Thủy điện Mekong

Thủy điện Mekong khơi dòng khủng hoảng

Hiện nay trước việc Lào muốn xây đập Xayaburi, các nước trong Ủy hội sông Mekong (MRC) và các nhà khoa học đã lên tiếng phản đối.

Hiện nay trước việc Lào muốn xây đập Xayaburi, các nước trong Ủy hội sông Mekong (MRC) và các nhà khoa học đã lên tiếng phản đối.

Hậu quả khôn lường

Như ĐTTC đã phản ảnh qua loạt bài “Mekong - Dòng sông nghẽn mạch” đăngtrên các số báo 366-367 phát hành tháng 11-2010, việc xây đập thủy điệntrên dòng chính sẽ tạo ra những cuộc khủng hoảng sinh thái, kinh tế,chính trị và xã hội tại các vùng thuộc lưu vực sông mekong. Sông Mekong là ngôi nhà chung của hơn 1.200 loài cá, trong đó có những loài đang nằm trong Sách đỏ như cá trê khổng lồ - được xem như biểu tượng của sông Mekong và cá heo nước ngọt Irrawaddy. Chắn ngang sông Mekong, Xayaburi dài 810m ở Bắc Lào là đập đầu tiên trong 11 đập thủy điện dự định xây trên hạ lưu sông Mekong.

TS. Philip Hirsch, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu sông Mekong ở Australia, cho rằng đập Xayaburi sẽ làm biến đổi lộ trình di trú tìm thức ăn để sinh tồn của 70% loài cá trên sông Mekong. Nếu đập Xayaburi được xây dựng sẽ hủy hoại môi trường sống và hệ sinh thái của sông Mekong, 41 loài cá có nguy cơ tuyệt chủng.

Trong phiên họp của MRC ngày 19-4, trước sự quan ngại của 3 thành viên còn lại, Lào tuyên bố tạm hoãn việc xây đập Xayaburi đến phiên họp cấp Bộ trưởng của MRC vào cuối năm nay. Tuy nhiên, tin từ Bangkok Post cho biết Lào đã tiến hành việc xây dựng đập từ cuối năm ngoái.

Đập Xayaburi cao 32m cũng sẽ cản trở thói quen di cư của 23 loài cá về phía đầu nguồn Luang Prabang ở Lào, Chiang Khong và Chiang Saen ở Thái Lan, ngăn cản vòng đời cần thiết cho các loài cá này, bao gồm thời gian đẻ trứng, sinh sản và trưởng thành. Ước tính, thiệt hại của ngư nghiệp vùng hạ lưu sông Mekong khoảng 500 triệu USD/năm.

Không chỉ gây thảm họa sinh thái, đập Xayaburi có thể gây bất ổn xã hội. Hiện có khoảng 60 triệu dân sống tại hạ lưu sông Mekong, trong đó 29,6 triệu người sống trong vòng bán kính 15km bên bờ sông. Sông Mekong cũng là nguồn cung cấp sinh kế, đảm bảo an ninh lương thực cho hơn 70% dân cư lưu vực nhờ đánh bắt thủy sản, trồng hoa màu...

Ngay tại Lào, đập Xayaburi sẽ khiến 2.100 người ở 10 ngôi làng trong diện tái định cư bị ảnh hưởng trực tiếp, trong khi ít nhất 202.198 nông dân và ngư dân Lào bị giảm sinh kế. Đãi vàng vào mùa khô là thu nhập chính của rất nhiều người dân Lào. Họ có thể kiếm 8,5USD/ngày, nhưng việc mưu sinh đó sẽ không thể tiếp tục nếu đập Xayaburi được xây.

Richard Cronin, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Simon - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hoa Kỳ - cho rằng việc xây các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong sẽ giảm thiểu nghiêm trọng lượng phù sa bồi đắp cho các cánh đồng lúa ở Việt Nam và Thái Lan, 2 nước đứng đầu về xuất khẩu gạo trên thế giới.

Một quan ngại lớn khác là việc xây đập Xayaburi sẽ khởi đầu cho việc xây thêm 10 con đập khác trên dòng chính ở hạ lưu sông Mekong. Khi đó, 55% dòng sông ở hạ lưu sẽ bị biến thành các hồ chứa nước. Phù sa sẽ lắng đọng tại các hồ chứa này khiến tiềm năng khai thác thủy điện ngày một kém, trong khi gây sạt lở các khu vực có dòng sông đi qua, đặc biệt gây xói mòn, nhiễm mặn ở ĐBSCL - vựa lúa quan trọng của khu vực và thế giới.

Thế giới lên tiếng

Việc xây đập Xayaburi không chỉ gây quan ngại cho các nước cùng chia sẻ dòng Mekong, mà khiến cả thế giới lo lắng. Ngày 23-3, 263 tổ chức phi chính phủ (NGO) từ 51 nước trên thế giới đã gửi thư kêu gọi chính phủ các nước lưu vực sông Mekong bãi bỏ kế hoạch xây dựng đập Xayaburi.

“Mekong là dòng sông có tầm quan trọng toàn cầu, đề nghị chính phủ Lào hãy chấm dứt việc xây dựng đập Xayaburi” - Pierter Hansen của tổ chức Both ENDS nói. Thượng nghị sĩ Jim Webb của Hoa Kỳ cũng cảnh báo: “Đây là một tiền lệ nguy hại vì liên quan đến sự lành mạnh của môi trường ở khu vực Đông Nam Á.

Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã kết luận công trình xây dựng đập Xayaburi cũng như các con đập khác trên dòng chính của Mekong sẽ gây hậu quả nguy hại về kinh tế, môi trường và xã hội toàn vùng hạ lưu sông Mekong”.

Thủy sản là nguồn lợi lớn của sông Mekong - Nguồn internet

Thủy sản là nguồn lợi lớn của sông Mekong - Nguồn internet

Ông Webb cũng cho biết Hoa Kỳ sẽ xem xét việc rút khỏi danh sách những nước tài trợ cho MRC nếu việc xây dựng các con đập vẫn được tiến hành. Hiện MRC được tài trợ từ các nước như Australia, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và các tổ chức như Ngân hàng Phát triển châu Á...

Những ngày qua, người dân Thái Lan ở 8 tỉnh dọc sông Mekong đã gửi thư phản đối việc xây dựng đập Xaraburi: “Đập Xayaburi chắc chắn sẽ gây tác động đến cuộc sống của người dân ở hạ lưu sông Mekong, không chỉ người dân Lào, mà cả Thái Lan, Campuchia và Việt Nam” - bức thư viết.

Đầu tháng 4, hàng trăm người dân Thái Lan đến từ các tỉnh dọc dòng sông Mekong ở Bắc và Đông Bắc Thái Lan đã tập hợp ở huyện Nong Khai, tỉnh Chiang Mai để biểu tình phản đối việc xây đập Xayaburi. Họ ký vào một bức thư gửi Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva, yêu cầu Chính phủ Thái Lan dừng kế hoạch mua điện từ dự án này.

“Chúng tôi sẽ thu thập hơn 20.000 chữ ký ở những nơi sẽ bị ảnh hưởng bởi đập và trình Thủ tướng trong tháng này, yêu cầu ông phải dừng kế hoạch mua điện” - Niwat Roikaew, thành viên Mạng lưới bảo vệ môi trường Chiang Rai, Chiang Khong, nói.

Về việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng sông Mekong trong đó có đập Xayaburi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nói: “Mekong là một dòng sông quốc tế có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân các nước ven sông.

Các quốc gia ven sông cần hợp tác chặt chẽ trong việc khai thác và sử dụng công bằng và hợp lý các nguồn tài nguyên, đặc biệt là nguồn nước dòng sông Mekong nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần vào sự phát triển bền vững chung của toàn bộ lưu vực sông Mekong, mang lại lợi ích cho tất cả quốc gia ven sông và người dân sinh sống tại khu vực này”.

(Tổng hợp)

Các tin khác