Tạo cú hích phát triển nông nghiệp đô thị

(ĐTTCO) - Nền nông nghiệp Việt Nam đối mặt nhiều thách thức: Phần lớn nông sản xuất khẩu thô, giá trị gia tăng thấp, không có thương hiệu, đầu ra nông sản bấp bênh. Do đó, việc khuyến khích phát triển mạnh loại hình doanh nghiệp (DN) nông nghiệp gắn sản xuất, chế biến tinh là rất cần thiết, giúp ổn định giá cả, nâng cao thu nhập cho nông dân. TPHCM góp phần giải quyết bài toán này như thế nào.

(ĐTTCO) - Nền nông nghiệp Việt Nam đối mặt nhiều thách thức: Phần lớn nông sản xuất khẩu thô, giá trị gia tăng thấp, không có thương hiệu, đầu ra nông sản bấp bênh. Do đó, việc khuyến khích phát triển mạnh loại hình doanh nghiệp (DN) nông nghiệp gắn sản xuất, chế biến tinh là rất cần thiết, giúp ổn định giá cả, nâng cao thu nhập cho nông dân. TPHCM góp phần giải quyết bài toán này như thế nào.

 

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Phước Trung về vấn đề này.

- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, lãnh đạo TP chủ trương lắng nghe và tích cực tháo gỡ khó khăn của DN, cam kết hành động và kiến nghị tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để DN mọi thành phần phát triển bình đẳng, lành mạnh. Ở lĩnh vực nông nghiệp, các DN hoạt động ra sao, có vướng mắc gì cần khai thông để phát triển?

- Ông NGUYỄN PHƯỚC TRUNG: Hiện nay, TPHCM có 650 DN nông nghiệp, riêng 9 tháng năm 2016 thành lập mới 149 DN. Lĩnh vực kinh doanh của DN nông nghiệp TP rất đa đạng, như sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; xuất khẩu cá cảnh, cá sấu.

Tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP (xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi) đang có 14 dự án đầu tư với tổng diện tích 56,8ha, tổng vốn đầu tư đạt 450 tỷ đồng. Các dự án này tập trung chủ yếu vào lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao trong chọn tạo, nhân giống cây trồng có năng suất và chất lượng cao, công nghệ tế bào thực vật, công nghệ sinh học phân tử, công nghệ xử lý nông sản sau thu hoạch bằng nhiệt, sản xuất chế phẩm sinh học...

Triển khai chủ trương của TPHCM và Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, chúng tôi đã thực hiện tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất 2 lần/năm giữa lãnh đạo sở, các đơn vị trực thuộc với các DN để nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các DN nông nghiệp trên địa bàn TP; đã tổ chức hội nghị “Gặp gỡ và đối thoại các DN nông nghiệp và các hợp tác xã (HTX)”.

Qua các cuộc gặp, Sở NN-PTNT tiếp thu, tích cực giải quyết ngay những kiến nghị, đề xuất, vướng mắc của DN, của nhà đầu tư; tích cực chủ động rà soát cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, tham mưu UBND TP cải tiến mạnh mẽ các thủ tục hành chính liên quan; đề xuất những cơ chế đột phá để phát triển nông nghiệp, nông thôn TP.

- Cơ cấu nông nghiệp nước ta phải chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng hiện đại hóa nông nghiệp, có nhiều DN nông nghiệp để hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản thông suốt, có tích lũy, mới thay đổi bộ mặt nông thôn. Sở NN-PTNT đề xuất gì về việc này, nhất là để xây dựng nông nghiệp đô thị đặc thù TPHCM?

- Theo kết quả điều tra sơ bộ, hiện nay các DN bao tiêu mới chỉ tiêu thụ được khoảng 55% số lượng nông sản làm ra trong hợp đồng liên kết, còn lại khoảng 45% được tiêu thụ tự do với giá cả không ổn định.

Do đó, việc phát triển DN để hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản thông suốt, giúp nông dân làm giàu, thay đổi bộ mặt nông thôn là chủ trương đúng đắn.

Để xây dựng nông nghiệp đô thị đặc thù TPHCM, sở đang thực hiện một số nội dung sau:

Tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, xây dựng các chương trình, đề án phát triển các loại cây trồng, vật nuôi cụ thể; phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu.

Duy trì vai trò của TPHCM là trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ, cung cấp các sản phẩm giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao và chuyển giao công nghệ sản xuất phù hợp.

Chủ động liên kết, hợp tác với các tỉnh trong công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng các chuỗi liên kết và chuỗi cung ứng trong nông nghiệp.

Để sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững và hiệu quả, Sở NN-PTNT đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm như Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Thủy sản TP; các công trình chống ngập, phòng chống lụt bão, triều cường, xâm nhập mặn kết hợp giao thông nông thôn.

Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư về vốn với sự tham gia của tất cả thành phần kinh tế trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đặc biệt là chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị.

TP đã xây dựng 30 quy hoạch, chương trình, đề án, chính sách phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016-2020; trong đó có 16 đề án phát triển nông nghiệp đã được UBND TP ban hành.

Đây là cơ sở để tạo cú hích thúc đẩy sản xuất và phát triển DN nông nghiệp đô thị phát triển mạnh mẽ thời gian tới.

- Việc chuyển đổi phương thức sản xuất ở nông thôn, tạo điều kiện nông dân tham gia khởi nghiệp cũng có vai trò quan trọng. Cần lực đẩy nào để nông dân tiến lên làm ăn bài bản theo tín hiệu thị trường, hội nhập?

- Đến năm 2020, ngành nông nghiệp TP phấn đấu có 1.500 DN nông nghiệp. Để làm được việc này, ngoài đẩy mạnh triển khai các cơ chế chính sách hiện có, ngành nông nghiệp có kế hoạch rà soát các HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất (trang trại) lớn có sử dụng lao động thường xuyên từ 10 lao động trở lên; phối hợp tuyên truyền, tập huấn các kiến thức về khởi nghiệp, thành lập DN, tạo điều kiện để DN tư nhân tiếp cận các chính sách hỗ trợ về đất đai, tài chính và giảm bớt các thủ tục hành chính.

Sớm hoàn thành, trình UBND TP phê duyệt các quy hoạch: bố trí cây trồng vật nuôi chủ lực, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao... để có cơ sở định hướng thành lập DN, sản xuất lớn.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực các HTX, tổ hợp tác để kết nối các DN cung ứng và tiêu thụ nhằm xây dựng chuỗi giá trị bền vững, góp phần thay đổi phương thức sản xuất theo hướng bảo đảm chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

- Người dân băn khoăn về chất lượng nông sản thực phẩm độc hại, không rõ nguồn gốc xuất xứ, phải chăng đây là cơ hội để ngành nông nghiệp tổ chức lại sản xuất, khẳng định vị thế nông sản sạch. Nếu tổ chức tốt, nông dân sẽ tiêu thụ được sản phẩm, có thu nhập cao. Ta giải bài toán này như thế nào?

- TPHCM có nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm rất lớn nên đây cũng là điều kiện thuận lợi để các DN nông nghiệp hoạt động.

Để người dân được sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là một trong các mục tiêu và nhiệm vụ quản lý nhà nước của Sở NN-PTNT.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Sở NN-PTNT đã tổ chức 7 phiên “Chợ phiên nông sản an toàn TPHCM” thu hút nhiều DN, HTX tham gia. Thông qua các chợ phiên đã có 40 hợp đồng được ký kết; trong đó, có 26 hợp đồng đã triển khai. Giá trị hợp đồng ước tính trên 2,983 tỷ đồng/tháng.

TPHCM còn liên kết cùng 25 tỉnh, thành khác để xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, gồm rau củ, thịt gia súc, gia cầm, trứng, thủy sản... nhằm kiểm soát nguồn nông sản thực phẩm ngày một tốt hơn.

Để kết nối tiêu thụ các nông sản sạch, an toàn, Sở NN-PTNT đã phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo, các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản tổ chức hội nghị giới thiệu, đưa các sản phẩm nông nghiệp an toàn vào các trường mầm non, tiểu học; sang năm 2017 sẽ tiếp tục phối hợp triển khai và tổ chức hội nghị kết nối với các bếp ăn của khu công nghiệp, khu chế xuất.

Để khuyến khích nông dân sản xuất nông sản sạch, TP đã ban hành nhiều chính sách tài chính, tín dụng hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn để thu hút các DN đầu tư khoa học, công nghệ cao vào sản xuất, nhằm khuyến khích thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt theo hướng VietGAP.

Ngoài ra, sở đang xây dựng Đề án xây dựng các chuỗi liên kết và chuỗi cung ứng trong nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung các sản phẩm chủ yếu như rau, heo, thủy sản… tạo điều kiện để các DN, HTX, nông hộ tham gia sản xuất an toàn, gắn kết tạo thành chuỗi giá trị bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, đồng thời tăng nhanh sản phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng.

- Xin cảm ơn ông!

“Đối với các trường hợp nhập các giống cỏ, cây trồng, vật nuôi; thủy sản, phôi tinh vật nuôi chưa có trong danh mục nhập khẩu theo quy định, nhưng đã trồng, nuôi phổ biến ở các nước trên thế giới (DN cung cấp được các số liệu chứng minh), đề nghị các ngành Trung ương bổ sung ngay vào danh mục và cho phép nhập khẩu theo quy định.

Bỏ qua giai đoạn khảo nghiệm, thử nghiệm. Việc này sẽ giúp DN giảm chi phí và không mất nhiều thời gian, vì đã được trồng, nuôi phổ biến ở các nước.  Đây cũng là cách “đi tắt đón đầu” hiệu quả về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp”.

Sở NN-PTNT TPHCM kiến nghị bộ, ngành Trung ương

Các tin khác