Trung Quốc vươn ra toàn cầu (K2): Sự trỗi dậy gây nghi ngại

(ĐTTCO) - Để đạt được mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế đất nước, Trung Quốc đã thúc đẩy công cuộc tìm kiếm các dự án đầu tư sinh lời và những thị trường mới tiềm năng trên toàn cầu thông qua các chính sách kinh tế đối ngoại. 
Các thể chế chính trị hỗ trợ cho các công ty tư nhân và công ty đa sở hữu lớn, công ty có vốn đầu tư nhà nước đang quốc tế hóa, như một hành động chính đáng của Trung Quốc giúp bù đắp các khiếm khuyết về tổ chức và bất lợi cạnh tranh, khi là những công ty đi sau thế giới khá xa trong nền kinh tế thị trường
Hà hơi tiếp sức
Các chính sách khác nhau của nhà nước có thể phân thành nhiều loại, bao gồm hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư nước ngoài, sử dụng quan hệ ngoại giao chính thức để thúc đẩy quan hệ kinh tế và đàm phán với chính phủ nước ngoài nhằm thiết lập các hiệp định đầu tư song phương.
Kết quả là, quan chức nhà nước rất quan tâm đến việc duy trì những mối liên kết gần gũi với các cơ sở sản xuất và thị trường: “Xu hướng này phản ánh một điều thú vị là hầu như mọi chuyến công du nước ngoài của các quan chức cấp cao Trung Quốc hiện nay đều bao gồm việc đi thăm các chi nhánh của Huawei tại nước ngoài” - nghiên cứu của Williamson và Zeng mô tả.
Các công ty Trung Quốc cũng có thể tận dụng những khoản hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp của nhà nước, bao gồm các khuyến khích tài khóa, bảo lãnh tài chính và tín dụng từ các quỹ đầu tư quốc gia hoặc ngân hàng nhà nước, để tiến hành các dự án khai thác nguyên liệu thô hay mua lại các công ty nước ngoài có hàm lượng công nghệ cao. Hội đồng Nhà nước Trung Quốc và một số bộ có thêm những cơ chế quản lý riêng tùy ý thực hiện để thúc đẩy quá trình quốc tế hóa.
Các công ty đầu tư ra nước ngoài cũng nhận được sự hỗ trợ thông qua các mạng lưới thông tin quốc tế (tập hợp dữ liệu toàn cầu, liên kết nghiên cứu) hay các cơ chế đảm bảo rủi ro (trợ giúp bảo hiểm, các thỏa thuận bảo hộ lẫn nhau). Chính sách tiền tệ cũng là một đặc trưng của chiến lược này.
Ngược lại với nhiều công ty đa quốc gia phương Tây, hầu hết các công ty Trung Quốc ít phụ thuộc vào thị trường vốn quốc tế hơn. Thay vào đó, họ dựa nhiều hơn vào các khoản cho vay từ ngân hàng nhà nước và các quỹ nội địa. Đặc biệt trong những năm bất ổn toàn cầu sau năm 2007-2008, nguồn vốn này cho phép các công ty tích lũy nguồn lực dự trữ.
Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Trung Quốc (EXIM) đảm nhiệm vai trò đặc biệt trong phương diện này bởi nó cung cấp các chương trình bảo hiểm, tín dụng và bảo lãnh cho các công ty Trung Quốc.
Thêm nữa, các công ty có thể nhận được những khoản tín dụng ưu đãi để đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là khi hoạt động trong các “lĩnh vực trọng yếu” như các dự án thăm dò tài nguyên, các trung tâm nghiên cứu và phát triển ở nước ngoài nhằm tận dụng công nghệ tiên tiến quốc tế hay các hoạt động mua bán sáp nhập có thể thúc đẩy tính cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp Trung Quốc.
Trung Quốc vươn ra toàn cầu (K2): Sự trỗi dậy gây nghi ngại ảnh 1 Công nhân Trung Quốc đang vận hành máy đào đường hầm ngầm ở một dự án đầu tư ở nước ngoài. 
Đôi khi, các doanh nghiệp lớn thậm chí còn gây áp lực lên chính phủ để tăng cường các chính sách ưu đãi cũng như các chính sách quản lý đã có. Ông Cát Tuấn Kiệt (Ge Junjie), Phó Chủ tịch Tập đoàn Bright Food, công ty thực phẩm lớn thứ hai của Trung Quốc, và là ủy viên Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc, yêu cầu sử dụng thêm dự trữ ngoại hối để hỗ trợ cho đầu tư ra nước ngoài và thiết lập nền dịch vụ công tốt hơn “để hướng dẫn chính sách đầu tư và chỉ dẫn xu hướng các ngành cũng như các biện pháp kiểm soát rủi ro”.
Kết quả được kỳ vọng của quá trình này là cải tiến nền kinh tế đồng thời ngăn chặn các công ty đa quốc gia của nước ngoài thâu tóm ngành công nghiệp trong nước. Trong những năm qua, chiến lược này phần lớn đã chứng tỏ là thành công.
Phân quyền và cạnh tranh
Nhằm đẩy mạnh mục tiêu phát triển quốc gia của Trung Quốc, các cấp quản lý nhà nước khác nhau đóng vai trò chủ động hơn những gì các nhà kinh tế theo chủ nghĩa tự do cho phép. Nếu xét theo cách thức mới, tương tự như con đường phát triển kinh tế quản lý bởi nhà nước của Nhật Bản hay Hàn Quốc, mục tiêu tạo ra các “nhà vô địch quốc gia” ngày càng gây ảnh hưởng xuyên quốc gia, đang được bảo vệ và hỗ trợ về mặt chính trị.
Tuy nhiên, phải nói thêm rằng các công ty Trung Quốc ít phụ thuộc vào sự kiểm soát tập trung ở Bắc Kinh hơn là các nhà bình luận truyền thông thường nghĩ. Điều này một lần nữa lại liên quan đến cơ cấu kinh tế trong nước của Trung Quốc. Khác xa nền kinh tế kế hoạch hóa, nền kinh tế chính trị của Trung Quốc là sự kết hợp giữa tập trung và phân hóa, đại diện cho hệ thống quản lý đa cấp được phân mảng, trong đó các chỉ thị chính sách trung ương thường không được áp dụng đồng bộ.
Do đó, khó có thể hiểu được nền kinh tế Trung Quốc nếu không đề cập đến sự phân mảng đa dạng dưới cấp độ trung ương cũng như vai trò của cạnh tranh giữa các công ty Trung Quốc, thậm chí giữa các doanh nghiệp nhà nước.
Liên quan đến hình thức không đồng nhất, không tập trung của chủ nghĩa tư bản mang mầu sắc Trung Quốc, được điều tiết bởi nhà nước, thông thường các nhà hoạch định chính sách không trực tiếp định hướng các doanh nghiệp lớn theo như bất kỳ kế hoạch tổng thể nào của trung ương.
Mặc dù chính quyền trung ương đã đưa ra “các hướng dẫn” chung để hỗ trợ OFDI với những hỗ trợ đầu tư thuận lợi cho các công ty tuân thủ những hướng dẫn này, vẫn còn một loạt công ty hoạt động ngoài khuôn khổ được hỗ trợ. Rất nhiều dự án cũng được giám sát ở cấp dưới, nơi chính quyền đia phương cạnh tranh với nhau về mặt kinh tế.
Quá trình ra quyết định chính sách kinh tế đối ngoại liên quan đến OFDI, do đó trở nên phức tạp hơn nhiều so với những gì người ta thường nghĩ. Điều này dẫn đến những xung đột, cạnh tranh bùng nổ không chỉ giữa các cơ quan trung ương chịu trách nhiệm về thương mại và chính sách đối ngoại, mà còn giữa chính quyền trung ương và địa phương.
Các công ty lớn của Trung Quốc thường xuyên cạnh tranh với nhau và sự đa dạng những lợi ích trong nền kinh tế Trung Quốc, có thể được chứng minh thông qua mối quan hệ giữa 2 ông lớn viễn thông Huawei và ZTE: Trong năm 2011, Huawei kiện ZTE ở Đức, Pháp và Hungary vì vi phạm bằng sáng chế cho thiết bị 4G LTE (một tiêu chuẩn cho liên lạc không dây) và công nghệ thẻ dữ liệu.
Huawei cũng cáo buộc ZTE sử dụng bất hợp pháp thương hiệu đã được đăng ký. ZTE từ chối lời buộc tội và tuyên bố rằng công ty “chắc chắn sẽ tiến hành các hành động pháp lý mạnh mẽ trong những tình huống như thế này để bảo vệ quyền lợi của mình và của khách hàng của công ty trên toàn cầu”.
ZTE cũng tiến hành các thủ tục pháp lý để kiểm tra hiệu lực các bằng sáng chế của Huawei ở nhiều quốc gia (bao gồm cả Trung Quốc). Năm 2013, tòa án Đức cấm việc kinh doanh các sản phẩm khác nhau của ZTE tại thị trường Đức. Theo ZTE, các hành động pháp lý của Huawei vượt quá việc kiện tụng thông thường.
3 công ty dầu khí quốc gia lớn nhất của Trung Quốc (Sinopec, Petrochina và CNOOC) là một thí dụ khác cho hiện tượng đối đầu, cạnh tranh nhau của các doanh nghiệp có vốn nhà nước nhưng theo đuổi lợi nhuận.
Một mặt, các công ty này nhận được sự hỗ trợ lớn từ các thể chế chính phủ khác nhau, bao gồm nguồn tài chính để đầu tư nước ngoài, điều khiến các CEO phương Tây luôn phải than phiền về sự cạnh tranh không công bằng. Tương tự như vậy, các dự án đầu tư nước ngoài của chính quyền Trung Quốc, như trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, thường liên quan đến các thỏa thuận chính trị trong lĩnh vực hàng hóa.
Một khoản cho vay 2 tỷ USD lãi suất thấp của Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc cho Angola có thể là lý do để Sinopec mà không phải là Shell và Công ty TNHH Dầu khí Tự nhiên của Ấn Độ nhận được cổ phần ở một trong những giếng dầu quan trọng nhất của Angola. Tuy nhiên, các công ty dầu khí Trung Quốc hiếm khi hợp tác với nhau, như trong dự án đường ống dẫn dầu PetroDar ở Sudan.
Trong nhiều trường hợp, 3 công ty này thích các đối tác quốc tế hơn. Mới đây, ở khu vực ngoài khơi Brazil, chính phủ Brazil đã buộc những công ty Trung Quốc kết hợp các gói thầu của họ với nhau.
Bóp méo cạnh tranh tự do
Quan điểm của các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc về việc khuyến khích OFDI là chiến lược phát triển kinh tế nhằm ưu tiên phát triển nền kinh tế nội địa. Lý do chủ yếu không phải là tạo ảnh hưởng lên nền kinh tế của những nước tiếp nhận đầu tư, mà là “tiến lên cao hơn trong chuỗi giá trị” và đẩy mạnh nâng cấp các ngành công nghiệp.
Mặc dù thành công, nhìn chung vẫn còn bị hạn chế khi so sánh một cách chi tiết hơn xu hướng quốc tế hóa được nhà nước hỗ trợ của Trung Quốc với trải nghiệm của những thị trường mới nổi khác. Điều này là do Trung Quốc không phải là một thực thể đồng nhất đang “mua toàn thế giới”, cũng không phải là quốc gia đang định hướng quá trình quốc tế hóa của các công ty trong nước theo bất kỳ kế hoạch toàn diện tổng thể nào. Thậm chí đối với các công ty nhà nước, quyền sở hữu chính phủ không phải lúc nào cũng là quyền kiểm soát.
Định nghĩa đúng hơn về các công ty này là doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước, không phải doanh nghiệp do nhà nước điều hành.
Những điều nói trên cho thấy hoạt động “vươn ra toàn cầu” của Trung Quốc chứa đầy căng thẳng. Một mặt, việc các công ty Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài và bắt đầu cạnh tranh trong cùng một lĩnh vực sản phẩm với các công ty đa quốc gia của phương Tây, hay các công ty từ những nền kinh tế mới nổi khác làm gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường thế giới vốn đã khó khăn với việc dư thừa công suất.
Mặt khác, bởi chính sách tiền tệ và kinh tế đối ngoại của Trung Quốc phản ánh các yếu tố của chủ nghĩa phát triển và được điều tiết bởi nhà nước, yếu tố của hình thức chủ nghĩa tư bản phi tự do, nên bị phương Tây xem xét với mối nghi ngờ lớn.
Tuy nhiên, điều này chỉ củng cố thêm sự cần thiết của một phân tích công bằng về sự trỗi dậy toàn cầu của các công ty Trung Quốc - vừa để tránh những thiếu sót trong việc mô tả OFDI của Trung Quốc chủ yếu do chính sách định hướng, vừa tránh sai lầm trong việc coi nhẹ rủi ro tranh chấp trong các lĩnh vực đầu tư.
 Quá trình quốc tế hóa theo kiểu Trung Quốc sẽ gia tăng trong những năm tới, từ đó thâm nhập vào thị trường của các công ty đa quốc gia hiện tại, điều này sẽ càng dẫn đến việc tái cấu trúc quan hệ cạnh tranh toàn cầu. Vấn đề này đã gây ra nhiều chỉ trích ở phương Tây (bao gồm cả Nhật Bản). Việc hỗ trợ và thúc đẩy OFDI của Trung Quốc thường bị phê phán là bóp méo cạnh trạnh tự do và đó là thách thức đối với chủ nghĩa tư bản tự do theo kiểu truyền thống Anglo-Saxon. Phê phán này được nhiều chính phủ ủng hộ. Những ý kiến phản đối cũng cho rằng các công ty Trung Quốc có cơ hội tiếp cận nguồn tài chính với chi phí thấp hơn cùng nhiều ưu đãi thuận lợi khác nên có thể đánh bại những công ty của các nước phương Tây bằng cách thức không công bằng. Các luận cứ này được sử dụng như lập luận trọng tâm khi quốc hội Hoa Kỳ phản đối thương vụ mua lại Unocal của CNOOC.

Các tin khác