Thế giới 7 tỷ người (kỳ 2): Sức ép xã hội

Ngoài những nguy cơ về môi trường và tài nguyên, dân số quá cao còn mang lại những hệ lụy về xã hội như kinh tế sa sút do tỷ lệ dân số già cao, mâu thuẫn gia tăng vì các cuộc chiến tranh giành tài nguyên.

Ngoài những nguy cơ về môi trường và tài nguyên, dân số quá cao còn mang lại những hệ lụy về xã hội như kinh tế sa sút do tỷ lệ dân số già cao, mâu thuẫn gia tăng vì các cuộc chiến tranh giành tài nguyên.

> Thế giới 7 tỷ người (kỳ 1): Giới hạn của trái đất

Dân số già

Dân số đạt 7 tỷ người chứng tỏ con người ngày càng sống lâu hơn. Đó là một điều đáng mừng. Nhưng dân số già hiện đang là nỗi lo của hầu hết các nước phát triển, có thể sớm là nỗi lo của toàn thế giới. Với tuổi thọ bình quân 70 tuổi như nhiện nay, số người trong tuổi lao động đang giảm đi nhanh chóng.

Đến năm 2050, ước tính tuổi thọ bình quân của loài người sẽ đạt 76 tuổi. Khi đó, gần 25% dân số thế giới ở độ tuổi ngoài 60, tức cao gấp đôi tỷ lệ hiện tại. Dự báo trước năm 2070, số người già trên trái đất (ngoài độ tuổi lao động) sẽ cao hơn số trẻ em dưới 15 tuổi.

5 nền kinh tế lớn nhất hiện nay lần lượt là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Pháp. Năm 1960, tỷ lệ sinh ở các nước này (trừ Nhật Bản) đều trên tỷ lệ thay thế 2,1 ca/phụ nữ (số trẻ em sinh ra vừa đủ để thay thế bố mẹ, còn lại là số bị chết sớm).

Đến năm 2009 - năm mới nhất dữ liệu được thu thập - nước có tỷ lệ sinh cao nhất trong nhóm này là 2,05, trong khi ở Trung Quốc là 1,77 và dưới 1,4 ở Nhật Bản và Đức. Tại hầu hết các nước này, tỷ lệ sinh ở dưới mức thay thế từ những năm 70 của thế kỷ trước.

Hiện tỷ lệ sinh trên toàn thế giới là 2,5 ca/phụ nữ, chỉ bằng 50% so với cách nay 50 năm.

Theo John Bongaarts, Phó Chủ tịch Hội đồng dân số (PC) - một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu - nếu tỷ lệ sinh trên toàn thế giới rơi xuống 1 ca/phụ nữ, xã hội sẽ mất cân bằng nghiêm trọng và nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ sụp đổ.

Xung đột lợi ích

Theo báo cáo của Liên hiệp quốc, trái đất cần phải đến 18 tháng để tái tạo những nguồn tài nguyên con người tiêu thụ trong 1 năm. Khi dân số gia tăng, thời gian để tái tạo càng kéo dài hơn, khiến xung đột về chia sẻ tài nguyên gia tăng.

Xung đột tài nguyên dễ nhận thấy nhất là các cuộc chiến tranh vì dầu mỏ, đất đai hoặc vì nguồn nước. Việc Hoa Kỳ phát động chiến tranh Iraq năm 2003, hay NATO tấn công Libya năm 2011, bị nhiều nhà quan sát chỉ trích rằng do nguyên nhân sâu xa là tranh giành quyền khai thác dầu mỏ tại đó.

Ở Dafur, quyền tiếp cận nước sạch và đất trồng là một nhân tố chính trong xung đột giữa những người nông dân da đen và dân di cư Arab.

Tỷ lệ sinh sẽ giảm nhờ phát triển kinh tế, giáo dục mà không cần áp dụng các biện pháp cực đoan như chính sách 1 con.

Tỷ lệ sinh sẽ giảm nhờ phát triển kinh tế, giáo dục mà
không cần áp dụng các biện pháp cực đoan như chính sách 1 con.

Hạn hán và hoang mạc hóa ở Bắc Darfur đã khiến những người Arab chuyển đến Nam Darfur, nơi họ xung đột với nông dân da đen. Trong lịch sử, cuộc chiến dai dẳng giữa người Israel và người Palestine được cho là một phần do tranh giành nguồn nước.

Bờ Tây nằm trên một khu vực ngậm nước lớn. Thêm vào đó, cao nguyên Golan - mà Israel lấy đi từ Syria trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967 - là nơi bắt nguồn sự sống của Jordan và cung cấp nước cho biển Galilee. Ở một khu vực khô hạn như Trung Đông, kiểm soát nguồn nước mang tính sống còn đối với cả một dân tộc.

Trận Beersheba nổi tiếng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất giữa liên quân Anh - Australia - New Zealand với liên minh giữa 2 đế chế Ottoman và Đức, là trận đánh tranh giành quyền kiểm soát các nguồn nước ở Thổ Nhĩ Kỳ và Birussebi.

Ngoài ra, khan hiếm tài nguyên sẽ dẫn đến các xung đột xã hội ngay trong một nước giữa khu vực công và tư, giữa người giàu và người nghèo. Sẽ có những cuộc biểu tình phản đối cấp quyền sở hữu nguồn nước hoặc đất đai cho các công ty tư nhân, hay biểu tình chống dùng lương thực để chế tạo nhiên liệu...

Có nên bắt chước Trung Quốc?

Khi dân số chạm 7 tỷ người, nhiều người đặt vấn đề có lẽ thế giới cần có một chính sách kiềm chế đà tăng dân số, kiểu như chính sách 1 con của Trung Quốc. Năm 1979, đáp lại 2 thập niên bùng nổ dân số, Bắc Kinh công bố chính sách mỗi gia đình chỉ được có 1 con.

Chính sách này đã thành công khi dân số Trung Quốc giảm 250-300 triệu người. Nhưng sự thành công này đi kèm cái giá khá đắt: tình trạng phá thai bắt buộc và triệt sản tràn lan. Đặc biệt, do quan niệm trọng nam khinh nữ ở Trung Quốc, việc phá thai chọn giới tính đã khiến tỷ lệ sinh bé trai so với bé gái tăng từ tỷ lệ tự nhiên 105-100 lên 121-100.

Điều này khiến số nam thanh niên Trung Quốc cao hơn nữ thanh niên hàng triệu người, dẫn đến những tệ nạn như buôn người và bắt cóc để làm vợ. Vì vậy, việc triển khai chính sách 1 con trên toàn cầu là điều khó chấp nhận. “Đó không phải là một ý tưởng tốt. Đầu tiên, sẽ không ai chấp nhận nó.

Có quá nhiều phản đối với chính sách 1 con của Trung Quốc. Thêm vào đó, bạn cũng không muốn tỷ lệ sinh 1 con/phụ nữ, vì điều đó sẽ khiến bạn trở nên tình trạng như Nhật Bản hiện nay” - theo John Bongaarts.

Thay vào đó, Bongaarts đề xuất các biện pháp tích cực. Thứ nhất, sử dụng các biện pháp tránh thai và giáo dục cho phụ nữ về các biện pháp tránh thai đó.

Thứ 2, thông qua giáo dục xây dựng trường học và khuyến khích việc học hành của nữ giới. Khi nữ giới có trình độ học vấn cao hơn, họ sẽ có ít con cái hơn. Các nhà khoa học tin rằng một khi đã đạt đến mức đỉnh 9-10 tỷ người, dân số thế giới sẽ không tăng nữa.

Hiện tỷ lệ sinh trên thế giới là 2,5 trẻ em/phụ nữ. Khi dân số đạt đỉnh điểm trên và cùng với đà giảm tỷ lệ sinh hiện nay, việc thế giới đạt tỷ lệ sinh 2,1 ca/phụ nữ là phù hợp với mức thay thế nêu trên.

Các tin khác