Startup muốn gọi vốn phải thành thật

(ĐTTCO)-Sự việc UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) gửi văn bản đến Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, Kênh VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam, Công ty TNHH SXTM I Am V, yêu cầu đính chính thông tin sản phẩm tỏi Lý Sơn trong chương trình "Thương vụ bạc tỷ", đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận.

Đừng gian dối
Trong tập 16 phát ngày 24-2 trên VTV3, bà Lê Minh Hồng Phúc, nhà đồng sáng lập Công ty TNHH SXTM I Am V, tuyên bố công ty này bán tỏi cô đơn Lý Sơn giá 120.000 đồng/lọ, và bán được 300kg mỗi tháng. UBND huyện Lý Sơn cho rằng, thông tin này vô lý và không có cơ sở, bởi nguồn cung tỏi cô đơn Lý Sơn rất hiếm. Tổng sản lượng tỏi cô đơn cả huyện đảo chỉ dao động trên dưới 500kg và không đủ cung cấp cho người tiêu dùng.
Bên cạnh những phát ngôn chính thức của bà Lê Minh Hồng Phúc trong lúc đối thoại với các nhà đầu tư (shark), I Am V còn dựng banner quảng cáo sản phẩm,  ghi rõ thành phần, tác dụng... và dòng chữ “Nguồn gốc Tỏi Lý Sơn 100% lên men tự nhiên”. Ngoài ra, bà Lê Minh Hồng Phúc còn cho biết hiện công ty đã có một vùng trồng nguyên liệu tại đảo Lý Sơn. 
Liên quan đến các thông tin này, văn bản của huyện Lý Sơn khẳng định hình dáng, kích thước và màu sắc trên banner quảng cáo của Công ty I Am V không phải tỏi Lý Sơn. Huyện cũng chưa có thỏa thuận hay giao đất nào cho đơn vị hoặc công ty để làm vùng nguyên liệu sản xuất tỏi.
Ngay sau văn bản này, ngày 1-11, phía Công ty I Am V đã có giải trình các nội dung, như lượng bán 300kg mỗi tháng của nhiều loại tỏi chứ không riêng tỏi Lý Sơn, hay việc sở hữu đất trồng do tại thời điểm đó có đối tác sở hữu đất, nhưng không gọi được vốn tại “Thương vụ bạc tỷ” nên 2 bên không hợp tác nữa.
Ngoài ra, công ty cũng cho biết từ đầu năm 2018, tỏi Lý Sơn đã không còn nằm trong danh mục sản phẩm kinh doanh của I Am V, nên không sử dụng tên Lý Sơn trên bao bì sản phẩm và truyền thông. 
Song những giải thích của I Am V được cho là không hợp lý và thiếu tính thuyết phục. Chẳng hạn, từ năm 2018 tỏi Lý Sơn không còn nằm trong danh mục kinh doanh của I Am V, vậy thời điểm tham gia Thương vụ bạc tỷ, phía công ty vẫn cho biết hiện sản phẩm mang lại doanh thu cao nhất là tỏi cô đơn Lý Sơn. Lý do nào khiến DN bỏ một sản phẩm mang lại doanh thu cao nhất như vậy lại không hề được nhắc tới. 
Thực ra những câu chuyện về việc thiếu minh bạch của các startup trong thời gian qua không phải hiếm. Còn nhớ trong một lần trao đổi với ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Vinamit, ông đã kể lại câu chuyện khiến ông rất thất vọng. Đó là trong một cuộc thi khởi nghiệp trong nông nghiệp, có dự án làm sản phẩm bột rau má quảng bá làm bằng phương pháp đông khô hoàn toàn tự nhiên, khiến ông khá ấn tượng. Nhưng khi mở gói bột thấy rõ sự không trung thực, khi sản phẩm sử dụng phẩm màu và chất độn khác chứ không có mùi rau má tự nhiên.
“Thời điểm này người tiêu dùng hoài nghi rất nhiều nên phải làm thật. Ngay cả marketing cũng phải marketing thật. Bản thân tôi luôn tìm kiếm những bạn trẻ làm nông nghiệp thực tâm, để đồng hành cùng họ trong vai trò nhà đầu tư thiên thần” - ông Viên nhấn mạnh. 

Sẽ lãnh hậu quả
Hậu quả đầu tiên các startup phải chịu thiệt thòi khi bị phát hiện gian dối, hay có bất cứ sự thiếu trung thực nào, chính là sự quay lưng của người tiêu dùng. Trở lại trường hợp của I Am V, việc gọi vốn tại Thương vụ bạc tỷ tuy không thành công, do 2 bên (nhà đầu tư và DN gọi vốn) không thỏa thuận được số phần trăm cổ phần, nhưng dù sao I Am V cũng quảng bá được cho thương hiệu của mình trên sóng truyền hình trung ương với thời lượng không ít.
Song sau sự việc lần này, chắc chắn khách hàng sẽ cân nhắc hơn khi lựa chọn sản phẩm của thương hiệu I Am V, và cũng khó đoán được I Am V sẽ phải mất thêm bao nhiêu thời gian để chứng minh với khách hàng nếu thực sự không gian dối. 
Startup muốn gọi vốn phải thành thật ảnh 1 Nhóm sáng lập Công ty T Am V xin gọi vốn từ chương trình “Thương vụ bạc tỷ”.
Lâu nay việc chinh phục người tiêu dùng với các sản phẩm do DN khởi nghiệp giới thiệu luôn gặp nhiều khó khăn do chi phí truyền thông, quảng bá sản phẩm, thương hiệu chưa nhiều. Chính vì thế, các DN khởi nghiệp thường đi theo con đường làm sản phẩm chất lượng tốt, có tính độc đáo, sáng tạo và tham dự các cuộc thi, để từ đó sản phẩm của mình được quảng bá rộng rãi hơn, từng bước chinh phục người tiêu dùng trong nước, nếu bài bản có thể sẽ đi ra nước ngoài. 
Hậu quả thứ hai cho sự thiếu trung thực chính là sự quay lưng của các nhà đầu tư. Câu chuyện của ông Nguyễn Lâm Viên chỉ là một thí dụ, ông Viên cho biết ngoài việc không đầu tư, vì quá giận ông còn mang mẫu sản phẩm đi xét nghiệm, phân tích cụ thể xem các bạn đã dùng chất gì để nói cho các bạn biết con đường đang đi là sai, phải đi lại nếu muốn tiến xa. 
 3 yếu tố để quỹ đầu tư xem xét trước khi quyết định rót vốn: Mô hình kinh doanh, ban quản trị và khả năng thoái vốn. Thoạt nghe 3 yếu tố này rất lý thuyết và các bạn startup có thể  học được ở nhiều nơi, nhưng khi đối diện với quỹ mọi thứ không đơn giản như vậy. Để thực sự thuyết phục phải chứng minh nhiều thứ từ giấy tờ, sổ sách và đặc biệt từ chính cái tâm của người khởi nghiệp. 
Ông Phạm Lê Nhật Quang,
Giám đốc đầu tư VIG
Một thí dụ khác dễ nhận thấy hơn cũng chính từ Thương vụ bạc tỷ. Kết thúc mùa thứ nhất, có 22 DN khởi nghiệp nhận được cam kết rót vốn trên truyền hình, song thực tế chỉ có khoảng một nửa trong số ấy thực sự được rót vốn. Nguyên nhân có nhiều và cũng khó để phân tích cho hết, nhưng có một điều được nhiều nhà đầu tư đem ra phân tích chính là sự trung thực của các DN khởi nghiệp.
Cụ thể, sau khi nhận được cái gật đầu của “cá mập” tại chương trình, các DN còn phải trải qua vòng Due Dil (rà soát, thẩm tra) xem họ có trung thực số liệu khi chia sẻ trên sóng truyền hình hay không, các việc đã triển khai thực tế như thế nào, kế hoạch tương lai có khả thi… Đã có không ít DN khởi nghiệp bị “cá mập” từ chối đầu tư sau khi rà soát, thẩm tra lại. 
Hiện nay các DN khởi nghiệp rất khó tiếp cận vốn từ ngân hàng do không có tài sản thế chấp, nguồn vốn của Nhà nước thông qua các quỹ và các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp cũng không dễ vay, bởi thủ tục khá rườm rà và nguồn vốn vay được không nhiều. Chỉ còn một cửa rộng mở chính là các quỹ hay các nhà đầu tư cá nhân. Nhưng họ lại là những người rất thông minh, không bao giờ “ném tiền qua cửa sổ”.
Dễ thấy vài năm trở lại đây, câu chuyện khởi nghiệp đang được lan tỏa rộng rãi, nhiều bạn trẻ đã chọn đi con đường này thay vì làm thuê. Song đây cũng không phải con đường trải hoa hồng, vì thực tế có tới hơn 90% DN khởi nghiệp thất bại vì nhiều lý do.

Các tin khác