Vai trò Trung Quốc trong chủ nghĩa tư bản toàn cầu (Kỳ 2)

(ĐTTCO) - G20 luôn đưa ra định hướng các biện pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới và điều tiết nền kinh tế toàn cầu. 
Tuy nhiên, những vấn đề trọng tâm xung quanh chủ quyền quốc gia và cách diễn giải tổng quát về nền chính trị toàn cầu ngày càng gây tranh cãi. Vào thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (KHTCTC), hầu hết các nhà quan sát Trung Quốc vẫn xác định cách hiểu truyền thống về chủ quyền quốc gia là trung tâm để đặt vị trí của Trung Quốc trong nền quản trị toàn cầu. Các chuyên gia quốc tế nhận xét khái niệm then chốt dẫn dắt chính sách ngoại giao của Trung Quốc vẫn chưa thay đổi.

Dè dặt xác định vị thế

Tranh luận vị thế thực chất
Khi hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm G20 diễn ra ở Washington vào năm 2008, giới lãnh đạo Trung Quốc đã ủng hộ động thái hướng đến một giải pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng được phối hợp trên toàn cầu. Đóng góp chính của Trung Quốc là gói kích cầu trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ dành cho nền kinh tế nội địa.
Đồng thời, chính quyền trung ương đã nới lỏng những hạn chế đối với các khoản đầu tư của chính quyền địa phương và yêu cầu các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước tạo điều kiện cho vay tín dụng với lãi suất thấp. Việc trợ giúp nền kinh tế Trung Quốc và thông báo cho thế giới về điều này là đóng góp đầu tiên của Trung Quốc, hoàn toàn ăn khớp với hướng tiếp cận truyền thống: ẩn mình đối với thế giới.

Cả Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và các đối tác mới nổi như Brazil và Ấn Độ đều thể hiện sự kỳ vọng vào vai trò lãnh đạo G20 của Trung Quốc bằng các hành động. Thế nhưng, dư luận tại Trung Quốc lại kỳ vọng nhiều hơn thế. Cuộc tranh luận trong nước xoay quanh sự thống trị mới đầy tiềm năng của Trung Quốc và những ưu tiên kinh tế trong trật tự thế giới mới. Một số người yêu cầu những thay đổi hệ thống, lập luận rằng cuộc khủng hoảng cho thấy rõ hệ thống tài chính quốc tế phải “đoạn tuyệt với cái cũ để chào đón cái mới”.
Tuy nhiên, những yêu cầu thay đổi này đã không được giới lãnh đạo Trung Quốc chấp thuận, cho rằng phải ưu tiên duy trì ổn định kinh tế trong nước và từ đó tạo ra những tác động toàn cầu tích cực.

Giới hoạch định chính sách ngoại giao Trung Quốc đã tham gia cuộc tranh luận đa chiều về tầm quan trọng của G20 và vai trò Trung Quốc nên nắm giữ, trong đó liên kết với những tranh cãi từ trước về quan hệ với Hoa Kỳ, cũng như thế giới và cả chính nước này. Rất nhiều học giả còn đề xuất ý tưởng G2 với sự tham gia của Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng chính phủ đã thẳng thừng bác bỏ đề xuất này.
Một số nhà phê bình khác lại lưu ý rằng G20 chỉ là một cơ chế tạm thời mà không có bất kỳ ràng buộc pháp lý nào. Do đó, khả năng đóng góp một cách có ý nghĩa của nhóm này vào cuộc cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu, đặc biệt là khi xét tới vấn đề quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, vẫn có nhiều nghi ngại.

Nhằm xoa dịu những chỉ trích trong nước cũng như tìm cách thoát khỏi cuộc tranh cãi nguy hiểm có khả năng xảy ra trong bối cảnh mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc - Hoa Kỳ, dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, Trung Quốc đã bắt đầu thúc đẩy ý định đưa Trung Quốc tham gia vào những quan hệ ngoại giao mới với các cường quốc, bao gồm cả Hoa Kỳ và EU.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ở bang California, ông Tập Cận Bình đã tóm lược khái niệm mới - theo nghĩa đen - “quan hệ cường quốc kiểu mới”, gồm 3 điểm: (1) không đối đầu cũng như không xung đột, (2) tôn trọng lẫn nhau, (3) hợp tác đôi bên cùng có lợi. Khái niệm trên và nội dung chính sách cách tiếp cận mới rõ ràng của Trung Quốc trong quan hệ ngoại giao, vẫn là điều giới chính sách ngoại giao nước này còn tranh cãi. Cuộc tranh luận diễn ra về “quan hệ cường quốc kiểu mới” phản ánh những kỳ vọng sâu sắc được người dân trong nước ấp ủ, mong muốn chính phủ Trung Quốc đặt sức mạnh quốc gia và sự phát triển trong nước lên hàng đầu. Trong khi một bộ phận công chúng nhìn nhận Trung Quốc là một “quốc gia kiêu hãnh” đang xác định vai trò của mình trong nền quản trị kinh tế toàn cầu, những người khác lại nhìn nhận vị trí mới của Trung Quốc chỉ là một “quốc gia nắm vai trò”, vì vẫn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, thương mại và công nghệ tiên tiến quốc tế.
Vai trò Trung Quốc trong chủ nghĩa tư bản toàn cầu (Kỳ 2) ảnh 1 Do tăng trưởng cao trong nhiều thập kỷ, số doanh nghiệp và người dân Trung Quốc giàu lên, dấy lên lo ngại việc thâu tóm doanh nghiệp các nước.Trong ảnh: Du khách Trung Quốc tràn ngập các điểm du lịch ở Pháp. 
Tìm kiếm sự đồng thuận
Từ lâu, Trung Quốc đã luôn tìm kiếm mức độ đại diện cao hơn trong Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) và nóng lòng theo đuổi việc thực hiện những cải cách. Trung Quốc tham gia vào WB và IMF muộn nhằm hỗ trợ các chính sách cải cách trong nước vào những năm 1980. Trung Quốc tham gia với tư cách là bên tuân thủ luật chơi với hệ thống thông lệ, quan điểm và chính sách đã được thiết lập vững chắc.
Sự nổi lên của các nền kinh tế công nghiệp mới đã đẩy IMF vào một cuộc “khủng hoảng bản sắc”, dẫn đến một chuỗi các cuộc đàm phán khó khăn kéo dài về cách thức điều chỉnh cơ cấu bỏ phiếu cho phù hợp với những thực tế mới khi Hoa Kỳ và châu Âu ngày càng bất mãn với những đối tác phía Nam của IMF. Đề nghị cải cách vào năm 2006 đã không ngăn chặn được những chỉ trích của Trung Quốc về việc các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đã không nhận được sự quan tâm thỏa đáng. Theo cuộc cải cách này, quyền bỏ phiếu của Trung Quốc vẫn thấp hơn của 2 nước Hà Lan và Bỉ cộng lại.

Cuộc KHTCTC đã khiến IMF trở thành trung tâm của các vấn đề quản trị toàn cầu. Cải cách IMF trở thành một trong những vấn đề then chốt của nhóm G20 mới. Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc đã lên tiếng yêu cầu sự tái điều chỉnh phản ánh được những thay đổi trong thành phần các hoạt động kinh tế toàn cầu. Trong bản Thông cáo tháng 10-2009, IMF đã chính thức kêu gọi xem xét lại hạn ngạch đối với các quốc gia thành viên vào trước thời điểm cuối năm 2011. Tuy nhiên, quyết định này chỉ được một số ít các nước mới nổi hưởng ứng.
Dưới sự lãnh đạo của những nhà cầm quyền mới sau đại hội Đảng, Trung Quốc bắt đầu tạo ra những cơ chế mới nhằm hỗ trợ tài chính và hợp tác đa phương như Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của các nước BRICS hay Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB). Những mô hình này kỳ vọng tạo ra những vai trò khác trong nền quản trị tài chính toàn cầu, và được hiểu như sự phản ứng trước thực trạng thiếu vắng những cải cách trong IMF.

Khi Trung Quốc cam kết thúc đẩy và địa phương hóa NDB đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước còn lại trong BRICS, và phải nhượng bộ trong việc đặt giới hạn nguồn vốn đầu tư cũng như thỏa thuận về cấu trúc điều hành. Tuy nhiên, các nhà quan sát đều cho rằng ít nhất trong trường hợp này chính phủ mới của Trung Quốc đã xác lập vị trí lãnh đạo của mình trong khối BRICS.

Ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở London năm 2009, ông Châu Tiểu Xuyên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), đã đề nghị sửa đổi rổ tiền tệ, cơ sở cho Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF.
Đề xuất này và những thành công sau đó của giới lãnh đạo Trung Quốc trong việc tăng SDR thêm 250 tỷ USD - dù dựa trên giỏ tiền tệ hiện tại - là kiến nghị chính sách lớn và quan trọng mà Trung Quốc đã công khai, hướng đến cải cách nền quản trị toàn cầu. Trung Quốc còn thực hiện nhiều kế hoạch để tăng phạm vi giao dịch bằng nhân dân tệ, nhằm thúc đẩy tầm quan trọng toàn cầu của đồng tiền này.

Bồi đắp nhận thức mới

Mặc dù vai trò quốc tế mới của Trung Quốc đã làm dấy lên nhiều tranh cãi căng thẳng cả trong và ngoài nước về “mô hình Trung Quốc” hay “Đồng thuận Bắc Kinh”, không có dấu hiệu cho thấy mô hình quản trị mang tính điều tiết kiểu Trung Quốc đang nổi lên ở G20. Trung Quốc cố gắng duy trì vai trò truyền thống là “bên đưa ra đường lối phát triển”, nhưng vai trò này ngày càng khó dung hòa với tham vọng là một đối tác toàn cầu và là cường quốc mới nổi. Kết quả, Trung Quốc đã không hành xử trong vai trò là một “quốc gia kiêu hãnh”, với khả năng phải từ bỏ sự phát triển lớn hơn trong nước và hội nhập với kinh tế toàn cầu.
Thay vào đó, có thể quan sát được những thay đổi căn bản trong vị thế của Trung Quốc hướng đến nền quản trị toàn cầu, đặt trong mối quan hệ với chủ quyền quốc gia. Điều này có thể giúp hiểu rõ vấn đề thực tiễn về chênh lệch giữa kỳ vọng trong và ngoài nước và ngay cả những lo sợ về sự trỗi dậy của Trung Quốc cùng vai trò thực sự của nước này trong G20.

Tuy nhiên, khi tập trung vào vai trò lãnh đạo trong G20, Trung Quốc cũng bắt đầu trở thành một đối tác chủ động và có tính xây dựng hơn. Trung Quốc vì thế đang rời xa nhận thức cũ về vai trò là bên đứng ngoài đầy hoài nghi, đặt nặng vấn đề chủ quyền và ưu tiên phát triển trong nước. Và quốc gia này đã thực hiện thêm một bước cải cách đầy tham vọng nhằm gỡ bỏ một số hạn chế gây ra bởi các vấn đề trong nước đối với chính sách ngoại giao, như là sự chi phối của nhà nước trong hoạt động ngân hàng.

Cho đến nay, vẫn chưa có sự đồng thuận rõ ràng ở cấp quốc gia nào về vai trò mới của Trung Quốc trong nền quản trị tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, nhận thức mới về việc này đã tập hợp được động lực, dọn đường cho vị trí lãnh đạo toàn cầu trong tương lai có thể đi xa hơn.
 Kêu gọi ngăn Trung Quốc mua Sàn chứng khoán Chicago
 11 hạ nghị sỹ Hoa Kỳ thuộc cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ mới đây đã gửi một bức thư chung tới Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Hoa Kỳ (SEC) hối thúc ủy ban này ngăn chặn công ty Trung Quốc sở hữu Sàn giao dịch chứng khoán Chicago. Việc bán sàn chứng khoán nêu trên cho một nhóm nhà đầu tư, đứng đầu là Tập đoàn Trùng Khánh Casin Enterprise Group (CCEG). Các hạ nghị sĩ Hoa Kỳ nhấn mạnh chính phủ Trung Quốc chi phối mọi khu vực xã hội, thiếu minh bạch nghiêm trọng và luôn không tuân thủ các thỏa thuận quốc tế. Điều này tạo ra sự quan ngại đáng kể đối với khả năng giám sát và điều chỉnh đối với các chủ sở hữu của CCEG.
Trước đó, hồi tháng 2-2016, Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Hoa Kỳ (CFIUS) - cơ quan kiểm soát vốn đầu tư nước ngoài, có nhiệm vụ nghiên cứu các tác động của việc đầu tư tới các doanh nghiệp Hoa Kỳ trên cơ sở an ninh quốc gia - đã bật đèn xanh cho thỏa thuận trên. Sàn giao dịch chứng khoán Chicago được thành lập năm 1882, một trong những sàn chứng khoán lâu đời nhất ở Hoa Kỳ, hiện có 75 nhân viên và các hoạt động giao dịch tại đây chiếm khoảng 0,5% các giao dịch chứng khoán ở Hoa Kỳ, thị trường ước tính giá trị khoảng 22.000 tỷ USD.
Nguồn: Reuters.com

Các tin khác