Tỷ phú xưa và nay (kỳ 1): Vua dầu Rockefeller, tỷ phú đầu tiên

Tiền có thể là thứ bị nhiều người coi thường. Nhưng người có rất nhiều tiền - các tỷ phú USD - lại luôn được người ta coi trọng. Cách kiếm tiền của một vài tỷ phú có thể bị chỉ trích, nhưng họ vẫn được khâm phục vì... kiếm được rất nhiều tiền và được pháp luật công nhận. Có lẽ đó là lý do vì sao danh sách tỷ phú của Forbes luôn được cả thế giới dõi theo.

Tiền có thể là thứ bị nhiều người coi thường. Nhưng người có rất nhiều tiền - các tỷ phú USD - lại luôn được người ta coi trọng. Cách kiếm tiền của một vài tỷ phú có thể bị chỉ trích, nhưng họ vẫn được khâm phục vì... kiếm được rất nhiều tiền và được pháp luật công nhận. Có lẽ đó là lý do vì sao danh sách tỷ phú của Forbes luôn được cả thế giới dõi theo.

Khi còn trai trẻ, John Davison Rockefeller nói ông có 2 tham vọng lớn nhất là kiếm được 100.000USD và sống tới 100 tuổi. Ông chết khi còn 2 tháng nữa tròn 98 tuổi. Nhưng ông đã rất thành công với mục tiêu thứ nhất. Nếu điều chỉnh theo tỷ lệ trượt giá, tài sản của ông tương đương 392 tỷ USD, là người giàu nhất mọi thời đại.

Thiếu thời

Tỷ phú xưa và nay (kỳ 1): Vua dầu Rockefeller, tỷ phú đầu tiên ảnh 1

Rockefeller là con thứ 2 trong một gia đình 6 người con ở Richford, New York, Hoa Kỳ. Cha ông, William Avery Rockefeller, xuất thân là một người đốn gỗ, về sau chuyển sang buôn bán lặt vặt và tự gọi mình là “thầy lang”, chuyên bán các loại “tiên đơn diệu dược”.

Trong phần lớn cuộc đời, ông William được biết đến như người chuyên nghĩ cách để ngồi không móc tiền thiên hạ, hơn là người làm việc chăm chỉ, vì thế dân địa phương gọi ông là “Bill quỷ”.

May thay, mẹ Rockefeller, bà Eliza Davison lại là người siêng năng và giỏi tiết kiệm. Bà đã dạy con trai kiếm tiền từ công sức lao động như nuôi gà Tây, làm việc vặt cho hàng xóm...

Bà Eliza được cho đã có ảnh hưởng nhiều đến thói quen làm từ thiện của Rockefeller sau này. Tuy nhiên, chính sự giảo hoạt của người cha đã tác động nhiều đến bước đường làm ăn của nhà tỷ phú tương lai. Từ người cha, ngay thuở bé ông đã biết cách buôn bán, lúc đầu là bán khoai tây, kẹo, sau đó cho hàng xóm vay những món tiền nhỏ.

Trong cuốn Random Reminiscences of Men and Events (Những tản mạn về người và việc), Rockefeller cho biết luôn làm theo lời khuyên của bố “buôn đĩa sành để lấy đĩa sứ” và luôn đạt được phần tốt hơn trong mọi thỏa thuận. Còn cha ông từng khoe rằng: “Tôi lừa gạt các con bất kỳ khi nào có cơ hội. Tôi muốn chúng nhạy bén”.

Ngoài những tác động từ cha mẹ, Rockefeller thời niên thiếu được nhận xét là một cậu bé có hành vi đúng mực, nghiêm túc và ham học hỏi. Những người cùng thời mô tả ông là một người cẩn thận, nhiệt tình, ngăn nắp, có suy xét và mộ đạo. Ông rất giỏi tranh luận, cũng như có khả năng thể hiện bản thân tốt. Từ khi còn bé, ông đã nổi tiếng giỏi số học và tính toán chi tiết.

Khởi nghiệp

Năm 1853, khi gia đình chuyển đến Strongsville, ngoại ô Cleveland, Rockefeller theo học Trường Trung học Cleveland, sau đó học một khóa đào tạo về kế toán 10 tuần tại Trường Cao đẳng Thương mại Folsom. Tháng 9-1855, khi 16 tuổi, Rockefeller bắt đầu đi làm với vai trò trợ lý kế toán cho Công ty Hewitt & Tuttle.

Đây chính là khởi đầu quan trọng đối với ông. Tại công ty này, ông học cách tính toán chuyên sâu về chi phí vận chuyển, rất có ích cho sự nghiệp về sau. Trong 3 tháng đầu tiên ông được trả 50 cent/ngày. Dù vậy, ông vẫn góp 6% (sau đó là 10%) thu nhập để làm từ thiện.

Năm 1859, ở tuổi 20, Rockefeller bắt đầu lập doanh nghiệp riêng, với phần hùn của Maurice B. Clark (mỗi người góp vốn 2.000USD). Rockefeller chỉ có 1.000USD và phải vay phần còn lại từ chính bố ông với lãi suất “cắt cổ” 10%. Công ty Clark & Rockefeller ra đời và ngay lập tức đạt được thành công.

Rockefeller tiếp tục vay tiền mở rộng doanh nghiệp. Sự thành công của Clark & Rockefeller chính là tiền đề quan trọng để Rockefeller thâm nhập lĩnh vực dầu mỏ sau này - nơi ông được suy tôn là “vua”. Năm 1862, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng mọi cơ hội lẫn rủi ro, Rockefeller quyết định bước vào lĩnh vực dầu mỏ, bằng việc đầu tư vào nhà máy lọc dầu của nhà hóa học Samuel Andrews.

Công ty khai thác, kinh doanh dầu Andrews, Clark & Co ra đời. Tháng 2-1865, Andrews, Clark & Co làm ăn thua lỗ, Rockefeller quyết định mua lại cổ phần của 3 anh em nhà Clark với giá 72.500USD, thành lập Công ty Rockefeller & Andrews, một quyết định mà Rockefeller về sau gọi là “quyết định cả sự nghiệp của tôi”. Đó là thương vụ đầu tiên trong hàng loạt thương vụ thâu tóm lĩnh vực công nghiệp dầu mỏ Hoa Kỳ của Rockefeller để tạo ra “đế chế dầu mỏ” Standard Oil.

Đế chế Standard Oil

Rockefeller đã dành 40 năm cuối đời và gần hết tài sản của mình cho hoạt động từ thiện về giáo dục và sức khỏe cộng đồng. Tài sản còn lại của ông để lại cho nhà Rockefeller thông qua hệ thống các quỹ ủy thác, tiếp tục cấp ngân sách cho các hoạt động của gia đình trong suốt thế kỷ 20, từ các hoạt động từ thiện, thương mại và thậm chí là chính trị. Cháu nội ông, David Rockefeller là một nhà ngân hàng hàng đầu ở New York, làm CEO 20 năm tại Chase Manhattan (nay là một phần của JP Morgan Chase). Một người cháu khác, Nelson A. Rockefeller, là Thống đốc của New York và là Phó Tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ. Người cháu thứ 3, Winthrop Rockefeller, là Thống đốc bang Arkansas. Chít John D. "Jay" Rockefeller IV hiện là Nghị sĩ Dân chủ của bang Tây Virginia và là cựu Thống đốc của bang này. Một người chít khác, Winthrop Paul Rockefeller, hiện đang là Thống đốc tạm quyền 10 năm của Arkansas.

Khi nội chiến Hoa Kỳ kết thúc, Cleveland (Ohio) là một trong 5 thủ phủ ngành công nghiệp lọc dầu ở Hoa Kỳ, cùng với Pittsburgh, Philadelphia, New York và vùng Tây Bắc Pennsylvania.

Tháng 6-1870, Rockefeller thành lập Công ty Standard Oil. Lúc này những người trong ngành công nghiệp dầu đều nhìn thấy cơ hội và triển vọng tốt với mức lợi nhuận ngắn hạn cao, vì thế đã xảy ra sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành này. Rockerfeller cho rằng để tồn tại và phát triển, chỉ có một cách tiêu diệt đối thủ bằng mọi giá, không từ bất cứ thủ đoạn nào.

Chỉ trong vòng 4 tháng năm 1872, Rockefeller thâu tóm tới 22 trong tổng số 26 công ty lọc dầu tại Cleveland. Tốc độ thâu tóm các hãng đối thủ của Standard Oil “kinh hoàng” đến độ người ta gọi đó là cuộc “Thảm sát Cleveland” (Cleveland Massacre). Thừa thắng xông lên, Standard Oil nhanh chóng thâu tóm hầu hết công ty dầu tại các thủ phủ dầu mỏ khác.

Năm 1882, Rockefeller lập Standard Oil Trust - tập đoàn của các tập đoàn - đánh dấu sự khởi đầu một kỷ nguyên độc quyền công nghiệp thời hiện đại, khi không chỉ nắm các nhà máy lọc dầu mà còn cai quản cả hệ thống phân phối, tiếp thị…

Ở Hoa Kỳ, đế chế này nắm trong tay 20.000 giếng dầu, 6.437km ống dẫn dầu, 5.000 xe bồn và hơn 100.000 nhân công. Tập đoàn có lúc lọc hơn 90% lượng dầu trên thế giới. Rockefeller thực sự là một ông vua không ngai.

Lo ngại những ảnh hưởng của Rockefeller ngày càng lớn, nhưng mãi đến năm 1911, khi Rockefeller đã 72 tuổi, không trực tiếp điều hành tập đoàn và rút về hậu trường, Tòa án hiến pháp Hoa Kỳ mới ra được quyết định chia nhỏ Standard Oil Trust thành 38 công ty độc lập. Khi qua đời vào năm 1937, tài sản ròng của Rockefeller đạt 1,4 tỷ USD (tương đương 392 tỷ USD hiện nay), ước tính xấp xỉ 1,53% nền kinh tế Hoa Kỳ lúc bấy giờ.

-------

Kỳ 2: Vua thép Andrew Carnegie

Các tin khác