Nâng tầm nông nghiệp công nghệ cao

Gỡ bỏ chính sách hạn điền

(ĐTTCO) -  Lĩnh vực nông nghiệp đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật tiên tiến. Song do thiếu đất, thiếu vốn, nhiều mô hình vẫn đang phải đầu tư chắp vá, dẫn đến hiệu quả không cao. Đây là vấn đề các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đang trăn trở và mong muốn được hỗ trợ tháo gỡ để ngành nông nghiệp có điều kiện phát triển.

(ĐTTCO) -  Lĩnh vực nông nghiệp đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật tiên tiến. Song do thiếu đất, thiếu vốn, nhiều mô hình vẫn đang phải đầu tư chắp vá, dẫn đến hiệu quả không cao. Đây là vấn đề các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đang trăn trở và mong muốn được hỗ trợ tháo gỡ để ngành nông nghiệp có điều kiện phát triển.

Nhiều quy định cản trở 

Vấn đề đặt ra hiện nay là tập trung ruộng đất dưới nhiều hình thức, không phải tích tụ ruộng đất. Cách đây 5 năm, tôi đề nghị áp dụng hình thức như ở Bắc Âu là có chính sách hỗ trợ, giúp các trang trại thuê đất của nông dân. Ở Bắc Âu, 70% đất của trang trại thuê, người nông dân làm thuê trên đất của mình. Đó là hướng đang nghiên cứu. Chính sách phải tháo gỡ điểm nghẽn mới có thể tập trung sản xuất lớn được.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia

Theo chia sẻ của chủ tịch HĐQT một công ty nhập khẩu máy nông nghiệp, trước đây ngành nông nghiệp chỉ cung cấp đủ lương thực, nông dân thực hiện mô hình vườn - ao - chuồng và kinh tế nhỏ lẻ. Nhưng hiện nay hướng đi phù hợp là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, đặc sản nông nghiệp.

Tuy nhiên, muốn phát triển nông nghiệp phải có đất,  trong khi với chính sách hạn điền đang áp dụng, DN và nông dân đều không đủ đất để sản xuất, không cơ giới hóa được, dẫn đến không thực hiện nông nghiệp công nghệ cao được. Năm 2018, theo lộ trình của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), hàng nông sản từ các nước sẽ vào Việt Nam với mức thuế 0%, nếu Việt Nam không đẩy mạnh phát triển nông nghiệp như định hướng trên sẽ rất khó cạnh tranh.

 Hiện tại, để có đủ diện tích sản xuất quy mô lớn, cạnh tranh với nông sản trong khu vực, một số DN mua đất nhưng phải nhờ nhiều hộ đứng tên giấy chủ quyền, vì phải có diện tích hàng trăm ha mới có thể đầu tư máy móc được.

Song điều này đồng nghĩa với việc mang hết tài sản ra đặt cược, vì nếu hộ dân đứng tên giấy chủ quyền bán đất, DN phải gánh chịu rủi ro. Do đó, các DN mong muốn chính sách hạn điền sẽ được bãi bỏ để có điều kiện phát triển sản xuất lớn.

Một vấn đề nữa là vốn. Thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ và được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách. Chẳng hạn, để khuyến khích đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp, Nghị định 68/2013 quy định, mức vay tối đa để mua các loại máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp bằng 100% giá trị hàng hóa, hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong 2 năm đầu, 50% trong năm thứ 3.

Ở các nước trong khu vực, không nước nào có chính sách tốt như vậy. Tuy nhiên, trên thực tế, DN và nông dân không dễ tiếp cận vốn vay ngân hàng để đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp. Bởi lẽ, ngân hàng vẫn có tâm lý nghi ngờ đối với các DN đầu tư nông nghiệp cũng như nông dân, vì đa số không đủ tài sản đảm bảo để vay vốn. Vì thế, những DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp rất mong muốn được hỗ trợ vay tín chấp, có thể ở mức 50% nhu cầu vốn cũng được. Thực tế hiện nay, nợ xấu trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn rất thấp so với các lĩnh vực khác.

Nhiều DN cũng chia sẻ thêm, hiện nay đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, song vẫn có một số quy định cản trở hoạt động của DN. Chẳng hạn, theo quy định DN nhập khẩu máy kéo phải đăng kiểm giống ô tô, ngay cả công cụ đi theo máy kéo là dàn cày cũng phải đăng kiểm. Khi nhập máy về phải mời cơ quan đăng kiểm đến. Điều này gây mất thời gian và còn phải tốn kém chi phí “bôi trơn”.

Tìm điểm nghẽn để tháo gỡ

Theo Luật Đất đai 2013, hạn mức giao đất trồng cây hàng năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không quá 3ha đối với khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL, không quá 2ha đối với tỉnh khác. Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10ha đối với khu vực đồng bằng; không quá 30ha  đối với vùng trung du, miền núi.

Muốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải gỡ bỏ chính sách hạn điền, bởi diện tích sản xuất quy mô lớn mới đủ sức cạnh tranh.

Muốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao
phải gỡ bỏ chính sách hạn điền, bởi diện tích sản xuất quy mô lớn mới đủ sức cạnh tranh.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ nông nghiệp nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, cho biết Ban Kinh tế Trung ương được giao sơ kết 3 năm thực hiện các Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó vấn đề trọng tâm là tích tụ tập trung đất đai.

Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài nguyên - Môi trường thực hiện đề án liên quan đến tích tụ, tập trung đất đai để khắc phục tình trạng chia đất manh mún, nâng cao quy mô sản xuất. Vấn đề này đang có nhiều tranh luận. Trong đó, hầu hết thống nhất nới rộng hạn điền, nới rộng chuyển nhượng đất đai cho phù hợp với từng khu vực.

Một số ý kiến cho rằng phải tháo bỏ hạn điền. Vụ Nông nghiệp nông thôn cũng đang nghiên cứu tích hợp ý kiến từ các chuyên gia, hộ nông dân, DN để có kiến nghị, do đó vẫn chưa thể nói chính xác khi nào có lời giải về vấn đề hạn điền. Bởi gỡ bỏ hay không bỏ hạn điền cũng phải phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng từng vùng.

 Hiện nay, trong văn bản, luật, nghị định đều ghi tích tụ, tập trung đất đai. Tích tụ đất đai thuộc về quy mô của từng hộ gia đình, từng DN còn tập trung đất đai dành cho quy mô tổ chức sản xuất lớn. Hiện một số nhà đầu tư hợp tác liên doanh, xây dựng cánh đồng lớn đã tổ chức sản xuất quy mô lớn thông qua thuê đất các hộ nông dân song số lượng này vẫn chưa nhiều. Vấn đề quan trọng hiện nay là cần tập trung đất đai, mở rộng quy mô để DN có được các hợp đồng lớn với hàng trăm hàng ngàn ha để sản xuất lớn.

Bên cạnh đó, cần phải quan tâm hỗ trợ xây dựng lực lượng nông dân chuyên nghiệp; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất giữa hộ nông dân, hợp tác xã và DN; rà soát, hoàn thiện các chính sách đất đai theo hướng khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ nông dân gắn bó với nông nghiệp tích tụ; tập trung đất nông nghiệp hình thành trang trại sản xuất quy mô lớn; hỗ trợ chính sách miễn thuế đất nông nghiệp, chỉ giao đất cho những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, thu hút và phát triển DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; mở rộng các dự án đầu tư theo hình thức công tư… Như vậy, ngành nông nghiệp mới có điều kiện phát triển.

Trong khi đó, liên quan đến vấn đề vốn vay tín chấp cho lĩnh vực nông nghiệp, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, về nguyên tắc cơ quan này ủng hộ cho vay tín chấp, tuy nhiên muốn vay tín chấp phải có chữ tín. Theo đó các DN phải minh bạch thông tin giúp ngân hang nắm rõ tình hình hoạt động.

Còn nếu vẫn theo kiểu làm ăn manh mún, thiếu minh bạch như hiện nay, việc tăng cho vay tín chấp sẽ rất khó; đặc biệt với DN nhỏ, DN siêu nhỏ và các hộ gia đình rất khó đánh giá mức độ “tín” đến đâu. Trong nông nghiệp, nếu phát triển theo cơ chế thị trường, rủi ro từ phía DN giảm, thông tin minh bạch hơn, hệ thống kế toán thông tin chuẩn mực hơn sẽ đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng, dễ tiếp cận tín dụng hơn.

Các tin khác