HVG chinh phục mốc 1 tỷ USD?

(ĐTTCO) - 2015 được xem là năm thất bại của CTCP Tập đoàn Hùng Vương (HVG) khi doanh thu và lợi nhuận bất ngờ sụt giảm và không hoàn thành được kế hoạch. Tại ĐHCĐ thường niên 2016, nhiều chiến lược mới được lãnh đạo HVG đặt ra nhằm chinh phục mục tiêu vượt mốc doanh thu 1 tỷ USD.

(ĐTTCO) - 2015 được xem là năm thất bại của CTCP Tập đoàn Hùng Vương (HVG) khi doanh thu và lợi nhuận bất ngờ sụt giảm và không hoàn thành được kế hoạch. Tại ĐHCĐ thường niên 2016, nhiều chiến lược mới được lãnh đạo HVG đặt ra nhằm chinh phục mục tiêu vượt mốc doanh thu 1 tỷ USD.

Vỡ mộng tỷ USD

Theo số liệu công bố tại ĐHCĐ thường niên năm 2016 của HVG (tổ chức ngày 29-1), năm tài chính 2015 (1-1 đến 30-9-2015) cả doanh thu và lợi nhuận đều không hoàn thành kế hoạch. Cụ thể, HVG ghi nhận doanh thu thuần đạt 12.337 tỷ đồng (hoàn thành 88% kế hoạch), lợi nhuận trước thuế đạt 151 tỷ đồng (chỉ hoàn thành 27% kế hoạch). Nguyên nhân do chi phí lãi vay và khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá khá cao trong niên độ tài chính 2015. Lợi nhuận sụt giảm cũng chính là nguyên nhân kéo giá HVG giảm sâu trong năm này và những ngày đầu tiên của năm 2016. Theo thống kê, giá HVG thời điểm đầu năm 2015 hơn 26.000 đồng/CP, nhưng đến cuối năm chỉ còn 13.200 đồng (giảm 50%), và tiếp tục xuống chỉ còn 10.300 đồng ở phiên giao dịch cuối tuần trước.

Do nhu cầu đầu tư khá lớn trong năm 2015 và 2016, HVG đã thay đổi chính sách chi trả cổ tức niên độ tài chính 2015 từ tỷ lệ 20% trên mệnh giá bằng tiền mặt sang tỷ lệ 20% bằng CP.

Kể từ năm 2015, niên độ tài chính của HVG sẽ kết thúc ngày 30-9, niên độ tài chính các năm tiếp theo sẽ bắt đầu vào ngày 1-10 và kết thúc vào ngày 30-9 năm kế tiếp. Tuy nhiên, nếu lấy con số tròn năm (1-1 đến 31-12-2015), doanh thu của HVG cũng chỉ ước đạt hơn 17.000 tỷ đồng. Đây là con số quá thấp so với mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD (tương đương 20.000 tỷ đồng) HĐQT đã tự tin đề ra cho năm 2015. Điều đáng nói, để đạt được mức doanh thu như hiện tại cũng là sự may mắn của HVG, bởi có sự đóng góp của 2 doanh nghiệp HVG thâu tóm trước đó là CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF) và CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC).

  Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá trị xuất khẩu 9 tháng toàn ngành giảm 9%, trong đó thị trường Hoa Kỳ và châu Âu giảm lần lượt 3% và 16%. Bối cảnh chung này đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng từ hoạt động xuất khẩu cá tra của HVG. Thực tế, cơ cấu thị trường của HVG đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ, đặc biệt ở khu vực châu Âu. Năm 2013, thị trường này chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 18,7 triệu USD (chiếm 9% trong tổng kim ngạch 2013); sang năm 2014 tăng gấp 3 lần, chiếm tỷ trọng 26%, lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của HVG. Dù vậy, việc suy giảm của thị trường châu Âu đã khiến kim ngạch xuất khẩu của HVG những tháng đầu năm 2015 bị ảnh hưởng đáng kể.

Đa dạng sản phẩm, mở rộng thị trường

ĐHCĐ thường niên năm 2016 đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh niên độ tài chính năm 2016 (từ 1-10-2015 đến 30-9-2016). Theo đó, HVG đặt kế hoạch doanh thu thuần 24.000 tỷ đồng, với tổng giá trị xuất khẩu 500-600 triệu USD; trong đó xuất khẩu cá tra 200-250 triệu USD, xuất khẩu tôm 300-350 triệu USD. Sản lượng thức ăn chăn nuôi dự kiến đạt 1,5 triệu tấn trong niên độ tài chính năm 2016 và 2,5 triệu tấn niên độ tài chính năm 2017. Bên cạnh đó, HVG đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cho niên độ tài chính 2016 là 500 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, HVG tiếp tục khẳng định cá tra vẫn là sản phẩm thủy sản chính. Trong đó, châu Âu tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của HVG (chiếm 34%), theo sau là châu Á (19,6%) và châu Mỹ (20,9%).

Bên cạnh cá tra, HVG sẽ chế biến thêm cá Minh Thái Alaska được nhập khẩu từ đối tác ở Nga để xuất khẩu sang châu Âu. Điều này sẽ giúp HVG đa dạng hóa sản phẩm cá và nâng cao doanh thu từ mảng kinh doanh này. Trước lo ngại của cổ đông về Luật Nông trại mới được Hoa Kỳ áp dụng sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của HVG, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HVG, cho rằng luật mới này sẽ không ảnh hưởng tới công ty, vì HVG đã đáp ứng được các tiêu chuẩn gắt gao nhất trên thế giới như Global Gap, HACCEP và ASC.

Năm 2016, HVG sẽ tập trung nhiều vào mảng thức ăn chăn nuôi. Đây là nhân tố chính trong chuỗi quy trình chăn nuôi khép kín của HVG, giúp giảm chi phí sản xuất cho công ty. Trong năm 2015, HVG đầu tư 600 tỷ đồng vào công ty con là CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF) để xây dựng 2 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản tại tỉnh Đồng Tháp, nâng tổng công suất sản phẩm này của VTF lên 1,5 triệu tấn mỗi năm. Dự kiến cuối năm 2016, công suất thức ăn thủy sản của VTF sẽ đạt 2 triệu tấn/năm, đưa VTF trở thành công ty sản xuất thức ăn thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau CTCP Chăn nuôi CP Việt Nam (CP Việt Nam). Năm 2017, tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi của VTF dự kiến đạt 2,5 triệu tấn, nhờ vào mảng thức ăn gia súc mới của công ty.

Kho vận cũng là mảng quan trọng trong chuỗi quy trình khép kín của HVG. Nhu cầu kho bãi tại Việt Nam dự đoán khá cao trong những năm tới nhờ vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký, góp phần làm giá trị xuất-nhập khẩu tăng trung bình 10% mỗi năm. HVG sở hữu nhiều kho hàng hiện đại tại Việt Nam cùng với 3 kho hàng có công nghệ cao vừa mới xây trong năm 2015, đã giúp chi phí sản xuất giảm 500 đồng/kg. Ngoài ra, HVG cũng đang đầu tư vào mảng chăn nuôi heo. Sản lượng tiêu thụ heo tại Việt Nam khá thấp trong khi thị trường tiêu thụ heo tại Việt Nam được chi phối bởi CP Việt Nam do nhu cầu vượt quá cung. Vì vậy, tiềm năng mảng kinh doanh này còn khá lớn. 2 nông trại đầu tiên của HVG sẽ được đặt tại tỉnh An Giang và Bình Định, khá thuận lợi cho HVG để sản xuất và cung ứng sản phẩm đi các tỉnh miền Trung và miền Nam. Tổng đàn lợn của HVG dự kiến ở mức 100.000 con vào năm 2018 và nguồn giống chủ yếu từ Đan Mạch.

Thâu tóm doanh nghiệp ngoại

Chiến lược thâu tóm doanh nghiệp vẫn tiếp tục được duy trì trong năm 2016. HVG dự định sẽ chi 15 triệu USD để thâu tóm 51% cổ phần của Công ty Russia Fish (RF JSC). Theo ông Ngọc Minh, RF JSC là công ty phân phối cá với 5% thị phần tiêu thụ cá. Trong năm 2015, RF JSC đã tiêu thụ 108.000 tấn cá các loại với tổng doanh thu ước tính đạt 15,9 tỷ rúp (200 triệu USD). Lợi nhuận sau thuế của công ty này năm 2015 ước đạt 1,2 tỷ rúp (15 triệu USD). Sản phẩm chính của RF JSC bao gồm các loài cá từ Viễn Đông, cá Pelagic, cá hồi và các loài cá từ châu Á. Thương vụ mua lại RF JSC được kỳ vọng sẽ giúp HVG dễ dàng thâm nhập thị trường tiêu thụ Nga hơn trong tương lai. Những tín hiệu lạc quan này đã tạo nên sự phấn khích cho cổ đông và góp phần giúp VHG tăng trần trong phiên giao dịch ngày 29-1.

Các tin khác