Lạ lẫm 'Thung lũng khởi nghiệp' giữa Sài Gòn

(ĐTTCO)-Một khu nhà làm việc cũ kỹ của Sở Khoa học công nghệ TP.HCM được cải tạo theo phong cách lạ vào tháng 8-2016, thoáng nhìn tưởng quán cà phê. Nhiều doanh nghiệp ra đời từ đó...
 
Không gian làm việc mở ở SIHUB đang thu hút rất nhiều bạn trẻ đến làm việc - Ảnh: DUYÊN PHAN
Không gian làm việc mở ở SIHUB đang thu hút rất nhiều bạn trẻ đến làm việc - Ảnh: DUYÊN PHAN

“Quán cà phê ấy” là một phần Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (SIHUB) - mô hình Nhà nước hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đầu tiên của cả nước tại TP.HCM, dưới hình thức kết nối và chia sẻ nguồn lực.

“Vườn ươm” đa năng

Alfazi đến với SIHUB một cách rất tình cờ. Cao Thanh Hải - trưởng nhóm Alfazi - nhớ lại: vào thời điểm này năm ngoái, nhóm khó khăn trong tìm nơi làm việc.

Tình cờ đến SIHUB dự một hội thảo, biết nơi này hỗ trợ miễn phí không gian làm việc chung nên đã đăng ký.

Ban đầu đến SIHUB, nhóm chỉ nghĩ đơn giản rằng đến đây để có chỗ ngồi, nhưng sau đó mới biết ở đây có nhiều hoạt động như các lớp đào tạo marketing, tài chính, quản trị, sở hữu trí tuệ...

Những kiến thức này cộng với hoạt động kết nối khởi nghiệp với các nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ, tư vấn... đã mở ra nhiều cơ hội khác.

Và Alfazi vừa thành công trong gọi vốn và nhận hỗ trợ 500 triệu đồng từ Speedup - gói hỗ trợ từ 500 triệu đến 2 tỉ đồng cho startup theo “Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn TP.HCM” (chương trình 4181).

Alfazi cung cấp nền tảng và công cụ giúp học sinh và gia sư tương tác trực tuyến với nhau. Hiện tại đã có gần 2.000 học sinh đăng ký sử dụng và khoảng 100 sinh viên đăng ký thành gia sư online.

“Trước đây, tôi không tin rằng các tổ chức nhà nước có những hoạt động cụ thể hỗ trợ hiệu quả cho startup, nhưng bây giờ tôi đã tin” - Cao Thanh Hải chia sẻ.

Nhiều người trẻ ban đầu cũng chưa tin như Hải. Nhưng đến nay, sau một năm, theo thống kê, qua SIHUB, 50 dự án được hỗ trợ chỗ làm việc chung, trên 2.000 người trẻ được kết nối với cố vấn, 250 dự án khởi nghiệp được kết nối đầu tư tài chính, 350 dự án được kết nối thị trường, 14 dự án được rót vốn ở mức 500 triệu - 2 tỉ đồng/dự án.

Kỳ vọng lớn cho cộng đồng khởi nghiệp

Câu chuyện SIHUB bắt đầu từ trăn trở của những lãnh đạo ngành KH&CN. Sau hơn 10 năm hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp, họ nhận thấy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung là những mảnh ghép thiếu định hướng, khó kết nối với nhau.

Dù đã có nhiều công ty khởi nghiệp thành công như VNG, VCCorp, Nhạc của tui... nhưng bức tranh chung vẫn là sự phát triển manh mún chiếm đa số.

“SIHUB hình thành với định hướng rõ: không thực hiện những việc mà cộng đồng khởi nghiệp và các vườn ươm khác có thể làm được - tập trung vào các công việc cần đến nguồn lực công” - ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc điều hành SIHUB, nói.

Sau một năm, SIHUB đã bắt đầu “khá giả”, thiết lập được các “mối” kết nối với các tổ chức quốc tế, tập đoàn đa quốc gia, các “vườn ươm” khác như: Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp toàn cầu Magic (Malaysia), Vườn ươm Rehoboth (Hàn Quốc), Tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp Swiss EP (Thụy Sĩ), Ngân hàng Shinhan (Hàn Quốc), Microsoft...

Dù đã có thành quả bước đầu, nhưng theo nhiều thành viên ở SIHUB, địa điểm này đang đứng trước một chặng đường mới, đi sâu hơn về chất.

Cùng đó là các thách thức lớn đang đón đợi SIHUB ở phía trước để đổi mới sáng tạo không chỉ là phong trào, và đến năm 2020 các startup ở đây sẽ thu hút được vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD...

Bắt đầu thu “lợi nhuận”

Chỉ sau một năm, “quán cà phê” của SIHUB đạt “lợi nhuận khủng”: hơn 800 sự kiện được tổ chức, 17.000 lượt người tham dự, hơn 50 tổ chức quốc tế đến kết nối hợp tác...

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, SIHUB hướng đến việc kết nối và phát triển cộng đồng khởi nghiệp của TP.HCM, từ đó thúc đẩy và xây dựng TP.HCM trở thành thành phố khởi nghiệp đứng trong tốp đầu khu vực Đông Nam Á.

Các tin khác