WTO có hòa giải căng thẳng thương mại Mỹ-Trung?

(ĐTTCO) - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng, Hoa Kỳ đã nhiều lần bỏ lỡ những cơ hội tốt nhất để có thể đưa ra một giải pháp đối với vấn đề thương mại.

 Trong khi Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận một cuộc chiến thương mại với "bất kỳ giá nào" và áp dụng mọi biện pháp toàn diện nếu Hoa Kỳ tiếp tục các biện pháp bảo hộ thương mại đơn phương.

Ăn miếng trả miếng
Căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc tiếp tục leo thang với các hành động ăn miếng trả miếng liên tiếp giữa 2 cường quốc hàng đầu thế giới khi ngày 5-4, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố sẽ yêu cầu Bộ Thương mại nước này xem xét tăng gấp đôi, lên mức 100 tỷ USD, mức thuế bổ sung đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trước đó, ngày 3-4, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã công bố danh sách các sản phẩm nhập khẩu trị giá khoảng 50 tỷ USD từ Trung Quốc có thể bị áp thuế bổ sung do các hoạt động thương mại không công bằng liên quan việc Trung Quốc "cưỡng ép" các công ty Hoa Kỳ chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ.
Các ngành công nghiệp của Trung Quốc là mục tiêu của biện pháp này gồm hàng không vũ trụ, công nghệ thông tin và truyền thông, robot, máy móc. Danh sách dự kiến 1.300 sản phẩm riêng lẻ và phải trải qua đợt đánh giá bổ sung dưới hình thức lấy ý kiến đánh giá của dư luận Hoa Kỳ, gồm cả điều trần tại Quốc hội. Sau khi hoàn thành tiến trình này, USTR sẽ đưa ra bản danh sách cuối cùng về những sản phẩm của Trung Quốc sẽ bị đánh thuế bổ sung.
Ngay lập tức, ngày 4-4, Trung Quốc công bố danh sách các sản phẩm nhập khẩu từ Hoa Kỳ tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế cao hơn, trong đó có đậu tương, ô tô và hóa phẩm. Trong một tuyên bố, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết Ủy ban Thuế quan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc (chính phủ) quyết định áp mức thuế bổ sung 25% đối với 106 mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ.
Thời điểm mức thuế suất mới này có hiệu lực sẽ phụ thuộc vào thời điểm Hoa Kỳ áp mức thuế mới đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong số các mặt hàng bị tăng thuế còn có một số loại máy bay và nhiều loại nông sản. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết đã đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc Hoa Kỳ tăng mức áp thuế đối với mặt hàng thép nhập khẩu.
Đại sứ Trung Quốc tại WTO Trương Hướng Thần khẳng định thông báo của Hoa Kỳ về các biện pháp đơn phương nhằm vào Trung Quốc theo Điều 301 là sự vi phạm một cách trắng trợn và có chủ đích nguyên tắc cơ bản của WTO về không phân biệt đối xử và thuế quan giới hạn. 
WTO có hòa giải căng thẳng thương mại Mỹ-Trung? ảnh 1 TTCK New York giảm điểm hôm 6-4. 
Động thái này nhằm đáp lại việc USTR trước đó chính thức gửi yêu cầu tham vấn với Trung Quốc lên WTO với cáo buộc Bắc Kinh phân biệt đối xử trong chuyển giao công nghệ. Những cuộc tham vấn này là bước đi đầu tiên trong tiến trình giải quyết tranh chấp của WTO. Nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc không thể đạt được thỏa thuận thông qua tham vấn, Hoa Kỳ có thể yêu cầu thành lập cơ quan giải quyết tranh chấp thuộc WTO để đánh giá về các vấn đề liên quan. Australia hưởng lợi Theo RFI, hiện nay tuy chưa có chiến dịch “bài Mỹ” chính thức nào được tung ra, nhưng trên các mạng xã hội Trung Quốc, đã rộ lên những lời kêu gọi tẩy chay các sản phẩm Hoa Kỳ. Biện pháp này đã từng được tiến hành một cách hiệu quả đối với Hàn Quốc, khi người tiêu dùng bị kích thích bởi chủ nghĩa dân tộc.
Xã luận của Hoàn Cầu Thời báo khẳng định: “Nếu chống lại hàng Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ không tìm được nguồn thay thế. Nhưng nếu chúng ta tẩy chay hàng Hoa Kỳ, các sản phẩm nội địa có thể dễ dàng lấp được khoảng trống”. Năm ngoái, tập đoàn Lotte của Hàn Quốc đã trở thành nạn nhân của Bắc Kinh, do chấp nhận dành một khu đất ở ngoại ô Seoul để bố trí hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Hoa Kỳ. Nhiều cửa hàng của Lotte bị đóng cửa, nhiều cuộc biểu tình diễn ra và vô số lời kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay. Ước tính, chiến dịch tẩy chay do Trung Quốc phát động đã khiến tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc bị giảm 0,4% trong năm 2017.
Đáng chú ý là trong vụ tranh cãi thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Australia sẽ có lợi vì Canberra có thể tăng sản lượng hoặc lợi dụng giá cả để thế chân những công ty Hoa Kỳ tại thị trường Trung Quốc. Theo đài phát thanh NPR, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia - quốc gia sản xuất nhiều mặt hàng Trung Quốc cũng nhập khẩu từ Hoa Kỳ và giờ nằm trong danh sách 128 mặt hàng Trung Quốc áp mức thuế mới.
Ngành sản xuất rượu của Hoa Kỳ hiện đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng và sẽ phải chịu những tổn thất lâu dài, các nhà sản xuất Hoa Kỳ ở vào thế bất lợi hơn so với những đối thủ cạnh tranh Australia tại Trung Quốc. Đài NPR cũng coi Australia là một đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Hoa Kỳ trong lĩnh vực trái cây và các loại hạt xuất khẩu sang Trung Quốc vì dữ liệu từ Cục Thống kê Australia cho thấy 40% trái cây của nước này đã xuất sang Trung Quốc và những mặt hàng hạt xuất khẩu sang cường quốc châu Á đã tăng 10 lần trong vòng 5 năm, lên 63 triệu USD trong năm 2016. Không chỉ vậy, ở các lĩnh vực xuất khẩu thép, nhôm vụn và than, Canberra cũng sẽ có một cơ hội tốt để nắm bắt một thị phần rộng lớn hơn mà trước đó đã từng bị Washington giành mất.

Vai trò của WTO
Ngày 6-4, trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích WTO, cho rằng cơ quan thương mại quốc tế này "không công bằng" với Hoa Kỳ trong khi trao cho Trung Quốc "những đặc quyền và lợi thế to lớn". Tuy nhiên, ông Trump không đưa ra bằng chứng hoặc thí dụ để minh chứng cho khẳng định của mình. 
Trong một báo cáo vào tháng 1-2018, đại diện Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã nhận xét Hoa Kỳ đã sai lầm khi ủng hộ Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001. Nay, chính quyền ông Trump khởi xướng một vụ kiện lên WTO và hy vọng các quốc gia khác cùng tham gia. Trên trang mạng apple.com.hk (Hồng Công), ông Peter Navarro, cố vấn thương mại của Tổng thống Donald Trump, cho rằng tất cả công ty đang làm ăn với Trung Quốc đều phải đối mặt với vấn đề này. Tuy nhiên, ông Matt Gold cho cũng cho rằng dự luật áp thuế cao đối với thép và nhôm đã vi phạm hoàn toàn các quy tắc của WTO.
Mặc dù chưa có văn bản nào được ký kết, nhưng nếu như dự luật thuế này được chấp thuận sẽ vi phạm quy tắc của các hiệp định thương mại quốc tế và sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế thế giới. Quy định thuế này sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin đối với hệ thống thương mại toàn cầu, thậm chí có thể khiến các nước khác phải có hành động tương tự để đáp trả. Theo đó, những đối tác thương mại sẽ đưa các vụ kiện lênWTO do Hoa Kỳ đã vi phạm các quy tắc này. 
Chủ tịch Quỹ công nghệ thông tin và đổi mới (ITIF) Rob Atkinson cho biết mỗi vụ kiện thương mại lên WTO thường yêu cầu có bằng chứng của một công ty bị thiệt hại. Tuy nhiên, rất nhiều công ty nước ngoài làm ăn với Trung Quốc không sẵn sàng khiếu kiện về tình trạng họ bị đối xử không công bằng vì sợ bị đưa vào tầm ngắm và mất cơ hội làm ăn. Chiến lược của ông Trump đưa Trung Quốc ra trước WTO có thành công hay không hiện vẫn là một ẩn số. Trước mắt, nếu để WTO xử lý các vấn đề của Trung Quốc có lẽ là biện pháp khiến Hoa Kỳ gặp ít rủi ro hơn.
 Sự đối đầu Hoa Kỳ-Trung Quốc vẫn chưa thể dẫn tới chiến tranh thương mại do các hành động đáp trả lẫn nhau chỉ dừng lại ở vài sản phẩm cụ thể, và cách thức đáp trả của Trung Quốc vẫn chỉ mang tính "biểu tượng". Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ có cơ hội đầu tiên giải quyết những bất đồng sâu sắc về thương mại bên lề Hội nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), diễn ra tại Washington từ ngày 20 đến 22-4 tới. Tuy nhiên, cho đến nay, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều chưa có kế hoạch cho bất cứ cuộc họp nào.

Các tin khác