Thương chiến Nhật-Hàn bùng nổ: Samsung và LG lãnh trọn

(ĐTTCO) - “Bằng việc hạn chế xuất khẩu các vật liệu hóa học quan trọng sang Hàn Quốc, Nhật Bản đang gây ra tác hại không thể khắc phục đối với ngành công nghiệp điện tử toàn cầu, với tổn hại khó có thể đo lường”. Đó là nhận định của nhà báo Nhật Bản Takashi Yunogami đăng trên EE Times Japan.

Lệnh cấm “từ hư không”
Mọi việc bắt đầu vào ngày 4-7 này, khi chính phủ Nhật Bản ban hành các hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc đối với các nguyên liệu thô bao gồm polyimide fluoride, chất cản quang và hydro florua - những nguyên liệu rất cần thiết cho việc sản xuất các thiết bị điện tử.
 Ngành công nghiệp điện tử toàn cầu sẽ trút sự giận dữ vào xứ mặt trời mọc, chứ không phải xứ kim chi.
Để biện minh cho động thái bất ngờ này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng dùng lý lẽ tương tự Tổng thống Mỹ Donald Trump, tuyên bố "an ninh quốc gia" là lý do chính thức. Dù vậy, Chính phủ Nhật Bản cho đến nay không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy Hàn Quốc đang sử dụng các vật liệu bị hạn chế cho các ứng dụng quân sự.
Đối với nhiều người trong ngành công nghiệp điện tử toàn cầu, cuộc chiến thương mại vừa bùng nổ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc dường như đã nổ ra từ hư không. Hầu hết các chuyên gia tin rằng đây là một tranh chấp không có thật, bắt đầu từ mối hận thù có nguồn gốc từ Thế chiến II. Trong nhiều thập kỷ, người Hàn Quốc đã thúc đẩy buộc Nhật Bản phải bồi thường việc sử dụng lao động cưỡng bức và nô lệ tình dục trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc. Nhiều người ở Hàn Quốc tin rằng Nhật không sẵn lòng thừa nhận hoàn toàn các hoạt động sai trái thời chiến của đất nước.
Các quy định mới do chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đặt ra yêu cầu, các nhà cung cấp nguyên liệu của Nhật Bản phải có giấy phép xuất khẩu trước khi vận chuyển các nguyên liệu thô này sang Hàn Quốc. Quá trình hành chính mới được áp đặt này được cho là sẽ kéo dài các công việc kiểm tra thêm khoảng 90 ngày. Theo dữ liệu năm 2018 từ Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm 84,5% polyimide fluoride (kim ngạch 19.720.000USD), 93,2% chất cản quang (298.890.000USD) và 41,9% hydro florua (66.850.000USD) hàng nhập của các doanh nghiệp xứ kim chi.
Chấn động ngành bán dẫn
Polyimide fluoride là một vật liệu EL hữu cơ. Nếu hạn chế xuất khẩu làm cạn kiệt nguồn nguyên liệu, hai đại gia Hàn Quốc - LG Electronics, nhà sản xuất TV EL hữu cơ và Samsung Electronics, nhà sản xuất tấm EL hữu cơ cho điện thoại thông minh - sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
  Hai đại gia Hàn Quốc - LG Electronics, nhà sản xuất TV EL hữu cơ và Samsung Electronics, nhà sản xuất tấm EL hữu cơ cho điện thoại thông minh - sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 
Trong khi đó, các chất cản quang cụ thể chịu các hạn chế xuất khẩu mới được cho là những nguyên liệu sử dụng cho in thạch bản EUV, một công nghệ sản xuất chất bán dẫn rất tiên tiến chỉ được đưa vào sản xuất hàng loạt trong năm nay. Điều này có khả năng sẽ ảnh hưởng đến các chất bán dẫn logic tiên tiến 7nm của Samsung. Nó cũng có thể tác động đến DRAM 16nm, sản phẩm sắp được sản xuất. Cả Samsung và SK Hynix sẽ cảm thấy “đau”.
Theo các chuyên gia, Samsung đang vận hành một nhà máy bán dẫn dựa trên hệ thống sản xuất tương tự của Toyota, hệ thống này cho phép trữ kho các bộ phận, linh kiện và vật liệu ở mức tối thiểu. Vì vậy, Samsung dường như chỉ trữ kho EUV đủ dùng cho sản xuất khoảng một tháng. Điều tương tự cũng áp dụng cho việc cung cấp hydro florua.
Hầu hết các chất bán dẫn logic tiên tiến được cho là bộ xử lý ứng dụng (AP) cho điện thoại thông minh Galaxy của Samsung. Samsung đã xuất xưởng 292,3 triệu điện thoại thông minh trong năm 2018 - nhiều nhất trên thế giới. Tất cả các thiết bị này phải được trang bị các AP hàng đầu được chế tạo bằng thiết bị EUV. Nhưng chỉ với hàng tồn kho EUV đủ cho 1 tháng, việc sản xuất AP hàng đầu sẽ chậm lại, do đó hạn chế sản lượng điện thoại thông minh.
Thương chiến Nhật-Hàn bùng nổ: Samsung và LG lãnh trọn ảnh 1  Nhà máy bán dẫn của Samsung Electronic tại HWASEONG, Hàn Quốc.
Quan trọng hơn, nếu EUV đã sử dụng chế tạo DRAM tiên tiến, thì thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều so với sự chậm lại của Galaxy. Điều này là do Samsung và SK Hynix là hai nhà lãnh đạo toàn cầu trong thị trường DRAM. Trong quý đầu tiên năm 2019, Samsung đã chiếm 42,7% thị phần doanh số DRAM toàn cầu, tiếp theo là SK Hynix với 29,9%. Nói cách khác, 2 công ty này cùng nhau thống lĩnh 72,6% thị phần.

Đe dọa ngành điện thoại, PC, máy tính bảng
Giả sử EUV đã được sử dụng để chế tạo DRAM tiên tiến, việc thiếu hụt kho cản quang EUV sẽ hạn chế sản xuất DRAM, dẫn đến cản trở sản xuất điện thoại thông minh. Khoảng 1,4 tỷ điện thoại thông minh đã được xuất xưởng trong năm 2018, cùng với 300 triệu máy vi tính cá nhân (PC), 150 triệu máy tính bảng và khoảng 11,75 triệu máy chủ, theo dữ liệu thị trường được cung cấp bởi IDC.
Trong khi đó, với quy trình sản xuất chất bán dẫn hiện nay, việc thiếu hydro florua sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều cho sản xuất chip. Hydro florua (HF), hoặc axit hydrofluoric, được sử dụng từ 10% trở lên trong quy trình sản xuất chất bán dẫn. Giải pháp hóa học này được áp dụng cho các chất bán dẫn khác nhau, từ các thiết bị logic đến DRAM, thiết bị NAND flash (bộ nhớ) và thậm chí cả OLED. Nói tóm lại, hydro florua là axit không thể thiếu để sản xuất tất cả các con chip.
Ngoài thiệt hại tiềm tàng đối với việc sản xuất bộ xử lý ứng dụng và DRAM, hạn chế các lô hàng Samsung Galaxy, lệnh cấm còn tác động đối với NAND Flash. Trong quý I-2019, Samsung đã nắm giữ thị phần số một với tỷ lệ 39,4%. SK Hynix đứng ở vị trí thứ năm với 9,5%, tức hai công ty Hàn Quốc chiếm gần một nửa thị trường NAND Flash. Con số này thấp hơn đáng kể so với mức cắt giảm 72,6% của Hàn Quốc trên thị trường DRAM toàn cầu, nhưng vẫn là rất nhiều. 
Hơn nữa, với thiết bị SSD có NAND flash, Samsung cho đến nay chiếm thị phần cao nhất với 33,4%. SK Hynix đứng thứ ba với 9,9%. Nhiều khả năng, Samsung đang cung cấp ổ SSD với số lượng lớn không chỉ cho PC, mà còn cho các máy chủ được sử dụng trong các trung tâm dữ liệu thuộc sở hữu của các công ty đám mây như Amazon, Microsoft và Google.
Một khi ngành sản xuất điện thoại di động và PC, máy tính bảng bị nghẽn lại do thiếu nguyên liệu, các nhà khổng lồ như Apple, HP, Dell và các hãng khác sẽ nổi giận. Và cơn giận giữ của họ không nhắm vào các nhà cung cấp DRAM của Hàn Quốc, mà là chính phủ Nhật Bản, vì đã gây ra sự thiếu hụt bằng những hạn chế xuất khẩu. Như vậy, ngành công nghiệp điện tử toàn cầu sẽ trút sự giận dữ vào xứ mặt trời mọc, chứ không phải xứ kim chi.

Nhật Bản đang tự làm khó chính mình?
Ngoài nguồn cung ứng 41,9% axit hydrofluoric cần thiết từ Nhật Bản, Hàn Quốc nhập 45% từ Trung Quốc và 10% từ Đài Loan. Nếu việc cung cấp axit hydrofluoric từ Nhật Bản dừng lại, có lẽ Hàn Quốc sẽ bị cám dỗ chuyển nguồn sang Trung Quốc và Đài Loan. Nhưng các nhà sản xuất vật liệu ở Trung Quốc và Đài Loan sẽ khó có thể tăng gấp đôi khối lượng của họ chỉ trong một đến hai tháng. Ngoài ra, do tỷ lệ pha trộn axit hydrofluoric được thiết kế và xác định nghiêm ngặt cho mọi quy trình thuộc sở hữu của mỗi công ty, nên các nhà sản xuất vật liệu ở Trung Quốc và Đài Loan khó có thể cung cấp ngay hydro florua cho các thông số kỹ thuật chính xác mà các công ty Hàn Quốc cần.
Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố vào ngày 3-7, rằng họ sẽ phân bổ ngân sách 1.000 tỷ won (khoảng 850 triệu USD) hàng năm để hỗ trợ sản xuất vật liệu và thiết bị bán dẫn trong nước. Về lâu dài, thông báo này cho thấy Hàn Quốc sẽ bắt đầu loại bỏ một cách có hệ thống việc sử dụng nguyên liệu hóa học thô sản xuất tại Nhật Bản và các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chất bán dẫn của Nhật Bản. 
Điều này tương tự việc Hàn Quốc đã làm cách đây nhiều năm trong việc ngưng tuyển dụng các kỹ sư Nhật Bản. Vào những năm 1980, Hàn Quốc rất săn đón các kỹ sư Nhật Bản có kỹ năng tiên tiến trong việc thiết kế DRAM. Nhưng sau đó, họ đã dần thay thế kỹ sư Nhật Bản bằng chính kỹ sư trong nước. 
Cuối cùng, cả nhà sản xuất vật liệu và nhà cung cấp thiết bị của Nhật Bản sẽ mất đi công việc kinh doanh hiện tại với Samsung, SK Hynix và LG Electronics. Nhưng đây không phải là mất kinh doanh. Các công ty Nhật Bản đã mài giũa kỹ năng của mình bằng cách phục vụ các nhà cung cấp chip hàng đầu tại Hàn Quốc sẽ bị giảm lợi thế cạnh tranh của họ.
Ngay cả khi chính phủ Nhật Bản quyết định dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu sau đó, việc rút lui có thể quá muộn. Thiệt hại đã xảy ra, khó có thể lấy lại niềm tin trong mối quan hệ kinh doanh. Hành động của Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện những tác hại không thể khắc phục đối với ngành công nghiệp điện tử toàn cầu - với mức giá không thể đo lường được và không cần thiết.  

Các tin khác