Còn cơ hội khi thị trường bão hòa

(ĐTTCO) - Dạo gần đây, cộng đồng những người ghiền café trên mạng xã hội facebook truyền tai nhau khá nhiều về một sản phẩm café rang xay mang tính cá nhân hóa rất cao, mỗi bịch café rang xay mang một gu riêng của mỗi người, nhãn cũng theo yêu cầu riêng của từng khách. 
Còn cơ hội khi thị trường bão hòa
Khi nhắc đến café người ta sẽ nhắc ngay đến thành tích xuất khẩu hàng năm của mặt hàng này. Tuy nhiên, chủ yếu là xuất khẩu thô, có lẽ cũng vì vậy mà ở nội địa rất nhiều DN, cá nhân đã tham gia làm café và dường như thị trường cũng có phần bão hòa, nên khi nghe đến việc DN nào đó mới tham gia vào lĩnh vực này nhiều người sẽ đặt câu hỏi có gì mới không. Và để mới chỉ còn cách chọn thị trường ngách. 
Cách đây ít lâu, báo chí có dành sự quan tâm nhiều cho bà Nguyễn Thị Kim Hạnh, Giám đốc Công ty Kim&kim, khi bà này chọn đi vào ngách làm café Specialty, một dòng café mới xuất hiện trên thế giới khoảng 12 năm và mới 10% người kinh doanh biết và thương mại hóa. Và giờ người ta lại bắt đầu để ý thêm một sản phẩm café mang tính cá nhân hóa cao mang thương hiệu Revo coffee. 
Thử đặt hàng online sản phẩm Revo coffee khách sẽ được chọn 2 trong 5 loại hạt café, tùy ý tỷ lệ phối trộn và nhãn hàng sẽ cho biết mùi vị của café khi khách phối trộn như vậy, và cuối cùng là tự chọn nhãn dán cho gói café của mình. Một vài ý kiến cho rằng khi chọn những ngách thị trường như thế này có ưu điểm là tạo ra sự mới mẻ thú vị cũng như không phải đối đầu với nhiều đối thủ lớn đã có mặt trên thị trường trước. Tuy nhiên, vào ngách thì phân khúc khá nhỏ và thách thức đặt ra là làm sao để phát triển phân khúc đó lên, tăng quy mô DN từ đó sinh lời.
Chẳng hạn như khi phát triển dòng café Specialty giá thành cao do công đoạn sản xuất phải rất chỉn chu, phân khúc khách hàng sẵn sàng chi trả khoảng 100.000 cho 1 ly café là không nhiều. Tương tự như việc cá nhân hóa sản phẩm café là đi vào từng nhu cầu cụ thể, như vậy sẽ gia tăng chi phí quản lý và vận hành. Rất có thể với cách làm khác biệt người mua sẽ không đặt lên bàn cân để so sánh giá, và người bán có thể bán với giá “hời” hơn, nhưng nhóm khách hàng thực sự thích cá nhân hóa trong sản phẩm này có lẽ phần nhiều nằm trong nhóm ghiền café. 
Có thể thấy mỗi lựa chọn đều có những ưu, khuyết điểm khác nhau, nhưng nó lại cho thấy một thực tế trong kinh doanh luôn có cơ hội cho những ai chịu quan sát và học hỏi. Chẳng thế mà ngay trong một thị trường tưởng như bão hòa là café vẫn có những người tìm ra những khách khác biệt, để đi và để mang lại một dấn ấn riêng cho một sản phẩm nông sản mà Việt Nam đang nằm trong top đầu những nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. 

Các tin khác