Điểm yếu Startup Việt: Chưa kết nối giữa nhà khoa học và DN

(ĐTTCO) - Trong hai ngày 26 và 27-6, Bộ Ngoại giao và UBND TPHCM phối hợp tổ chức diễn đàn kết nối Startup Việt trong và ngoài nước. 
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cũng các diễn giả, doanh nghiệp tại Diễn đàn Kết nối Startup Việt trong và ngoài nước . Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cũng các diễn giả, doanh nghiệp tại Diễn đàn Kết nối Startup Việt trong và ngoài nước . Ảnh: VIỆT DŨNG
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã gửi lời cảm ơn đến gần 400 đại biểu trong và ngoài nước đến tham dự nhất là sự có mặt của 8 diễn giả chính trong buổi sáng ngày 26-6. 

Bên cạnh việc khẳng định những đóng góp của TPHCM vào sự phát triển chung của đất nước, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ ra một số mặt hạn chế trong quá trình phát triển của thành phố trong đó tiêu biểu là chưa có sự kết nối giữa nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. Trước thực tế này có 2 cách khắc phục. Thứ nhất, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, làm cho sản phẩm khoa học đến được với doanh nghiệp và doanh nghiệp hình thành thói quen đặt hàng nhà khoa học. Thứ hai, ngay từ khi thành lập doanh nghiệp mới đã có kết hợp giữa công nghệ và kinh doanh 

Nói về câu chuyện khởi nghiệp Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng đặt ra 2 vấn đề. Thứ nhất, mức bình quân đầu người tại Việt Nam còn thấp có thể khởi nghiệp được hay không. Câu trả lời là được nhưng cần có phương thức hỗ trợ là hình thành hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thứ hai, có phải chờ khi dân số đông mới khởi nghiệp không. Thực tế là không mà quan trọng phải chuẩn bị nhân lực tốt có khả năng công nghệ và kết nối tài chính. 

Ngay sau phần chia sẻ của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, 8 diễn giả trong và ngoài nước đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm với các bạn trẻ khởi nghiệp Việt Nam. Từ câu chuyện khởi nghiệp của mình, Lê Diệp Kiều Trang, nguyên giám đốc tài chính Misfit Hoa Kỳ đã truyền cảm hứng cho nhiều startup Việt. Trang cũng chia sẻ kinh nghiệm làm sao một startup có thể quảng bá thương hiệu, tạo khác biệt trên thị trường và thành công. Trang cũng đưa ra lời khuyên cho các Startup Việt nếu muốn đi đường dài thì đừng thoả mãn sớm với những thành công bước đầu. 
Ở góc nhìn làm sao để Startup có thể gọi vốn, ông Gibs Song, chuyên gia đầu tư, Big Basin Capital (Hoa Kỳ) đã giúp các Startup có cái nhìn rõ nét hơn về nhà đầu tư thiên thần và nhà đầu tư mạo hiểm cũng như chia sẻ cách nhìn nhận, đánh giá mình để làm sao tiếp cận các nhà đầu tư thuận lợi và có hiệu quả nhất. 

Các diễn giả khác trong buổi sáng cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm khởi nghiệp hay từ Israel và từ chính Việt Nam với câu chuyện của ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Ryan Holdings JSC với tham vọng đưa công nghệ 4.0 vào sản xuất lúa gạo và hiện nay ông Mỹ và các cộng sự đang từng bước hiện thực hoá tham vọng của mình. 

Buổi chiều cùng ngày sẽ diễn ra toạ đàm với 3 chuyên đề: giai đoạn đầu của khởi nghiệp; phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp; đưa Startup Việt ra thế giới. 

Sáng ngày 27-6, các startup Việt Nam trình bày ý tưởng khởi nghiệp sau đó các chuyên gia sẽ trực tiếp góp ý tư vấn về định hướng phát triển sản phẩm và gọi vốn đầu tư. 

Diễn đàn lần này tiếp nối thành công của diễn đàn kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt Nam tại Hoa Kỳ và Việt Nam do Bộ Ngoại giao và UBND TPHCM tổ chức tại San francisco, Hoa Kỳ tháng 12-2017. 

Các tin khác