Học tập không phải là sao chép

(ĐTTCO) - Nguyễn Khôi được xem là người tiên phong đưa công nghệ vào lĩnh vực sức khỏe và thể hình (theo mô hình kinh tế chia sẻ tương tự Grab) tại Việt Nam thông qua ứng dụng WeFit. 
Bằng những nỗ lực không ngừng, năm 2017 Khôi là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và năm 2018 lọt vào danh sách “30 under 30”.   
PHÓNG VIÊN: - Anh có thể giới thiệu vài nét về mô hình ứng dụng WeFit? 
Học tập không phải là sao chép ảnh 1
Anh NGUYỄN KHÔI: - WeFit là ứng dụng cung cấp giải pháp tập luyện thuận tiện hơn cho tất cả mọi người, là trung gian để kết nối phòng tập với khách hàng. Khách hàng khi trở thành thành viên của WeFit có thể sử dụng ứng dụng để tìm kiếm các phòng tập phù hợp nhất với mình trong hệ thống đối tác của chúng tôi, đặt lịch và đi tập không phải trả thêm khoản phụ phí nào.
Hiện tại, WeFit có hệ thống hơn 600 phòng tập đối tác ở Hà Nội và TPHCM. Các phòng tập này cung cấp hơn 30 bộ môn lớn nhỏ, từ những phòng tổ hợp các môn như gym, bể bơi, cho tới các lớp học yoga, dancing hay boxing. Ngoài ra, người dùng WeFit có thể tận hưởng những trải nghiệm mới, với những bộ môn đặc biệt như leo núi trong nhà, bowling hay bắn cung. Giải pháp của WeFit giúp khách hàng tập luyện bất kỳ lúc nào và bất kỳ ở đâu. 
- Vậy việc học một mô hình đã thành công ở nhiều nước trên thế giới để khởi nghiệp có ưu và nhược điểm ra sao? 
- Rất nhiều DN khởi nghiệp tại Việt Nam thất bại vì tạo ra những sản phẩm tốt nhưng không có người dùng. Điều này do họ đang giải quyết bài toán mà nhu cầu không đủ lớn. Việc học tập mô hình đã thành công trên thế giới có thể giảm bớt rủi ro. Về cơ bản, những vấn đề, bài toán người dùng ở Việt Nam gặp phải, ở Sillicon Valley hay Trung Quốc, Israel đã giải quyết trước rồi và thành công do giải quyết được vấn đề lớn trong xã hội. 
Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên học tập mô hình, nghĩa là học tập để giải quyết bài toán, không phải sao chép cả sản phẩm và cách làm vì những điều này rất khác nhau đối với từng thị trường. Thí dụ, trong cuộc chiến của Grab và Uber, Grab là người đi sau và học tập mô hình, nhưng có cách tiếp cận thị trường Đông Nam Á đúng đắn hơn nên đã giành phần thắng.
Điểm khó khăn của việc học tập mô hình là phải chọn được thị trường phù hợp, có cách tiếp cận chính xác và phải tăng trưởng thật nhanh, tạo ra sức cạnh tranh cao để đối phó với các mô hình tương tự trên thế giới thâm nhập thị trường của mình. 
- Sau hơn 1 năm ra đời, WeFit đã có tốc độ tăng trưởng ra sao, đã tiếp cận được thêm nguồn đầu tư nào? Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm tiếp cận và gọi vốn với các DN khởi nghiệp khác? 
- Sau hơn 1 năm phát triển, WeFit đã phát triển được hệ thống đối tác gồm hơn 600 phòng tập và có hàng ngàn khách hàng đang tập luyện. Tốc độ tăng trưởng của chúng tôi đạt trung bình 40%/tháng và tần suất đi tập của khách hàng cũng gấp đôi trung bình thị trường truyền thống. WeFit đã gọi vốn vòng SEED (của một quỹ ngoại) vào tháng 9-2017. Với các DN khởi nghiệp trong lĩnh vực internet, việc tăng trưởng và chiếm lĩnh thị trường là một trong những yếu tố sống còn, vì vậy họ cần thu hút những nguồn đầu tư lớn.
Với WeFit, chúng tôi tập trung việc tạo ra sản phẩm và dịch vụ thật tốt, để có thể thu hút nhiều người tham gia sử dụng. Việc mấu chốt để có thể gọi vốn chính là mô hình khả thi và đội ngũ sáng lập tốt, có khả năng tạo ra những sản phẩm có tiềm năng tăng trưởng. 
Về điều này tôi cũng muốn nói đến sự trợ lực của các cơ quan nhà nước với DN khởi nghiệp. Hiện nay đa phần DN khởi nghiệp mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn nữa ở các chính sách và hành lang pháp lý, đặc biệt ở những việc thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài. 
- Giới khởi nghiệp thường hay nói về những khó khăn khi chọn con đường này, với anh đâu là những khó khăn phải đối mặt và cách giải quyết những khó khăn này? 
- Với tôi, dù làm gì muốn thành công cũng gặp rất nhiều khó khăn. Khởi nghiệp có những khó khăn riêng của nó. Một trong những khó khăn lớn nhất làm khởi nghiệp ở Việt Nam là phải sáng tạo trong môi trường chưa sẵn sàng thích nghi với cái mới.
Chính vì vậy, những người sáng lập DN khởi nghiệp thường tốn nhiều thời gian và công sức để giải thích về những thứ mình làm cho thị trường, đối tác và nhà đầu tư đón nhận. Việc thiếu thốn nguồn vốn để duy trì thời gian đầu cũng là khó khăn với đa phần DN khởi nghiệp ở Việt Nam, và nhiều startup rơi vào trạng thái phải đóng cửa vì hết tiền. 
Trong vòng 3-5 năm tới, WeFit kỳ vọng phát triển ra ngoài phạm vi một ứng dụng đặt lịch tập, trở thành một nền tảng (platform) về các dịch vụ trong lĩnh vực phong cách sống (LifeStyle), đặc biệt là về sức khỏe và làm đẹp. WeFit sẽ tập trung xây dựng các sản phẩm công nghệ, và liên kết các sản phẩm này tạo thành một hệ sinh thái, nhằm phục vụ nhiều người hơn và nhiều nhu cầu hơn. Tương lai, chúng tôi cũng muốn đưa những sản phẩm này ra thị trường quốc tế như Đông Nam Á, Nam Mỹ hay châu Âu. 
- Xin cảm ơn anh.

Các tin khác