Hình thành nguồn tài nguyên cộng đồng DN khởi nghiệp

(ĐTTCO) -  Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Việt Nam 2017) lần thứ 3 với chủ đề "Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" (Ecosystem connect) đã thu hút khoảng 200 DN khởi nghiệp và hàng trăm nhà đầu tư, quỹ đầu tư quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.
Hình thành nguồn tài nguyên cộng đồng DN khởi nghiệp
Đây là Ngày hội khởi nghiệp lớn nhất từ trước đến nay thu hút gần 4.500 người tham gia. Lễ khai mạc có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Ngày hội chia thành 6 lĩnh vực: làng các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, làng công nghệ nông nghiệp, làng công nghệ giáo dục, làng công nghệ y tế, làng công nghệ du lịch và ẩm thực, làng công nghệ tiềm năng và công nghệ tiên phong.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ Chu Ngọc Anh, triển khai Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, trong năm qua Bộ Khoa học-Công nghệ đã phối hợp và triển khai nhiều hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư cá nhân cũng có sự tăng trưởng cao, với khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.
Thời gian tới, hành lang pháp lý để hỗ trợ khởi nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện thông qua các chính sách ưu đãi thuế cho DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nới lỏng thủ tục hành chính, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư. Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tuy đã hình thành nhưng cần tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn và tập trung vào hỗ trợ cho sinh viên để hình thành, nuôi dưỡng và hoàn thiện các ý tưởng sáng tạo. Bên cạnh đó, văn hóa khởi nghiệp, văn hóa đổi mới sáng tạo cần được phát triển, lan tỏa để khuyến khích các bạn trẻ có tư duy sáng tạo, khát vọng bắt tay vào hành động, dám chấp nhận rủi ro, thất bại. Từ đó biến giấc mơ của mình thành hiện thực.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết năm nay, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 12 bậc, đứng thứ 47/127 quốc gia và nền kinh tế. Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam từng đạt được từ trước đến nay. Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia có xuất phát điểm thấp, nguồn lực đầu tư giáo dục khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ... còn hạn chế. Việt Nam muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì buộc phải đổi mới sáng tạo.
Trong đó, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần sự chung tay vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương, tránh việc phát triển ồ ạt như phong trào rồi sau đó dừng lại. Phong trào khởi nghiệp hiện nay có nhiều vấn đề trăn trở như vốn, cơ chế tài chính, các thủ tục giấy tờ, các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, chính sách cho các nhà đầu tư khởi nghiệp, chính sách thuế…
Phó Thủ tướng đề nghị để phong trào khởi nghiệp thành công tất cả các ngành, địa phương, các tổ chức đều phải vào cuộc; tập trung sự hỗ trợ, sự chỉ đạo và cả nguồn vốn để hỗ trợ cho startup; tiếp tục triển khai các đề án như Đề án 844 (năm 2016), Đề án 1665 (năm 2017), sang năm 2018 sẽ có Đề án 677, tạo thành nguồn tài nguyên cho cộng đồng DN cùng sáng tạo. Kêu gọi và chào đón tất cả các nhà đầu tư cả trong nước và quốc tế.

Các tin khác