Các ‘bài toán’ trong cuộc sống là cơ hội để khởi nghiệp

(ĐTTCO)-Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ điều này tại Diễn đàn đối thoại cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Techfest 2018 tổ chức tại Đà Nẵng sáng nay 30/11.
    Phó Thủ tướng trao đổi với các diễn giả. Ảnh: VGP/Đình Nam
    Phó Thủ tướng trao đổi với các diễn giả. Ảnh: VGP/Đình Nam

    Phó Thủ tướng khẳng định mặc dù việc phát triển cộng đồng start-up, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam còn nhiều khó khăn nhưng các cơ quan của Nhà nước, đặc biệt Chính phủ bắt đầu rất quan tâm và thực sự mong muốn thúc đẩy cộng đồng này phát triển.

    Nêu số liệu hiện 70% dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (start-up) tại Việt Nam có yếu tố nước ngoài hay 39/40 quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam là của nhà đầu tư nước ngoài, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rẳng không có sự phân biệt các dự án start-up ở Việt Nam hay nước ngoài. Quan trọng nhất là các start-up cần tìm thấy cơ hội từ những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam gặp phải trong quá trình chuyển đổi và đang tăng trưởng.

    “Những nhu cầu của người dân trong nhiều lĩnh vực thiết yếu như giáo dục, y tế, giao thông, thanh toán điện tử, nông nghiệp… đang đặt ra rất nhiều vấn đề, thách thức. Và những ‘bài toán’ đó có trở thành cơ hội cho các start-up hay không là tuỳ thuộc vào các bạn”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

    Ngoài các vấn đề về vốn, hạ tầng, pháp lý, giáo dục, nguồn nhân lực đã được nhiều chuyên gia, DN start-up nêu lên, theo Phó Thủ tướng khó nhất là tạo lập một cơ sở dữ liệu lớn và mở cho cộng đồng. Nguồn dữ liệu này được đóng góp từ Chính phủ, DN và đặc biệt là từ người dân, trước hết tập trung vào những lĩnh vực như giáo dục, y tế, du lịch, thanh toán điện từ, nông nghiệp… 

    Đây là yêu cầu được nêu ra trong đề án xây dựng Hệ tri thức Việt số hoá bên cạnh việc phát triển các hệ sinh thái khởi nghiệp. Điểm đáng chú ý trong Đề án Hệ tri thức Việt số hoá là sự đóng góp tri thức của người dân thông qua việc đặt các câu hỏi về những vấn đề mà họ gặp phải trong cuộc sống. “Khi nhiều người cùng quan tâm về một vấn đề thì đó là cơ hội của các DN start-up”, Phó Thủ tướng nói.

    Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi suy nghĩ. Đối với người dân đó có thể là chuyển từ thói quen tiết kiệm, gửi tiền vào ngân hàng sang đầu tư, kinh doanh. Còn Nhà nước thì không chỉ là hỗ trợ vốn hay hoàn thiện hành lang pháp lý mà quan trọng nhất là đặt ra những vấn đề để kêu gọi các ý tưởng start-up.

    “Chúng ta hãy nhìn vào những vấn đề thực tế, người dân muốn gì, doanh nghiệp muốn gì, Chính phủ muốn gì, đó là ‘bài toán’ và một khi có ‘bài toán’ nhiều người cùng muốn tìm câu trả lời thì sẽ có ý tưởng, khi ý tưởng đó tốt thì sẽ có khởi nghiệp. Đó là cách tiếp cận mới của Chính phủ”, Phó Thủ tướng cho biết.

    Trước rất nhiều sinh viên có mặt trong hội trường, Phó Thủ tướng kể lại hai câu hỏi mà ông đặt ra cho 3 nhóm sinh viên trước khi bắt đầu phiên đối thoại.

    Với câu hỏi thứ nhất, tất cả sinh viên đều trả lời là đến diễn đàn với mong muốn được tìm hiểu về start-up và chỉ có một nửa số sinh viên đăng ký dự phiên đối thoại hôm nay được đáp ứng nguyện vọng. Điều đó cho thấy sự quan tâm thực sự của các bạn sinh viên đối với star-up. Nhưng khi được hỏi điều đầu tiên nghĩ về start-up là gì thì câu trả lời của một số bạn là khó, là công nghệ mới.

    Hy vọng sau phiên dối thoại, nhiều bạn sinh viên sẽ hiểu rõ hơn về start-up, Phó Thủ tướng cũng cho rằng việc đưa suy nghĩ khởi nghiệp vào giáo dục, đặc biệt trong các trường đại học, là vô cùng quan trọng. Lâu nay chúng ta học vẫn nặng về tiếp thu thụ động, quá thận trọng thì bây giờ là lúc dám nghĩ khác, làm khác, dám nghĩ lớn, dám làm lớn, dựa trên công nghệ, tri thức.

    “Làm start-up không thể đòi hỏi thuận lợi hay nghĩ thoáng qua là làm, start-up phải gắn ngay với thế giới, toàn cầu hay phải trở thành công ty triệu đô, tỷ đô. Trước hết, các bạn hãy bắt đầu từ những nhu cầu thiết thực hàng ngày, từ những việc rất nhỏ liên quan đến giáo dục, đi lại, khám chữa bệnh của người dân, nông nghiệp… Và khi có ý tưởng khác với những người khác đang làm thì các bạn hãy bắt đầu", Phó Thủ tướng gợi mở.

    Nghĩ lớn, nghĩ khác nhưng đừng quên phải cụ thể, thiết thực. Quan trọng là chúng ta dám nghĩ, dám làm. Cùng với đó là phải có sự kết nối, hình thành mạng lưới, hệ sinh thái khởi nghiệp, điều mà chúng ta nói rất nhiều nhưng nhiều lúc chưa nhận thức hết ý nghĩa của điều này”, Phó Thủ tướng nhắn nhủ.

    Các tin khác