Sáng kiến hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp

(ĐTTCO)-Làm thế nào để có thể phát huy tiềm năng, sự sáng tạo và cam kết của thế hệ doanh nhân Việt trẻ trong việc tìm ra giải pháp cho những thách thức lớn nhất mà đất nước đang phải đối mặt?
Các đại biểu tham quan, trải nghiệm sản phẩm của các DN khởi nghiệp. Ảnh: VGP/Thu Lê
Các đại biểu tham quan, trải nghiệm sản phẩm của các DN khởi nghiệp. Ảnh: VGP/Thu Lê

Đây chính là vấn đề mà Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Quỹ Citi Foundation và Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) đang cùng nhau nỗ lực giải quyết thông qua sáng kiến Youth Co:Lab Việt Nam 2018.

Sáng kiến Youth Co:Lab nhằm tìm kiếm thế hệ khởi nghiệp xã hội mới tại Việt Nam, tiếp nối thành công của Cuộc thi Thử thách SDGs 2017, trong đó 4 công ty khởi nghiệp đoạt giải nhận được vốn đầu tư trị giá hơn 85.000 USD và tham gia chương trình ươm mầm trong 1 năm.

Chương trình Youth Co:Lab được khởi động với 2 hội thảo phân tích tại Hà Nội (UP Co-Working Space) vào 15/6, và TPHCM (Saigon Innovation Hub) ngày 22/6. Hội thảo tập hợp những tên tuổi lớn trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tác động tích cực xã hội nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái và tạo điều kiện để các DN khởi nghiệp nắm bắt những cơ hội tác động tích cực đến cộng đồng, góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.

Phát biểu khởi động Chương trình, bà Caitlin Wiesen, Giám đốc Quốc gia UNDP Việt Nam nói: “Việt Nam cần có một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động mạnh mẽ và tăng cường kỹ năng để có thể khơi nguồn năng lượng sáng tạo dồi dào của thanh niên trong việc giải quyết những thách thức lớn nhất trên con đường phát triển bền vững”. Bà cũng cho biết UNDP sẽ tiếp nhận các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững và những đội được chọn sẽ được tham gia chương trình ươm mầm tăng tốc khởi nghiệp, cũng như có cơ hội trình bày ý tưởng kinh doanh của mình với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Trong bài phát biểu khai mạc của mình, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết: “DN tác động xã hội vừa tạo ra lợi nhuận vừa tạo ra hiệu ứng tích cực lan tỏa trong cộng đồng. Với năng lực thích nghi và nhân rộng nhanh của họ trên thế giới, những DN đổi mới sáng tạo này là những mô hình tốt nhất có thể giải quyết các thách thức xã hội, tạo ra tác động tích cực và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững”.

Giám đốc Đối ngoại Ngân hàng Citibank Việt Nam/ Phó Chủ tịch Quỹ Citi tại Việt Nam Bùi Quang Huy chia sẻ cam kết của Quỹ đối với thanh niên: “Khát vọng kinh doanh không thể tự đi vào cuộc sống. Thanh niên chia sẻ với chúng tôi họ cần có kỹ năng đúng cho công việc phù hợp, cần chính sách tạo điều kiện cho khởi nghiệp và cần được hướng dẫn và hỗ trợ trên con đường khởi nghiệp của mình. Đó là lý do vì sao Quỹ Citi cam kết đầu tư 100 triệu USD hỗ trợ trang bị cho 500.000 thanh niên để họ sẵn sàng khởi nghiệp và đi làm vào năm 2020”.

Hội thảo tại Hà Nội và TPHCM tập hợp các chuyên gia từ khu vực tư nhân, đại diện cơ quan Nhà nước, tổ chức phi chính phủ, công ty đầu tư, DN xã hội, trung tâm ươm mầm khởi nghiệp và khách mời từ Thái Lan và Malaysia, nhằm xây dựng những khuyến nghị cho các ngành để có thể phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp có tác động tích cực đến xã hội, góp phần giải quyết những thách thức khó khăn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt.

Chương trình cũng bao gồm chuỗi các hoạt động đào tạo và cố vấn dành cho thanh niên Việt Nam. Hơn 130 thanh niên trên khắp cả nước sẽ được đào tạo về tư duy thiết kế, các kỹ năng thế kỉ 21, đổi mới sáng tạo có tác động tích cực đến xã hội và tinh thần khởi nghiệp SDG tại Hà Nội và TPHCM vào cuối tháng này.

Đặc biệt, tinh thần của Youth Co:Lab là ‘không bỏ lại ai phía sau’. Hơn 30% thành viên tham dự đến từ vùng sâu, vùng xa, thuộc các cộng đồng người khuyết tật, LGBTI, dân tộc thiểu số và thanh niên nhiễm HIV.

Các tin khác