Diễn đàn khởi nghiệp APEC 2017: Cần tư duy mới trong quản lý

(ĐTTCO)-Ngày 12-9, Diễn đàn Khởi nghiệp APEC 2017 do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) chủ trì tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của APEC lần thứ 24 và các cuộc họp liên quan đã diễn ra tại TPHCM. 
Các đại biểu trao đổi tại hội thảo Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và năng động trong khu vực APEC
Các đại biểu trao đổi tại hội thảo Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và năng động trong khu vực APEC
Đây là cơ hội cho các nền kinh tế APEC gặp gỡ, thảo luận, đưa ra tuyên bố chung về thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển DNNVV, hướng đến bền vững.

Kinh doanh phi truyền thống sẽ phát triển mạnh mẽ

Diễn đàn Khởi nghiệp APEC 2017 đã tập trung thảo luận những nội dung nhằm hỗ trợ và phát triển DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đặc biệt là các DN khởi nghiệp như: tạo điều kiện cho các DN đổi mới, sáng tạo, xây dựng các cơ hội để hội nhập khu vực và quốc tế; tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu ngay từ khi khởi nghiệp; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội một cách bền vững và thân thiện với môi trường. Trong đó, việc xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp là tiền đề quan trọng để tinh thần kinh doanh ngày càng phát triển, có nhiều DN khởi nghiệp hiệu quả.

Tuy nhiên, trong một thế giới biến đổi không ngừng, một kỷ nguyên mới của tăng trưởng dựa trên nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã hình thành, nếu các nền kinh tế không có sự thích ứng kịp thời trong việc hoạch định chính sách để nắm bắt, sẽ bỏ qua nhiều cơ hội để phát triển. Đây sẽ là xu hướng bắt buộc trong khu vực APEC và thế giới. 

Trao đổi với báo chí bên lề diễn đàn, ông Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho biết, tốc độ xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam còn chậm. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, điển hình là việc ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ khởi nghiệp, nhưng để thúc đẩy nhanh, trước hết chúng ta phải thay đổi nhận thức về quản lý nhà nước. Ở một số nước, người ta đã thay đổi cách quản lý, chẳng hạn như lập ra một bộ riêng quản lý các vấn đề kỹ thuật số. 

Đi vào cụ thể, ông Trần Du Lịch chứng minh kỹ thuật số không chỉ được áp dụng trong các ngành công nghệ thông tin mà tất cả các ngành nghề. Ví dụ, để quản lý Uber, chúng ta có Bộ Giao thông Vận tải, nhưng bộ này không thể giải quyết các vấn đề của thời đại kỹ thuật số.
Theo ông Trần Du Lịch, khởi nghiệp phải xuất phát từ sáng tạo. Tạo môi trường cho khởi nghiệp là tạo môi trường cho mọi tư duy sáng tạo được phát triển, mà sáng tạo thì chúng ta không thể tiên liệu trước các điều kiện. Nếu chúng ta đặt trước một cái khung thì không thể có sáng tạo. 

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, cũng cho rằng, khi khuyến khích khởi nghiệp, chúng ta kêu gọi các DN đổi mới cách kinh doanh, suy nghĩ hướng đi mới thì khi hoạch định chính sách, nhà nước cần có cách tư duy mới. Những hình thức kinh doanh như Uber là cách kinh doanh phi truyền thống. Để ứng xử với các ngành nghề phi truyền thống, chúng ta cần có tư duy phi truyền thống. Sự xuất hiện các ngành nghề mới là tất yếu, chúng ta cần xem trong cách làm chính sách làm sao để tạo thuận lợi, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh. 

Đánh giá về tốc độ phát triển, vai trò của chuyển đổi kỹ thuật số và các cơ hội công nghệ trong kinh doanh, ông Dave Miller, phụ trách Microsoft châu Á - Thái Bình Dương, cho biết, đến năm 2020, mỗi giờ sẽ có 1 triệu thiết bị mới được ra mắt trên kênh trực tuyến; chỉ số cổ phiếu của 500 DN có vốn hóa lớn nhất trên thị trường niêm yết sẽ chỉ còn độ tuổi trung bình là 12 năm; sẽ có 81% DN ngày nay hoạt động thân thiện với môi trường (hybird)…
Theo ông Dave Miller, chính sự chuyển đổi mạnh mẽ của kỹ thuật đã thúc đẩy mỗi cá nhân trong Microsoft “nằm lòng” câu nói của Tổng Giám đốc Microsoft Satya Nadella: “Ngành công nghiệp của chúng tôi không tôn trọng truyền thống mà chỉ tôn trọng sự đổi mới sáng tạo”. 

Việt Nam - địa chỉ khởi nghiệp của nền kinh tế APEC

Theo chỉ đạo của Chính phủ, đến năm 2020, cả nước sẽ có 1 triệu DN  hoạt động. Việc lựa chọn TPHCM làm địa điểm tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp APEC 2017 hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh cả nước nói chung, TPHCM nói riêng đang xây dựng phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, trở thành trung tâm khởi nghiệp, đô thị khởi nghiệp của cả nước với mục tiêu có khoảng 500.000 DN hoạt động vào 2020.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng khẳng định, Việt Nam hướng đến trở thành một quốc gia và địa chỉ khởi nghiệp trong nền kinh tế APEC. Trong 3 năm qua, thanh niên Việt Nam, đặc biệt những người tốt nghiệp đại học đã bắt đầu có ý tưởng khởi nghiệp, có mong muốn lập DN riêng cho mình.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, cho rằng, lợi thế so sánh của Việt Nam trên đường trở thành điểm đến khởi nghiệp là việc chúng ta có một thị trường lớn và đang tăng trưởng mạnh, cộng đồng khởi nghiệp đang ở thời kỳ “dân số vàng”. Với tinh thần dám nghĩ dám làm, các bạn trẻ Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra một cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực, bất chấp nhiều sự canh tranh từ bên ngoài. Dù vậy, một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động, sáng tạo đòi hỏi tư duy năng động ngay từ những nhà hoạch định chính sách.

Khái quát toàn cảnh về khởi nghiệp tại Việt Nam, ông Stewart Beck, Chủ tịch Quỹ châu Á - Thái Bình Dương của Chính phủ Canada, cho biết còn nhiều thách thức, đó là việc đảm bảo tiếp cận công nghệ truyền thông, chênh lệch mức trả thu nhập giữa nam và nữ ngày càng lớn, rất ít phụ nữ có vai trò lãnh đạo cao cấp; còn nhiều rào cản pháp lý đối với các nhà đầu tư nước ngoài đối với các dự án kinh doanh trong nước…
Cùng quan điểm này, một số ý kiến cũng cho rằng, điểm yếu của các DN khởi nghiệp chính là nguồn nhân lực kỹ năng kỹ thuật số là cản trở chính trong chuyển đổi kỹ thuật số.

Để thúc đẩy khởi nghiệp, các đại biểu khuyến nghị, tăng cường các hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ; kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và DN. Đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ, chú trọng đầu tư vào đổi mới sản phẩm đối với thị trường và tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều quan trọng là cải thiện độ mở của thị trường nội địa và các quy định gia nhập thị trường, từ đó thúc đẩy phát triển các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp. Cải thiện mạnh mẽ hơn nữa hệ thống đào tạo về kinh doanh, đặc biệt ở bậc phổ thông.
Đây chính là cơ hội để Việt Nam và các nền kinh tế APEC tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, đưa ra sáng kiến để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo khởi nghiệp. Chỉ như vậy, Việt Nam mới có được đội ngũ DN mạnh, đủ sức cung cấp sản phẩm thương hiệu Việt, vươn ra thị trường khu vực và toàn cầu. Chất lượng và sức khỏe DN được gia tăng dựa trên đổi mới sáng tạo, thương mại hóa, từ đó khai thác tốt nhất các mô hình kinh doanh mới.

Các tin khác