Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi

 
(ĐTTCO) - Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động. Một trong những giải pháp quan trọng nhằm hoàn thành mục tiêu này là tạo điều kiện, hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật DN.

Và để làm được việc này cần có chính sách thiết thực, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hộ kinh doanh mới có động lực để chuyển đổi lên DN.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Tại diễn đàn “Chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN”, khi nói về vấn đề nhận thức của hộ kinh doanh khi chuyển đổi lên DN, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhìn nhận các hộ kinh doanh đã nhận thức rõ thuận lợi và khó khăn khi chuyển đổi từ vài năm trước. Họ biết rất rõ lợi ích của việc “chính thức hóa” hoạt động kinh doanh như chính xác, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các loại hình kinh doanh; nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, vốn, tín dụng.

Trong khi đó nếu ở mô hình hộ kinh doanh sẽ có nhiều hạn chế về pháp luật hơn so với DN, như hạn chế quyền kinh doanh đăng ký tại 1 địa điểm, hoạt động kinh doanh trong phạm vi quận huyện, không mở chi nhánh, văn phòng đại diện…); hạn chế quy mô sử dụng lao động, huy động vốn. Tuy nhiên họ vẫn chọn mô hình kinh doanh là hộ cá thể vì “dễ thở” hơn khi làm DN.

Chẳng hạn nếu là DN với môi trường kinh doanh hiện nay, thời gian và chi phí khởi sự mất ít nhất 24 ngày. Gặp khó khăn, muốn rút khỏi thị trường mất 60 tháng và mất 540 ngày cho thời gian trả thuế. Chưa kể, khó khăn trong thuê tuyển, sa thải lao động. Trong khi đó so với DN, hộ kinh doanh có những lợi thế hơn. Chẳng hạn đơn giản hơn chế độ sổ sách kế toán: hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập, lệ phí thành lập chỉ bằng 50% lệ phí thành lập DN. Chỉ có 6 loại sổ sách kế toán so với vài chục loại của DN vừa và nhỏ. Họ chỉ cần đóng thuế môn bài, nộp kê khai hoặc thuế khoán, không phải đóng VAT, thu nhập cá nhân hoặc thu nhập DN, thuê, tuyển lao động dễ dàng hơn...

Trong việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên DN có lẽ thuế là vấn đề được bàn đến và quan tâm nhiều nhất. Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam đã có những phân tích xung quanh vấn đề này. Một trong những khúc mắc của hộ kinh doanh chính là lên DN làm gì để phải đóng thuế nhiều hơn, phải lưu trữ sổ sách thuế. Hiện nay nhiều hộ kinh doanh chỉ cần một cuốn sổ chợ là có thể kinh doanh được nhưng lên DN theo quy định phải lập đến 5 báo cáo khác nhau, trong đó có báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Nhưng DN nhỏ cần gì.

Về chuẩn mực kế toán cũng chưa phù hợp có các vấn đề quá phức tạp không phát sinh ở các DNNVV như báo cáo tài chính hợp nhất, các báo cáo bộ phận… Vậy tại sao không có hình thức kế toán cho DN siêu nhỏ với những chuẩn mực phù hợp. Đó là chưa nói đến thuế suất thuế thu nhập DN. Cụ thể, từ năm 2014 đến 31-12-2015 quy định DN có danh thu đến 20 tỷ đồng/năm có thuê suất 20%, doanh thu khác thuế suất 22%, nhưng từ 1-1-2016 mức thuế suất thuế TNDN áp dụng chung cho các DN, không phân biệt quy mô. Ngoài ra còn những vấn đề liên quan đến việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm bắt buộc. Hiện theo khảo sát tỷ suất bảo hiểm bắt buộc trên thu nhập của DN Việt Nam cao hơn 2 lần so với ASEAN 6. Nếu xét theo tỷ lệ đóng góp thực tế của DN về các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội thì Việt Nam cũng là quốc gia cao nhất.

Nâng cao tính minh bạch

“Lắng nghe phân tích của các chuyên gia tôi thấy khi chuyển đổi mô hình kinh doanh

Hãy để hộ kinh doanh tự suy nghĩ, lựa chọn mô hình cho mình. Song trong bối cảnh hội nhập hiện nay yêu cầu về minh bạch là chuẩn mực quan trọng và khi là DN việc minh bạch sẽ dễ dàng hơn.
Ông Vũ Tiến Lộc,
Chủ tịch VCCI
lên DN chúng tôi phải chịu nhiều chi phí hơn trong khi không thấy rõ lợi ích. Tại sao cơ quan thuế không có chính sách miễn thuế 3 năm đầu làm động lực cho chúng tôi chuyển đổi” - đại diện một hộ kinh doanh chia sẻ băn khoăn.

Trả lời câu hỏi này, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế, nhìn nhận khó khăn khi chuyển đổi mô hình hộ kinh doanh lên DN đã được phân tích nhiều song cũng không nên chỉ nhìn vào chi phí, còn lợi ích là kết quả của quá trình hoạt động lâu dài.

Theo bà Lan, về chính sách ưu đãi thuế như miễn thuế 3 năm đầu Tổng cục Thuế đã tính đến nhưng không thể đưa ra. Lý do trong khoảng 1,6 triệu hộ kinh doanh cá thể, ngành thuế chỉ kỳ vọng 5-6% số hộ có doanh thu lớn, kinh doanh ngành nghề đặc thù… chuyển đổi. Nếu áp dụng chính sách miễn thuế những năm đầu sẽ rất nhiều hô chuyển đổi lên DN nhằm hưởng chính sách, nhưng hết thời gian lại quay về hộ kinh doanh.

Việc lấn cấn trong chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên DN hiện chia làm 2 nhóm: nhóm các hộ làm ăn chân chính do ngại thủ tục nên chưa chuyển đổi; nhóm núp bóng hộ kinh doanh để lợi dụng chính sách thuế khoán. Song từ nay đến năm 2020 chính sách thuế sẽ hoàn thiện, thuế điện tử sẽ áp dụng cả cho hộ kinh doanh và khi đó hộ kinh doanh sẽ tự chọn mô hình là hộ hay lên DN.

Cũng bàn chi phí, ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng Cục thuế TPHCM, cho biết không đồng tình với quan điểm khi lên DN phải nộp thuế cao hơn mà cần hiểu rằng khi lên DN sẽ minh bạch hơn. Trước việc hộ kinh doanh lo ngại về thời gian thực hiện thủ tục thuế, số sách, chi phí… vừa qua Cục thuế TP đã kết nối với các DN cung cấp dịch vụ để cùng hỗ trợ DN khởi nghiệp và hộ kinh doanh chuyển lên DN.

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi ảnh 1 Hộ kinh doanh ngại lên DN vì sợ bị thanh kiểm tra thường xuyên.

Cụ thể nhiều đơn vị sẽ miễn phí dịch vụ khai thuế 12 tháng đầu tiên, miễn phí 12 tháng đầu tiên tư vấn thuế thường xuyên, miễn phí phần mềm khai báo thuế trong 1 năm… Song ông Bình cũng nhấn mạnh, cục thuế cũng như các cơ quan nhà nước đang xây dựng môi trường chung nhằm phát triển kinh tế tư nhân, không phải chỉ dành riêng cho hộ cá thể lên DN. Điều này cũng nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia và đại biểu.
Dưới góc nhìn của người đại diện cho cộng đồng DN, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh DN siêu nhỏ đang trở thành vấn đề trung tâm của nhiều nền kinh tế, rất nhiều DN trở thành động lực của các nền kinh tế là DN siêu nhỏ. Ở đây vấn đề chuyển hộ kinh doanh sang DN cũng chính là chuyển sang mô hình DN siêu nhỏ. Về bản chất hộ kinh doanh chính là DN nhưng hình thức pháp lý khác nên mấu chốt là kéo các quy định pháp lý để khuyến khích. Cụ thể nâng cao yêu cầu với hộ kinh doanh nhưng hạ thấp yêu cầu với DN siêu nhỏ sẽ gần lại nhau hơn. Như chính sách thuế, kế toàn cho DN siêu nhỏ nên đơn giản.

Các tin khác