Khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa

(ĐTTCO) - Khai thác tài nguyên bản địa đang trở thành lựa chọn của nhiều bạn trẻ trên con đường khởi nghiệp. Đây được xem là hướng đi đúng đắn nhưng còn nhiều chông gai. 
 
Được nhiều quan tâm
Cuối tháng 10 vừa qua, dự án Nấm Tươi Cười của Phạm Thị Hồng Vân đã vượt qua rất nhiều ý tưởng khác để giành giải nhất cuộc thi startup Vietnam 2017. Hồng Vân chia sẻ với báo chí ngay sau cuộc thi: “Tôi bất ngờ khi mình đạt giải vì cho rằng các startup ứng dụng công nghệ sẽ có nhiều lợi thế hơn".
Nấm Tươi Cười có các sản phẩm như chà bông nấm, giò nấm và nước uống thảo dược từ nấm dược liệu và nấm ăn. Sau 5 năm đưa ra thị trường, đến nay đã có 1 triệu sản phẩm được tiêu thụ ở 230 điểm bán lẻ cùng 7 nhà phân phối. Hiện CEO trẻ này đang có kế hoạch xúc tiến thương mại ở nước ngoài. Có thể thấy từ sản phẩm nấm, khi đưa vào công nghệ chế biến, Phạm Thị Hồng Vân và các cộng sự đã có những sản phẩm được thị trường ghi nhận. 
Nhiều khảo sát đã chỉ ra tỷ lệ thành công của DN khởi nghiệp rất thấp, và khởi nghiệp bằng tài nguyên bản địa cũng không dễ dàng hơn. Vì thế, ngoài nỗ lực của cá nhân rất cần những chính sách của Nhà nước.
Một cuộc thi khác cũng dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp mang tên “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp 2017”, do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN TPHCM (BSA); dự án sáng tạo khởi nghiệp (SKC) cùng các đối tác chiến lược phối hợp tổ chức, cũng thu hút khá nhiều dự án khởi nguồn từ tài nguyên bản địa.
Trong 98 dự án tham gia vòng bán kết, có 47 dự án khởi nghiệp nông nghiệp tận dụng nguồn tài nguyên bản địa, 41 dự án có ứng dụng công nghệ trong sản xuất và các giải pháp hỗ trợ trong nông nghiệp. Bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia nhượng quyền quốc tế, chia sẻ tính bản địa là một trong 7 từ khóa quan trọng đối với người tiêu dùng tương lai, trở thành thế mạnh cạnh tranh lớn. Thí dụ, xưa tạo ra đôi giày mọi người mang giống nhau, nay phải cá nhân hóa, sử dụng thứ gì khác biệt. Đây là cánh cửa vàng cho đặc sản địa phương Việt Nam.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Hạnh, Giám đốc Công ty Kim&Kim, tận dụng tài nguyên bản địa trong bối cảnh hiện nay phải ứng dụng công nghệ. Thí dụ, trong chế biến cà phê phải làm sao phát huy được những tinh túy nhất của hạt cà phê Việt Nam, tức phải ứng dụng công nghệ. Hay như chia sẻ của ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Gốm sứ Minh Long, nhiều người nói Minh Long biến đất thành “vàng”. Nhưng để thành được vàng Minh Long phải đầu tư cho công nghệ, nếu không có công nghệ đất chỉ là đất. 
Khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa ảnh 1 Chị Phạm Thị Hồng Vân (giữa) cùng công nhân tại cơ sở sản xuất các sản phẩm từ nấm tươi. 
Nhưng lắm thách thức
Phát triển tài nguyên bản địa đang trở thành xu hướng tất yếu, nhưng con đường đi này không đơn giản. Như câu chuyện gạo, một trong những tài nguyên bản địa nổi bật của ĐBSCL nhưng đến nay việc phát triển gạo sạch, gạo hữu cơ còn nhiều gian nan. Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty gạo Trung An (Cần Thơ), DN có diện tích trồng lúa hữu cơ lớn nhất hiện nay với khoảng 100ha, cho rằng sản xuất gạo hữu cơ đang lỗ. Làm lúa thông thường ở ĐBSCL thu hoạch khoảng 5,5 tấn/ha, nhưng làm hữu cơ chỉ thu hoạch 2-2,5 tấn/ha. Giá gạo hữu cơ cao người tiêu dùng Việt Nam chưa chấp nhận nhưng DN vẫn phải làm.
Hay thương hiệu gạo Tâm Việt được nhiều người biết và tin tưởng, ông chủ của nó là Võ Văn Tiếng đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, thậm chí bị gọi là “Tiếng khùng”. Bởi thời gian đầu khởi nghiệp, ông Tiếng không có nhiều kiến thức về nông nghiệp, đặc biệt kiến thức trong kinh doanh, phát triển thị trường. Đây cũng chính là điểm yếu của nhiều bạn trẻ khi khởi nghiệp bằng tài nguyên bản địa. 
Trong khi đó, tài nguyên bản địa Việt Nam chủ yếu gắn với các sản phẩm nông nghiệp, vậy khi khởi nghiệp cần chú ý điều gì. Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, người làm giám khảo nhiều cuộc thi khởi nghiệp, cho rằng: “Trước tiên bạn phải biết rõ mình kinh doanh sản phẩm, dịch vụ gì; mô hình kinh doanh phải thật cụ thể. Khi đó, các bài toán cần giải quyết sẽ hiện ra rõ ràng. Lúc này, bạn sẽ quyết định ứng dụng công nghệ gì, như thế nào, đầu tư cho công nghệ bao nhiêu tiền...”.
Theo ông Quỳnh, nhiều công ty khởi nghiệp đầu tư rất nhiều vào web, app với nhiều tính năng mạnh, hình thức rất đẹp mắt và các chiến dịch marketing ấn tượng. Nhưng họ lại không đầu tư vào những thứ rất cơ bản như sản phẩm, các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng, công nghệ bảo quản, truy xuất nguồn gốc. Công ty khởi nghiệp đa phần hạn chế về vốn. Vì vậy, sản phẩm, dịch vụ và hoạt động kinh doanh là những cái cần ưu tiên đi trước, khi vận hành ổn định đưa công nghệ vào, mọi việc sẽ trở nên hiệu quả. 

Các tin khác