Trung Quốc - Nguy cơ hạ cánh cứng (K2): Những yếu huyệt

(ĐTTCO) - Trong thời kỳ “phép lạ tăng trưởng”, mô hình kinh tế Trung Quốc dựa vào 3 yếu tố chính: lực lượng lao động trẻ, có kỹ năng; đầu tư hạ tầng và bắt chước công nghệ.
Cuối cùng là một sự kết hợp giữa trải thảm đầu tư nước ngoài, lao động giá rẻ và mô hình xuất khẩu học theo Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Tuy nhiên, cả 3 yếu tố đó hiện đều suy yếu.
Những trụ cột mối mọt

Lực lượng lao động đang giảm dần với tỷ lệ dân số tham gia lao động giảm từ trên 77% năm 2010 xuống 72,4% năm 2015. Dân số trong độ tuổi lao động (15-59 tuổi) đã đạt đỉnh năm 2011 và đã sụt giảm 20 triệu người trong vòng 5 năm qua. Dự báo tốc độ sụt giảm này sẽ ngày càng nhanh, gây sức ép lên tiền lương và hệ thống hưu trí, y tế. Tương tự, động lực theo đuổi công nghệ và đầu tư cơ sở hạ tầng cũng đang tan rã.
Từ năm 2000-2010, tăng trưởng năng suất của Trung Quốc chiếm khoảng 40% tăng trưởng kinh tế của đất nước, nhưng đã giảm còn 30% trong thập niên này. Khi áp lực về tiền lương ở Trung Quốc tiếp tục tăng, các công ty nước ngoài có xu hướng chuyển nhà máy đến các nước có lao động rẻ hơn như Việt Nam hoặc Bangladesh. Hậu quả là mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc cũng sẽ chịu áp lực.

 Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã nhận ra những hạn chế của “mô hình Đông Á” truyền thống và đang triển khai những kế hoạch hướng tới tăng trưởng bền vững hơn. Chẳng hạn, hiện chính phủ đang khuyến khích người dân rút bớt tiền tiết kiệm (khoảng 5.000 tỷ USD/năm) để đầu tư ra nước ngoài, thông qua các dự án hạ tầng trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (OBOR) - còn gọi là “Con đường Tơ lụa mới”.

Để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã đưa ra mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm trong 10 ngành công nghiệp chiến lược: công nghệ thông tin, robotics, hàng không, thiết bị hàng hải, thiết bị vận tải đường sắt hiện đại, xe năng lượng sạch, thiết bị điện, thiết bị nông nghiệp, vật liệu mới, dược phẩm và các sản phẩm y tế khác - trong khi sử dụng phân tích dữ liệu để kiểm soát từng bước trong quy trình sản xuất.

Quá phụ thuộc dầu mỏ

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, đến nay kinh tế Trung Quốc vẫn tồn tại nhiều điểm yếu chết người. Đó là quá phụ thuộc vào dầu mỏ Trung Đông. Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới (8,5 triệu thùng/ngày, tương đương hơn 60% nhu cầu tiêu thụ). Phụ thuộc vào dầu mỏ Trung Đông dẫn đến phụ thuộc vào tình hình an ninh khu vực này, trong khi nơi đây thường xuyên chìm trong chiến tranh loạn lạc.
Song song đó, Trung Quốc cần có đường hàng hải an toàn để vận chuyển dầu từ Trung Đông về. Và điều này được phó thác vào tay Hoa Kỳ, một thế lực cạnh tranh của Trung Quốc. Nếu quân đội Hoa Kỳ “buông” vịnh Ba Tư, khi nước này sản xuất dầu đá phiến trong nước ngày càng nhiều, thị trường dầu mỏ thế giới có thể bị cách ly với hàng triệu thùng dầu mỗi ngày. Khi đó, Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề do là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất, và cũng là nước vận chuyển dầu xa nhất từ Trung Đông bằng đường biển (khoảng 7.000 dặm).

Để khắc phục điểm yếu này, Hải quân Trung Quốc phải mạnh lên để có thể “bảo kê” được tuyến hàng hải này, điều không thể xảy ra trước năm 2049, theo các nhà phân tích. Một giải pháp thay thế khác là Trung Quốc phải đẩy mạnh việc khai thác dầu trong nước, đặc biệt tài nguyên đá phiến của mình.
Tuy nhiên, vì lý do địa chất và hạn chế về nước, sản xuất dầu đá phiến của Trung Quốc vẫn đang nằm trong kế hoạch. Trong khi đó nước này dự kiến nhập khẩu gần 75% nhu cầu dầu của mình vào năm 2030, nên bất kỳ sự gián đoạn nào trong việc cung cấp dầu mỏ cũng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nước đông dân nhất thế giới này.
Trung Quốc - Nguy cơ hạ cánh cứng (K2): Những yếu huyệt ảnh 1 Kinh tế Trung Quốc đứng trước tương lai mờ mịt. 
Ô nhiễm nghiêm trọng
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí ngoài trời là nguyên nhân quan trọng trực tiếp gây ung thư phổi, chỉ sau hút thuốc lá. Vào năm 2015, đã có hơn 700.000 ca ung thư phổi mới ở Trung Quốc.
Hơn nữa, ước tính ô nhiễm không khí ngoài trời đã góp phần gây 1,2 triệu ca tử vong sớm ở Trung Quốc mỗi năm. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng năm lớn thứ tư ở Trung Quốc, sau các vấn đề về chế độ ăn, huyết áp cao và hút thuốc lá. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã nhận thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề ô nhiễm và đưa ra nhiều giải pháp.
Chẳng hạn, nước này thông qua "Kế hoạch hành động ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí" vào năm 2013, theo đó cam kết giảm mức tiêu thụ than từ 67% trong năm 2012 xuống còn 65% vào năm nay. Hàng ngàn nhà máy gây ô nhiễm cao sau đó đã bị đóng cửa. 74 thành phố được theo dõi để đánh giá hiệu quả của kế hoạch hành động, cho thấy giảm 14,1% trong nồng độ PM2.5 vào năm 2015 từ năm 2014; tại Bắc Kinh ghi nhận 42 ngày số ngày gây ô nhiễm cao nhất, giảm xuống từ 45 vào năm 2014.

Tuy nhiên, ô nhiễm không khí ở Trung Quốc vẫn ở mức nguy hiểm cao. Theo Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc, chất lượng không khí ở 265/338 thành phố lớn đã vượt mức chuẩn y tế quốc gia năm ngoái.
Thực tế, cùng với việc tăng trưởng kinh tế hồi phục trong quý I năm nay, chất lượng không khí của Trung Quốc đã xấu đi đáng kể. Điều này làm nảy sinh những lo ngại nghiêm trọng về việc liệu những nỗ lực hạn chế ô nhiễm không khí và các loại ô nhiễm khác của Bắc Kinh có hiệu quả. Với tình trạng ô nhiễm cao ở Trung Quốc, tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi theo đó cũng tăng lên, cùng với chi phí điều trị ung thư phổi tăng nhanh. 

Tín dụng ngầm cực lớn

Một rủi ro tiềm ẩn được Moody’s nhắc đến khi hạ bậc tín nhiệm của Trung Quốc đến từ tín dụng ngầm. Theo Financial Times (FT), hiện ước tính hệ thống ngân hàng ngầm của Trung Quốc lên tới 64.500 tỷ NDT (9.400 tỷ USD). Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã nhận thấy mối nguy từ hệ thống tín dụng ngầm và đã có nhiều biện pháp kiểm soát, tuy nhiên vẫn chưa có hiệu quả, thậm chí gây tác động tiêu cực.

Thí dụ, hồi tháng 4 Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc (CBRC) tuyên bố điều chỉnh cái gọi là "các khoản đầu tư ủy thác", nơi các ngân hàng thu tiền của khách hàng vào các quỹ phòng hộ và quỹ tương hỗ sau khi hứa hẹn cho họ lợi tức đầu tư tương đối cao.
Dòng vốn tích lũy vào các sản phẩm này ước tính 1.700 tỷ USD. Đáp lại động thái này, người dân đổ xô rút tiền, khiến chứng khoán Thượng Hải giảm hơn 4% trong vòng 10 ngày, tương đương 300 tỷ USD bị bốc hơi.
Theo Moody's, ngân hàng ngầm đã tăng khoảng 20% trong năm 2016 lên tới 64.500 tỷ NDT. Ngoài ra, quý I-2017 cũng chứng kiến sự hồi phục của các khoản tín dụng ủy thác và sản phẩm tín thác, 2 công cụ trụ cột được sử dụng trong ngân hàng ngầm. 

Các tin khác