Tội lỗi ngân hàng Phố Wall (kỳ 1)

Ngân hàng không cho vay

 Ngân hàng không cho vay

Cho đến nay, nhiều chuyên gia đồng ý rằng hoạt động đầu cơ và sự vô trách nhiệm của các nhà ngân hàng Phố Wall là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua. Không chỉ vậy, các ngân hàng lớn còn bị chỉ trích liên quan đến các hoạt động tội phạm như lừa đảo, rửa tiền và thậm chí tiếp tay cho mafia và khủng bố.

Chức năng chính của ngân hàng là cho vay để bơm tiền vào nền kinh tế, giúp doanh nghiệp sản xuất, người tiêu dùng mua hàng... Tuy nhiên, điều nghịch lý là đa số các ngân hàng lớn ở Phố Wall hiện nay bỏ chính theo phụ, không chú trọng hoạt động cho vay mà lao vào những hoạt động hứa hẹn lợi nhuận cao nhưng nhiều rủi ro hơn.

10% và 77%

Theo tờ Washington Post, từ năm 1999 các ngân hàng lớn bắt đầu sao nhãng dần hoạt động truyền thống của ngành ngân hàng là huy động tiền gửi và cho vay. Trái lại, họ kiếm tiền chủ yếu bằng việc mua bán tài sản, chứng khoán, hàng hóa phái sinh và nhiều hoạt động rủi ro cao khác.

Từ sau khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ năm 2007-2008, các ngân hàng lớn lại càng cắt giảm hoạt động cho vay đối với người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ, vì bản thân các ngân hàng này đã mắc kẹt hàng nghìn tỷ USD trong các khoản đầu tư và nợ phái sinh.

Đơn cử, Bank of America, ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ, chỉ có 83 tỷ USD huy động từ các tài khoản tiền gửi, so với từ 1.300-1.500 tỷ USD tổng tài sản. Nói cách khác, chưa tới 10% tổng tài sản của ngân hàng này được huy động theo chức năng truyền thống của ngành ngân hàng.

Theo hãng tin tài chính Bloomberg, dựa trên những nghiên cứu của hãng và số liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ngân hàng JPMorgan nhận khoảng 14 tỷ USD trợ cấp từ chính phủ mỗi năm. Số tiền này giúp đại gia ngân hàng này dư dả để chi lương thưởng một cách mạnh tay.

USA Today cho biết bình quân lương nhân viên ở các ngân hàng trong chương trình TARP (chương trình ứng cứu ngân hàng trị giá 700 tỷ USD của Hoa Kỳ) tăng 9,4%/năm, trong khi các ngân hàng ngoài chương trình chỉ tăng 1,8%/năm.

2 nhà kinh tế Kenichi Ueda của IMF và Beatrice Weder Di Mauro của Đại học University of Mainz ước tính vào năm 2009, chính phủ “bảo kê” khoảng 0,8% chi phí vay mượn của các ngân hàng lớn, con số này gia tăng so với 0,6% năm 2007, trước khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát.

Tổng giá trị hỗ trợ của Nhà Trắng đối với 18 ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ như JPMorgan, Bank of America Corp., Citigroup Inc. là 76 tỷ USD/năm. Con số này tương đương với toàn bộ lợi nhuận của các ngân hàng này mỗi năm, và vượt qua chi tiêu cho giáo dục hàng năm của chính phủ.

Phần của JPMorgan trong “miếng bánh” này là 14 tỷ USD/năm. Hay nói cách khác, 77% doanh thu ròng của ngân hàng này trong 4 quý vừa qua đến từ tiền hỗ trợ của chính phủ. Điều này giải thích vì sao JPMorgan sẵn sàng thao túng cho các hoạt động đầu cơ kiểu như giao dịch đã gây lỗ gần 6 tỷ USD mới đây tại London, và có thể lỗ thêm 1,7 tỷ USD vào năm tới.

Giảm cho vay, tăng đầu cơ

Hỗ trợ từ chính phủ cũng khiến các ngân hàng sao nhãng hoạt động cho vay. Theo USA Today, trong 12 tháng tính đến ngày 30-9-2009, hoạt động cho vay cá nhân và doanh nghiệp của các ngân hàng trong chương trình TARP giảm 9,1%, so với mức giảm 6,2% của các ngân hàng ngoài chương trình.

Theo Bloomberg, tổng giá trị cho vay từ 4 ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ gồm JPMorgan Chase & Co., Bank of America Corp., Citigroup Inc. và Wells Fargo & Co. giảm 4,9% xuống 3.040 tỷ USD trong quý I-2012.

Người biểu tình chống hoạt động đầu cơ của ngân hàng.

Người biểu tình chống hoạt động đầu cơ của ngân hàng.

Điều này hoàn toàn trái ngược xu hướng ở các ngân hàng nhỏ, khi hoạt động cho vay gia tăng 9,8% trong cùng kỳ. Hoạt động cho vay của Citigroup, ngân hàng lớn thứ 3 Hoa Kỳ tính theo tài sản, giảm 10% xuống còn 648 tỷ USD trong vòng 2 năm, trong khi Bank of America giảm 7,6% xuống 902,3 tỷ USD, Wells Fargo giảm 1,9% xuống 766,5 tỷ USD.

“Trước đây ngân hàng rõ ràng là nơi phải đến nếu bạn cần vay mượn, dù bạn là người tiêu dùng hay doanh nghiệp. Tuy nhiên, cùng với sự khó khăn của nền kinh tế trong vài năm qua, các ngân hàng ngày càng trở nên e dè hơn trong việc cho vay, dù chính phủ đã can thiệp” - Yahoo Finance nhận xét.

Edward Furash, một nhà tư vấn ngân hàng ở Washington, cay đắng khi cho rằng với xu hướng này có thể đến một lúc người ta không còn cần tới sự hiện diện của các ngân hàng: “Ngày nay ai còn cần đến ngân hàng? Hầu như không ai, vì có tới 80% hoạt động cho vay doanh nghiệp có thể được thay thế bằng các nhà cho vay phi ngân hàng như công ty bảo hiểm, công ty môi giới và các công ty chứng khoán”.

Trong khi giảm hoạt động cho vay, các ngân hàng Phố Wall lại ngày càng lún sâu hơn vào hoạt động đầu cơ trong thị trường phái sinh. Theo báo cáo của Cơ quan Kiểm soát Tiền tệ (CotC) thuộc chính phủ Hoa Kỳ, tính đến quý II-2011, các ngân hàng Phố Wall gia tăng hoạt động đầu cơ phái sinh 11% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cộng các ngân hàng nắm gần 250.000 tỷ USD tài sản phái sinh.

Trong đó, 4 đại gia ngân hàng JPMorgan Chase, Citigroup, Bank of America và Goldman Sachs nắm giữ tới 95%. JPMorgan là ngân hàng thương mại “ôm” nhiều tài sản phái sinh nhất, với 78.000 tỷ USD. Citigroup đứng thứ 2 với 56.000 tỷ USD, tăng 2.000 tỷ USD so với quý trước. 25 ngân hàng lớn nhất nắm giữ đến 99% tài sản phái sinh của toàn ngành.

 “Hoạt động đầu cơ phái sinh trong hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ vẫn bị thao túng bởi một nhóm nhỏ định chế tài chính lớn”, báo cáo của CotC viết. Hoạt động đầu cơ phái sinh bị cho là một trong những nguyên nhân chính gây nên cuộc khủng hoảng hiện tại. Điển hình là American International Group (AIG), định chế này đã bán hàng tỷ USD hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ tín dụng (CDS) đối với các loại chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản thế chấp.

Khi thị trường thế chấp bị sụp đổ, AIG mất khả năng bảo đảm các CDS này, buộc chính phủ phải can thiệp bằng gói ứng cứu hàng chục tỷ USD. CDS chiếm tới 97% tổng tín dụng phái sinh tại các ngân hàng, dù chúng chỉ chiếm phần nhỏ trong thị trường phái sinh.

-----------

Kỳ 2: Lừa đảo quy mô lớn

Các tin khác