh doanh phở với những thương hiệu có tiếng, hoặc mở chuỗi cần tăng tính cạnh tranh, hoặc cần được pháp luật bảo vệ trong nhiều vấn đề, thì rất nên chuyển đổi thành DN.

Theo quan điểm cá nhân của tôi, việc chuyển hộ kinh doanh lên DN cần trả lời 2 câu hỏi: có tạo ra nhiều lợi ích cho xã hội hay không và các cơ sở kinh doanh có thực sự cần nâng cao tính cạnh tranh hay không.

- Một trong những trở ngại hiện nay là hộ kinh doanh ngại thủ tục lên DN, thích hưởng thuế khoán và ít bị cán bộ thuế thanh kiểm tra? 

Thực tế nhiều DN đang phát triển mạnh hiện nay đi lên từ mô hình hộ kinh doanh cá thể. Vì thế, phải cho hộ kinh doanh thực sự nhìn thấy cái lợi được hưởng họ mới sẵn sàng chuyển lên DN, không chỉ dừng lại ở kêu gọi suông. Theo đó, TP phải tạo ra môi trường kinh doanh tốt, tạo điều kiện thuận lợi để mọi cá nhân mở rộng đầu tư theo khả năng của họ. Tức khi đã thấy được lợi ích thiết thực, nhiều hộ kinh doanh sẽ tự động chuyển lên DN.

- Có thế thấy ngành thuế đang có những động thái rất tích cực như Cục Thuế TP đã triển khai các hình thức hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận các kênh thông tin của cơ quan thuế như website, tài liệu hướng dẫn về các chương trình thủ tục thuế…

Nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ liên quan đến lĩnh vực thuế như đại lý thuế, dịch vụ chứng thư số, dịch vụ cấp phần mềm kế toán cũng đang tham gia thực hiện chương trình hỗ trợ DN khởi nghiệp của Cục Thuế. Bên cạnh đó nhiều đơn vị còn cho biết sẽ miễn phí nhiều dịch vụ để khuyến khích hộ kinh doanh cá thể dễ dàng chuyển đổi lên DN.

Tuy nhiên, khi tôi tiếp cận với một số hộ kinh doanh thấy họ còn ngần ngại nhiều vấn đề như phát sinh chi phí thuê kế toán, sợ thủ tục rườm rà và đương nhiên rất ngại các cuộc thanh kiểm tra của cơ quan chức năng.

 Riêng việc hộ kinh doanh thích chế độ thuế khoán hơn, theo tôi thuế khoán cũng là chính sách của Nhà nước, cần phải đặt câu hỏi có hay không việc đi đêm giữa cán bộ thuế và hộ kinh doanh để hưởng thuế khoán ít hơn, không phải chỉ đổ hết cho hộ kinh doanh.

Về việc nhiều hộ kinh doanh ngại lên DN không chỉ từ các chính sách thuế mà còn liên quan đến chính con người và cách thức quản trị khi chuyển đổi. Đó là chưa kể khi ở loại hình hộ kinh doanh họ quyết gì được ngay, nhưng khi lên mô hình DN sẽ vướng nhiều thủ tục.

Nhắm trúng đối tượng

- Rất nhiều vướng mắc trong hành trình khuyến khích hộ kinh doanh lên DN như ông vừa chia sẻ. Vậy làm sao để hoàn thành mục tiêu của TP là chuyển đổi ít nhất từ 20.000 - 25.000 hộ lên DN trong giai đoạn 2016 - 2017 thưa ông?

- Theo kế hoạch phát triển DN trên địa bàn, trong năm 2017 TPHCM sẽ có 60.000 DN, trong đó khoảng 20.000 hộ cá thể chuyển đổi lên và 43.000 DN thành lập mới. Để đạt 20.000 hộ kinh doanh lên DN, quận 1 phải vận động 2.324 hộ kinh doanh, quận 7 là 1.531, quận Bình Tân 1.754, quận Bình Thạnh 1.462…

Không nhất thiết cứ hộ kinh doanh 10 lao động phải lên DN, như quán phở sẽ không phù hợp.

Không nhất thiết cứ hộ kinh doanh 10 lao động phải lên DN, như quán phở sẽ không phù hợp.

Tuy nhiên, đến nay số hộ cá thể tại 24 quận, huyện đã đồng thuận chuyển đổi sang mô hình DN chưa vượt qua con số hàng trăm. Đơn cử, trên địa bàn quận 1 Phòng Kinh tế quận đã phối hợp với Chi cục Thuế rà soát 1.000 hộ kinh doanh có doanh thu từ 2 tỷ đồng/năm trở lên chuyển đổi DN. Trong đó, 421 hộ đóng thuế trên 100 triệu đồng/năm, Phòng Kinh tế quận đã triển khai danh sách 421 hộ này về các phường, ban quản lý chợ Bến Thành, chợ Dân Sinh để vận động chuyển đổi lên DN.

Song đến nay mới có 8 hộ chuyển đổi lên DN và Chi cục Thuế quận 1 vận động hơn 10 hộ chuyển đổi, nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở Kế hoạch - Đầu tư. Hay như quận Bình Tân có hơn 20.000 hộ kinh doanh cá thể, trong đó 127 hộ đủ điều kiện chuyển đổi thành DN. Qua vận động mới 13 hộ đồng ý và đã chuyển đổi thành DN trong năm 2016, 12 hộ đồng ý chuyển đổi vào năm 2017.

 Để thực hiện mục tiêu trên, tôi nghĩ tất cả phải đặt quyết tâm rất lớn trong hành trình này. Hiện TP đã đưa ra 7 chương trình đột phá, bao gồm: Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Chương trình cải cách  hành chính; Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP; Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; Chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Chương trình giảm ô nhiễm môi trường; Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị. Các DN rất quan tâm đến 3 chương trình đầu và kỳ vọng TP sẽ ưu tiên dành nguồn vốn cho các chương trình này.

Tóm lại, việc khuyến khích hộ kinh doanh lên DN phải nhắm đúng đối tượng. Đặc biệt phải cho họ thấy rõ những lợi ích khi chuyển đổi lên DN như việc tiếp cận nguồn vốn, lợi ích cạnh tranh khi xây dựng thương hiệu. Hiện nay chỉ riêng việc vốn khi chuyển lên DN cũng thuận lợi hơn.

Cụ thể, NHNN đã ban hành Thông tư 39 bổ sung quy định về khách hàng vay tại tổ chức tín dụng chỉ là pháp nhân, cá nhân. Như vậy, với việc hình thành DN, các hộ kinh doanh cá thể thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng.

Cùng với đó, khi trở thành DN cơ hội tiếp cận những chương trình hỗ trợ của Nhà nước cũng như của TP cũng thuận lợi hơn, nhất là trong bối cảnh vai trò của DN ngày càng được khẳng định, nhiều chính sách được đưa ra để hỗ trợ mạnh mẽ sự phát triển của DN.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác