World Cup - Trái bóng và lợi nhuận? (K2): Cơ hội hốt tiền

(ĐTTCO) - Có thể nói, World Cup tổ chức 4 năm một lần là sự kiện chính để tạo doanh thu cho Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA).
 Và nguồn doanh thu lớn nhất của World Cup đến từ bản quyền truyền hình. Bên cạnh đó là việc bán quyền tài trợ, bán vé, logo-thương hiệu và nhiều thứ khác.
Bản quyền phát sóng
Tại World Cup 2010 ở Nam Phi, tiền bán quyền phát thanh truyền hình của FIFA đã tăng gần 50% lên 2 tỷ USD, chủ yếu do các hợp đồng khủng ở Hoa Kỳ với các công ty Walt Disney (sở hữu ABC và ESPN) và Univision, trả tổng cộng 425 triệu USD cho quyền phát sóng độc quyền cho năm 2010 và 2014.
 Không có sự kiện truyền thông nào mang lại sức hút mãnh liệt đối với khán giả, ngày này qua ngày khác và kéo dài cả tháng, giống như World Cup. Chính vì thế, các công ty truyền hình cũng kiếm được rất nhiều tiền quảng cáo nhờ việc phát sóng FIFA World Cup. Một nghiên cứu mới về tác động của World Cup tới kinh tế cho thấy, GDP của Nga có thể tăng lên khoảng 26 tỷ USD (khoảng 1,62 triệu tỷ rúp) đến 30,8 tỷ USD trong 10 năm từ 2013 đến 2023. 
Sự tăng trưởng cũng phản ánh thành công của FIFA trong quyết định bán quyền truyền hình trên cơ sở từng quốc gia cho thị trường châu Âu, thay vì thỏa thuận bán trọn gói cho cả châu lục thông qua Liên minh Phát thanh truyền hình châu Âu (EBU) như trước đó. Trong giai đoạn từ năm 2011-2014, FIFA kiếm được tổng cộng 5,71 tỷ USD. Trong đó, tiền bản quyền truyền hình đạt 2,48 tỷ USD. Riêng bản quyền truyền hình World Cup năm 2014 tại Brazil đạt 2,42 tỷ USD. 
Cho đến nay, FIFA vẫn chưa công bố con số chính xác về tổng doanh thu tiền bản quyền truyền hình của World Cup 2018. Tuy nhiên, một số thống kê đơn lẻ cho biết tiền bản quyền kỳ World Cup năm nay và năm 2022 có thể tăng gần 100%. Cụ thể, chỉ riêng các gói bản quyền cho 3 hãng truyền thông lớn gồm Fox, Telemundo và Futbol de Primera Radio đã lên đến 1,2 tỷ USD.
Riêng với Fox, hãng này đã chi số tiền gấp 8 lần kỳ World Cup trước, từ 50 lên 400 triệu USD, để mua quyền phát sóng 2 kỳ World Cup 2018-2022. Nếu tính thêm SBS của Australia, Bell Media của Canada và IMC ở khu vực Caribean, tổng số tiền quyền phát sóng được nâng lên 1,85 tỷ USD. Ngoài ra, với việc bán các gói bản quyền sang Trung Đông, một phần khu vực châu Á và khu vực Mỹ Latin, cũng đã mang về thêm cho hầu bao của FIFA số tiền lên đến 1,7 tỷ USD. Như vậy, chỉ riêng với một số nhà đài này, FIFA đã thu về tiền bản quyền truyền hình nhiều hơn so với các gói bản quyền của 2 kỳ giải trước đó.
Tại kỳ World Cup 2014, kênh ITV (kênh truyền hình phát sóng World Cup tại Anh) chào mức giá 500.000USD đối với 30 giây quảng cáo phát sóng trong thời gian diễn ra các trận đấu. Mức giá quảng cáo trong các trận đấu World Cup tại Ấn Độ rơi vào khoảng 60.000USD/10 giây.
Còn tại Brazil, 8 “ông trùm” đã mạnh tay chi 600 triệu USD để quảng cáo trên kênh truyền hình Globo. Quyền lợi trả lại cho các doanh nghiệp lớn là được xuất hiện 1.120 lần trên truyền hình. Bên cạnh 64 trận đấu World Cup được phát sóng đầy đủ, kênh truyền hình Globo còn sản xuất một loạt các chương trình truyền hình “ăn theo” World Cup và giá bán quảng cáo cũng không hề kém cạnh để tăng thêm doanh thu. 
Tuy nhiên, Tim Westcott, nhà phân tích cao cấp tại Screen Digest, cho biết: “Nhiều đài truyền hình không thể trả con số đó nếu chỉ dựa vào riêng quảng cáo”. Vì vậy, một số kênh truyền hình đã buộc người xem phải trả tiền để xem World Cup trên truyền hình. Từ World Cup 2002, các kênh truyền hình thu phí bắt đầu phát triển, nhất là tại châu Âu.
World Cup - Trái bóng và lợi nhuận? (K2): Cơ hội hốt tiền ảnh 1  
Tại Singapore, người hâm mộ phải trả 80-100USD để theo dõi các trận bóng. Tại Tây Ban Nha và Italia, người hâm mộ chỉ có thể xem một số trận miễn phí. Số còn lại, họ phải sử dụng truyền hình trả tiền (Sogecable tại Tây Ban Nha và Sky Italia tại Italia). Ngoài ra, một số nhà đài khác chọn cách bán lại quyền phát sóng. Tại Pháp, sau khi chi 152 triệu USD cho bản quyền phát sóng World Cup 2010, TF1 đã bán lại quyền phát sóng một số trận đấu với giá 33 triệu USD.

Quyền tài trợ
Trong giai đoạn 2010-2014, FIFA đã bán quyền tài trợ chính cho 6 công ty blue-chip gồm Adidas, Coca-Cola, Hyundai, Emirates, Sony và Visa. Theo IEG, một công ty nghiên cứu của Hoa Kỳ chuyên theo dõi chi tiêu tài trợ, trong giai đoạn này FIFA đã thu về 1,6 tỷ USD tiền tài trợ. Theo BBC, bình quân mỗi nhà tài trợ trong nhóm 6 nhà tài trợ chính phải trả cho FIFA tới 30 triệu USD/năm.
Tại sao các công ty lại chấp nhận chi khủng để tài trợ cho World Cup? Bởi đây là cơ hội để được hàng triệu, thậm chí hàng tỷ người nhìn thấy bạn. Theo thống kê của FIFA, World Cup 2014 có tới 26 tỷ lượt khán giả xem; trong khi World Cup năm nay ước tính thu hút hơn 30 tỷ lượt khán giả.
Như vậy, việc chi 30 triệu USD/năm để có cơ hội “đập vào mắt” của hàng chục tỷ khán giả xem ra cũng khá hời. Tuy nhiên, việc trở thành nhà tài trợ chính cũng đi kèm với các điều khoản gò bó. Trong khi đó, các thương hiệu ngoài lề sẽ được tự do sáng tạo không chịu bất cứ quy tắc hay ràng buộc nào để tiếp cận khách hàng theo cách họ muốn và đạt được kết quả bất ngờ.
Thí dụ, tại Nam Phi năm 2010, FIFA đã khởi kiện nhà sản xuất bia Dutch Brewer Bavaria khi nhãn hàng này thuê 36 tiếp viên vào xem một trận đấu của Hà Lan trong bộ quần áo màu cam bó sát người với logo của hãng bia nổi bật trên ngực. FIFA đã đuổi những cô gái đó ra khỏi sân khấu và quyết định theo đuổi vụ kiện tụng thương hiệu này. Kết quả thương hiệu bia này đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận trên mạng xã hội gấp 6 lần nhà tài trợ beer chính thức của giải đấu, Anheuser Busch.
Doanh thu bán vé
Ngoài các quyền được đem bán, tiền bán vé cũng thu về cho FIFA một khoản tiền không nhỏ. Theo BBC, năm 2014 FIFA đã thu được 527 triệu USD tiền bán vé, từ 3.141.908 người hâm mộ. World Cup năm nay, FIFA ước tính  tổng cộng sẽ có 2,5 triệu vé được bán cho người hâm mộ đến xem toàn bộ 64 trận đấu diễn ra ở 11 thành phố tại nước Nga.
Ở đợt bán đầu, FIFA bán gần 750.000 vé ở lượt trận đầu vòng bảng với giá vé chia thành 3 loại dựa trên vị trí xem gồm: 211USD, 165USD và 105USD dành cho cổ động viên nước ngoài, trong khi cổ động viên Nga mua vé chỉ 22USD. Từ lượt thứ 2 vòng bảng giá vé thấp nhất từ 105USD cho đến cao nhất là trận chung kết có giá tới 1.107USD/vé.
Dù giá vé World Cup 2018 được xem là đắt nhất lịch sử các kỳ World Cup, nhưng vẫn có rất đông người hâm mộ toàn cầu đăng ký mua. Cụ thể như giá vé xem trận chung kết World Cup 2018 hiện cao hơn đến 200USD so với giá vé trận chung kết World Cup 2014 tại Brazil. Người đứng đầu Ủy ban bán vé World Cup 2018 của FIFA, ông Falk Eller cho biết: “Việc bán vé diễn ra trôi chảy và FIFA rất hài lòng với tiến độ bán vé. Đến nay lượng người mua rất đông, cho thấy kỳ World Cup 2018 chắc chắn sẽ rất hào hứng”.
(còn tiếp)

Các tin khác