Trung Quốc mộng-Siêu cường thế giới (K2) Cuộc chuyển đổi không dễ dàng

(ĐTTCO) - Ngày 25-10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khóa 19 đã tiến hành phiên họp đầu tiên, bầu ông Tập Cận Bình tiếp tục giữ chức Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương. 

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, với trách nhiệm nặng nề trước sứ mệnh lịch sử mới của dân tộc, ông Tập Cận Bình phát biểu: Chúng tôi sẽ mẫn cán làm việc để đáp ứng nhiệm vụ, hoàn thành sứ mệnh được giao và xứng đáng lòng tin của các đảng viên. Trung Quốc sẽ nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hành động với tầm nhìn phát triển mới, mang lại lợi ích cho nhân dân.

Hãm đà tăng trưởng nóng,cải thiện môi trường
Tham vọng biến Trung Quốc trở thành một siêu cường hàng đầu thế giới vào năm 2050 xuất phát từ thành quả kinh tế-xã hội-quân sự mà nước này đạt được trong 5 năm nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập Cận Bình. Theo CNN, trong quá trình cải cách kinh tế vừa qua, 40 triệu việc làm trong khu vực nhà nước đã bị cắt giảm. Với mục tiêu xóa bỏ các “công ty ma” - khu vực doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, nhưng vẫn giữ nguyên số nhân sự để hưởng lương. Thực hiện mạnh việc này, thời gian tới sẽ tiếp tục cắt giảm thêm 5 triệu việc làm nữa. Với việc cải tổ bộ máy nhưng vẫn bảo đảm tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đã đưa thu nhập bình quân đầu người từ 5.060USD (năm 2011) lên 8.260USD (2016).
Học thuyết mới tư tưởng Tập Cận Bình về kinh tế nêu một số điểm mấu chốt: (i) Sáng tạo, đoàn kết, phát triển xanh và đem lại lợi ích cho tất cả mọi người. (ii) Phát triển một cách có chất lượng hơn, hiệu quả hơn, công bằng hơn và bền vững hơn. (iii) Trao quyền nhiều hơn cho các lực đẩy của thị trường trong quá trình phân bổ nguồn lực, Chính phủ phải đóng vai trò tốt hơn. Với nội hàm này có thể thấy đây là dấu hiệu cấp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc muốn nền kinh tế bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị và tạo ra môi trường  sạch hơn. Do vậy, có thể Trung Quốc sẽ hạ mục tiêu tăng trưởng từ 6,7% năm nay xuống khoảng 6-6,5% trong năm tới để tái cơ cấu nền kinh tế, từ bỏ mục tiêu tăng trưởng cao bằng mọi giá và trả giá bằng ô nhiễm.
Những điểm mới trong chủ trương cải cách nêu trên còn xuất phát từ các điểm yếu nội tại. Nền kinh tế bùng nổ trong nhiều thập niên qua đã giúp Trung Quốc chống chọi, vượt qua nhiều biến động của thế giới, nay phải trả giá không nhỏ. Trung Quốc đã ồ ạt bơm tiền cứu các doanh nghiệp, xây dựng các đại dự án cơ sở hạ tầng và bất động sản trong thời kỳ khủng hoảng tài chính từ năm 2007. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế và thu hồi vốn là vấn đề đáng lo. Mới đây Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo “núi nợ” của Trung Quốc đang trong tình trạng nguy hiểm; có thể tăng từ mức 235% GDP (năm 2016) lên 290% (2022) và cho rằng cần tiến hành những cải cách triệt để để hóa giải mối nguy này.
“Mâu thuẫn chủ yếu của xã hội chúng ta hiện nay đã chuyển sang mâu thuẫn giữa nhu cầu cuộc sống tốt đẹp ngày càng tăng của nhân dân và sự phát triển không cân bằng, không đầy đủ. Chúng ta cần phát triển một nền kinh tế mở với những tiêu chuẩn cao hơn” - ông Tập Cận Bình phát biểu. Một vấn nạn lớn của phát triển kinh tế nóng là hệ lụy môi trường. Tình trạng ô nhiễm ở Bắc Kinh và các thành phố lớn khác đã lên mức báo động, làm người dân bức xúc và “chùn chân” du khách nước ngoài. Chỉ riêng từ năm 2010-2015, lượng phát thải khí CO2 bình quân đầu người từ các nhà máy sản xuất công nghiệp, nhiệt điện than và xe cộ ở Trung Quốc đã tăng từ 6,7 tấn lên 7,54 tấn; trở thành một trong những nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới!

Những bước tiến mới
Để tồn tại và bảo vệ cuộc sống chính mình buộc Trung Quốc phải hành động. Điều này được thể hiện qua các khoản đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo. Đến nay lượng năng lượng thu được từ điện gió và mặt trời đã tăng từ 64 gigawatt (năm 2011) lên 287 gigawatt, vượt xa Hoa Kỳ 123 gigawatt. Tuy nhiên kết quả vẫn chưa tương xứng, thành phố Bắc Kinh vẫn đắm chìm trong sương mù và ô nhiễm không khí. Các chuyên gia quốc tế thì nhận định giải pháp loại trừ ô nhiễm của Trung Quốc không thực chất, vì nước này “đang cố gắng, thúc đẩy việc chuyển phát thải khí ô nhiễm từ các dự án, nhà máy sử dụng than đá và các nguồn năng lượng bẩn khác từ nước mình sang nhiều nước khác bằng việc bán nhà máy, công nghệ lỗi thời”.
Tiến trình cổ phần hóa được thúc đẩy mạnh mẽ, dù vậy, đến nay quy mô doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc vẫn còn rất lớn, bộ máy cồng kềnh, hiệu quả thấp, là vấn đề nan giải trước sức ép cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và việc xây dựng nền kinh tế “sáng tạo, phát triển xanh và hiệu quả hơn”. Tuy nhiên, sẽ là không công bằng và khách quan nếu cho rằng nền kinh tế nước này toàn màu xám.
Để thích ứng với tiến bộ của thế giới, Trung Quốc đã có những bước đi mạnh mẽ. Để giảm phát thải ô nhiễm môi trường, Bắc Kinh đã xem xét, đưa ra lộ trình cấm sản xuất và kinh doanh các loại xe hơi sử dụng nhiên liệu truyền thống. Theo đó, Trung Quốc sẽ sản xuất 2 triệu xe điện vào năm 2020 và 7 triệu xe vào năm 2025. Đến năm 2030, toàn bộ xe ô tô tại Trung Quốc đều là xe điện. Hiện nay Tập đoàn BYD đang là nhà sản xuất xe điện hàng đầu của Trung Quốc.
Trung Quốc có cách đi riêng của mình để đổi mới công nghệ. Từ xe hơi, tàu cao tốc đến tuabin gió, Trung Quốc từ lâu đã buộc các công ty Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… khi đầu tư vào nước này phải chuyển giao công nghệ sản xuất để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường. Sau đó các công ty nội địa sử dụng chính công nghệ này cùng sự hỗ trợ của chính phủ để cạnh tranh ngược lại các đối thủ nước ngoài. Bằng cung cách này và việc phát triển mạnh các trung tâm nghiên cứu, thiết kế hiện đại, Trung Quốc đề ra lộ trình đến năm 2025 trở thành quốc gia chiếm ưu thế về công nghệ tương lai mới, như trí thông minh nhân tạo (AI), robot…
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Trung Quốc cũng có những tiến bộ vượt bậc. Tại thời điểm diễn ra Đại hội 19 ĐCSTQ, Bắc Kinh đã công bố những thành tựu về sáng tạo khoa học-công nghệ trong lĩnh vực này. Theo đó, mức độ cơ giới hóa trong gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch các loại cây trồng ở nước này đã vượt quá 65%, tiến triển vượt bậc so với mục tiêu cách đây 5 năm. Tính đến năm 2016, tỷ lệ giống tốt đối với các cây trồng nông nghiệp chủ chốt đã đạt trên 96%.
Đại hội 19 được xem là đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện, phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Vì vậy, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng trở thành cuộc đua trong việc ứng dụng AI.
Tại một Diễn đàn khoa học diễn ra tại Hàn Châu mới đây, ông Wang Lei, CEO của Alibaba Health, đã giới thiệu dự án thiết lập một nền tảng trực tuyến công cộng để hỗ trợ chẩn đoán thông minh, cũng như đưa ra các quyết định lâm sàng dựa trên bệnh án điện tử. Nền tảng dự án sẽ áp dụng công nghệ blockchain (tương tự như Bitcoin) để đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu một cách an toàn giữa các bệnh viện. “Công nghệ AI có thể giúp giải quyết sự mất cân bằng và cải thiện việc sàng lọc các bệnh có nguy cơ cao. Với những tiến bộ nhanh chóng của điện toán đám mây, chăm sóc sức khỏe sẽ trở thành một ngành công nghiệp hiện đại” - ông Wang Weilin, Giám đốc Bệnh viện trường Đại học Chiết Giang, nói.
Trung Quốc mộng-Siêu cường thế giới (K2) Cuộc chuyển đổi không dễ dàng ảnh 1 Một mẫu ô tô chạy điện mới triển lãm tại Hội chợ Thượng Hải của BYD, nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất Trung Quốc. 
Đối mặt nhiều “điểm nghẽn”
Vừa là nước xuất khẩu lớn nhất, vừa là thị trường tiêu dùng lớn nhất, bất kỳ động thái kinh tế nào của Trung Quốc cũng có thể tác động mạnh mẽ đến giá cả, thị trường thế giới. Việc nước này chuyển hướng từ tăng trưởng dựa vào đầu tư và sản xuất sang ngành dịch vụ và sản phẩm công nghệ cao đã làm thay đổi bức tranh tiêu dùng và giá trị chuỗi sản xuất. Là nền kinh tế trỗi dậy mạnh mẽ, chiếm vị trí thứ 2 thế giới, tuy nhiên điều khác biệt các nước phương Tây là mức độ phát triển thị trường tài chính của nước này vẫn chưa tương xứng.
Trung Quốc chiếm tới 1/7 GDP toàn cầu nhưng tỷ trọng sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu nước này chưa đến 2%, là rất đáng ngạc nhiên. Nếu không mở rộng hơn thị trường tài chính Trung Quốc thì ảnh hưởng trên tầm quốc tế vẫn hạn hẹp, khó thực hiện mục tiêu tự do hóa việc chuyển đổi nhân dân tệ (NDT), tạo sự tin cậy về đồng tiền mạnh để phần còn lại của thế giới đầu tư hoặc sử dụng rộng rãi trong các giao dịch thương mại quốc tế.
Trung Quốc chủ trương xây dựng nền kinh tế “chất lượng hơn, hiệu quả hơn, công bằng hơn và bền vững hơn” nhưng dấu ấn quản lý nhà nước vẫn còn nặng nề. Các ngân hàng thương mại và các ngân hàng chính sách vẫn thực hiện cấp tín dụng cho các dự án đầu tư theo sự chỉ định của chính phủ. Điều đáng nói là hiệu quả các dự án này lại không cao, làm gia tăng nợ xấu.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp hoạt động tốt, có dự án kinh doanh hiệu quả lại khó tiếp cận các nguồn vốn sản xuất kinh doanh. Thế bế tắc là thu nhập của người dân ngày càng tăng, có nhu cầu tìm kiếm các cơ hội đầu tư, nên hoặc buộc phải chấp nhận gửi tiết kiệm vào các ngân hàng nội địa với lãi suất thấp, hoặc tìm mọi cách đổ tiền ra nước ngoài để đầu tư, mua nhà, lập trang trại… Xu hướng chảy máu tiền tệ không hề thuyên giảm.
Trung Quốc đã đạt được những thành tựu to lớn trên con đường chấn hưng đất nước, nhưng để trở thành siêu cường thế giới, thực hiện thành công “sứ mệnh lịch sử của ĐCSTQ trong thời đại mới” thì đích đến còn xa. Để thực hiện được mục tiêu này, trước mắt Trung Quốc phải hóa giải nhiều điểm nghẽn mới: Làn sóng bùng phát xây dựng bất động sản đã hình thành các khu đô thị hoang hóa; tình trạng sản xuất công nghiệp dư thừa, quá sức tiêu thụ và xuất khẩu; vốn đầu tư của nước ngoài chậm lại; dòng vốn Trung Quốc của người dân và doanh nghiệp đổ ra nước ngoài ngày càng mãnh liệt hơn.
 Giao dịch dầu mỏ bằng NDT
Trung Quốc vừa đưa ra chiến lược mới về thương mại quốc tế, là một loại dầu thô tiêu chuẩn không niêm yết bằng USD, mà bằng NDT, thách thức vị thế đồng bạc xanh trong thanh toán quốc tế và hạn chế rủi ro liên quan đến tỷ giá USD. Kế hoạch này thực hiện bằng việc định giá dầu bằng NDT thông qua một hợp đồng tương lai, được bảo đảm bằng vàng tại Sàn chứng khoán Thượng Hải.
Dầu thô được niêm yết bằng USD suốt 4 thập niên qua và thế giới đã quen thuộc giao dịch này. Tham vọng của Trung Quốc có khả năng gặp nhiều rào cản vì NDT chưa phổ biến chuyển đổi hoàn toàn, tỷ giá lại được ấn định mỗi ngày, có thể bị chính phủ can thiệp hoặc tác động làm lợi cho các công ty Trung Quốc.
Nguyên tắc giao dịch thương mại quốc tế và trên thị trường dầu mỏ toàn cầu là phải bảo đảm không tổ chức nào hoặc quốc gia nào có lợi thế thống trị. Bắc Kinh đang đối mặt với nhiều nghi ngại do nhiều nước cho rằng chính phủ kiểm soát nền kinh tế quá lớn, nên khó khả thi, khó có thể cạnh tranh với các tiêu chuẩn phổ biến hiện tại của dầu Brent hay WTI hiện nay, được niêm yết bằng USD.

Các tin khác