Lập nghiệp chưa bao giờ muộn

(ĐTTCO) - Gắn bó với nghề cơ khí gần 15 năm nhưng cơ duyên đã đưa anh Phạm Xuân Tư trở về quê ở thôn Mão Cầu (xã Hồ Tùng Mậu, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) lập nghiệp năm 2014. 

Dù đã ở độ tuổi xấp xỉ 40 nhưng anh Tư với sự nhiệt huyết và xông xáo, đặc biệt câu nói “Lập nghiệp chưa bao giờ muộn” của anh đã trở thành tấm gương để nhiều thanh niên khác mạnh dạn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Trở về với quê lúa 

Với khát vọng làm giàu chính đáng, cùng với việc động viên và giúp đỡ thanh niên trong thôn lập thân, lập nghiệp bằng chính sức lực của mình, năm 2016 anh Phạm Xuân Tư đã vinh dự được trao Giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn về gương sáng thanh niên nông thôn lập nghiệp.

Lớn lên như bao thanh niên khác trong thôn, Phạm Xuân Tư quyết định đi học nghề cơ khí với mong muốn có được một công việc đủ để nuôi sống gia đình. Tốt nghiệp trường nghề, anh Tư đi làm thuê khắp nơi, từ trong Nam ngoài Bắc chỗ nào cũng có mặt anh.

Công việc sửa nông cơ cũng đem lại cho anh Tư thu nhập khá ổn định nhưng nay đây mai đó ít có thời gian ở nhà. Năm 2013, mẹ anh ốm nặng cần người ở nhà chăm sóc, thương mẹ anh đã bỏ nghề về phụng dưỡng mẹ già. Nhưng miệng ăn đâu có dừng được nên anh phải tìm kế mưu sinh ngay tại quê hương.

 “Quê tôi là vùng lúa chiêm trũng, khu công nghiệp không có nên ngoài làm nông nghiệp không còn nghề gì khác. Sau nhiều đêm suy nghĩ tôi quyết định vay quỹ tín dụng vài trăm triệu đồng để mở trang trại VAC” - anh Tư bộc bạch.

 Khi trình bày ý định này với gia đình, ai cũng can ngăn vì ruộng của toàn gia đình vẻn vẹn chỉ hơn 1 mẫu trồng lúa, nếu có mở trang trại phải đi thuê thêm đất, hơn nữa anh Tư cũng chưa từng có kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi. Nhưng với hơn 15 năm lăn lộn làm thuê, anh Tư tin rằng mình sẽ làm được.

Anh lặn lội đi học hỏi các mô hình chăn nuôi lợn ở xã Hoàng Long (Thanh Oai, Hà Nội), nuôi cá lồng tại Hải Dương, nuôi vịt trời tại Bắc Giang, Ninh Bình… Đi đến đâu, học được điều gì anh đều ghi chép lại cẩn thận để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm.

Tuy nhiên, thời điểm này thôn Mão Cầu chưa tiến hành dồn điền đổi thửa, nên việc thành lập trang trại VAC gặp rất nhiều khó khăn. Anh đã liên hệ với Chi đoàn thanh niên của thôn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phương án dồn điền đổi thửa, theo tiêu chí “hộ nào muốn ruộng tốt diện tích sẽ nhỏ, hộ nào ruộng xấu sẽ được chia nhiều hơn, không thể cào bằng diện tích ruộng”.

Và khi thôn Mão Cầu thực hiện dồn điền đổi thửa, gia đình anh Tư đã chọn ô ruộng xấu nhất, đất trũng nhiều chuột nhưng diện tích rộng. Đến cuối năm 2014 thôn Mão Cầu đã dồn ruộng thành công, anh Tư bắt tay vào kế hoạch của mình. Anh thuê thêm ruộng, tổng diện tích gần 10 mẫu, cho đào ao thả cá, xây chuồng nuôi và trồng cây ngắn ngày với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.

Anh Tư (trái) nhiệt tình chia sẻ kiến thức làm trang trại với bạn bè.
Anh Tư (trái) nhiệt tình chia sẻ kiến thức làm trang trại với bạn bè.

Không sợ thất bại

Chỉ với vài trăm triệu đồng trong tay, việc lựa chọn nuôi con gì trồng cây gì ban đầu đối với anh Tư rất khó khăn. Nếu chọn những con nuôi, cây trồng quý có giá trị thương phẩm cao sẽ đồng nghĩa với tỷ lệ rủi ro lớn, có thể mất cả chì lẫn chài, hơn nữa đầu ra cho sản phẩm “thượng lưu” này không đơn giản vì anh chưa có nhiều mối quan hệ. Vì vậy anh quyết định đầu tư nuôi hơn 1.000 con vịt cánh trắng, gần 600 con vịt trời, 30 con lợn thịt, 500 gà và trồng khoảng 3.000 cây ăn quả các loại trong đó chủ yếu là nhãn, bưởi, chuối và đu đủ.

Năm đầu tiên, dù các loại cây ngắn ngày như đu đủ, ổi cho năng suất khá tốt nhưng đầu ra tiêu thụ chậm, thường vợ anh phải tự thồ hàng ra chợ bán lẻ, mỗi ngày cao nhất cũng chỉ thu được 500.000 đồng, đu đủ thối, hỏng vứt la liệt khắp trang trại. Cùng với đó, số vịt trời anh nuôi chưa được thuần hóa kỹ nên bị bay mất gần nửa, trong khi giá lợn lúc đó đi xuống làm anh rơi vào tình trạng cạn nguồn thu.

Không nản chí, năm sau anh Tư quyết định vay tiếp quỹ tín dụng của xã rồi nuôi thêm 50 con lợn rừng. “Lợn rừng rất thích ăn hoa quả, nhất là đu đủ, nếu như không bán hết, quả hỏng cho lợn rừng ăn sẽ tận dụng được nguồn thức ăn tại chỗ, hơn nữa thịt lợn rừng rất dễ bán, giá thành lại cao” - anh tâm sự.

Ngoài ra, với ao cá rộng khoảng 2 mẫu, anh Tư thả nuôi cá trắm và cá chép. Do áp dụng các kỹ thuật nuôi đã học được từ các mô hình, ao cá của anh con nào con nấy nặng chịch, ít nhất cũng trên 1,5kg/con. Anh Tư dự định trong thời gian tới sẽ nuôi thêm cá chép Nhật và tự nuôi cấy giống cá tại ao ươm riêng. Ước tính doanh thu hiện tại mô hình VAC anh Tư khoảng trên 300 triệu đồng/năm. Trang trại còn tạo thêm công ăn việc làm thường xuyên cho 5-7 lao động, với mức thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Do mô hình trang trại lớn, để tiết kiệm công lao động anh Tư áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tại các gốc bưởi, đu đủ, tưới giàn mưa tại ruộng ngô và trồng lúa trong hào nước. Không chỉ quan tâm đến năng suất sản phẩm, anh Tư còn luôn đặt tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu khi trang trại rất hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, thức ăn công nghiệp. Anh thường cùng vợ bắt sâu bằng tay vào mỗi tối cũng như ủ thức ăn vi sinh cho lợn từ ngô, khoai, sắn.

“Thấy có nhiều vụ thực phẩm bẩn trên thị trường bị báo chí phanh phui, mình nghĩ nếu sản xuất chỉ chú trọng số lượng sẽ không được bền lâu, nhất là thực phẩm bẩn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, lương tâm của người nông dân buộc mình phải sản xuất ra những thực phẩm sạch, không chạy theo số lượng, thị trường” - anh Tư chia sẻ.

Một trong những dự định anh Tư hướng đến trong tương lai là trồng cây dược liệu, trong đó chú trọng nhất là cây nha đam, đinh lăng. Theo anh, đây là 2 cây dược liệu quý, đang được thị trường ưa chuộng, anh đã tìm hiểu rất kỹ cách trồng và chăm sóc, dự định cuối năm 2017 sẽ đưa về những cây giống đầu tiên.

Với mong muốn giúp đỡ các bạn thanh niên trong thôn lập thân, lập nghiệp trên chính quê hương Mão Cầu, anh  Tư đã cùng các thanh niên trong thôn đóng góp vốn, cùng lao động và cùng hưởng thành quả làm ra. Theo anh, muốn thoát nghèo, muốn làm giàu thanh niên cần mạnh dạn khởi nghiệp, đừng ngại khó, có ý chí quyết tâm ắt sẽ thành công.

Anh Tư còn tham mưu với Đoàn thanh niên thành lập CLB Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế với số lượng hiện nay là 15 thành viên. Các hoạt động CLB hướng đến là trao đổi kiến thức làm VAC, hỗ trợ vốn, cây trồng, vật nuôi và động viên nhau những lúc gặp khó khăn trong sản xuất.

Các tin khác