Thảm họa ma túy đá - Kỳ 2: Cuộc chiến chưa hồi kết

(ĐTTCO) - Lợi nhuận thu được sau mỗi chuyến hàng có thể lên đến hàng trăm triệu USD đã kéo hàng triệu người tham gia. Nhiều quốc gia đã mở nhiều chiến dịch nhằm tiêu diệt tận gốc tội phạm ma túy, tuy nhiên tình trạng buôn bán và nghiện ma túy ở một số nơi vẫn tăng.

Chiến dịch bàn tay sắt
Philippines trong hơn 20 năm qua chìm trong nghèo khổ, đói kém và ngập tràn ma túy. Ma túy đá tại Philippines được biết đến với tên gọi “shabu”, đã hủy hoại cuộc sống của hàng triệu người và làm giàu cho những tổ chức ngầm chuyên buôn lậu và phân phối ma túy khắp nơi đây. Theo các số liệu báo cáo, có hơn 1,8 triệu người nghiện ma túy tại Philippines, nhưng Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết con số thật sự đã gấp đôi. Do đó, chiến dịch chống lại tội phạm ma túy là một trong những lời hứa của ông Duterte khi tranh cử Tổng thống Philippines. Và dưới sự chỉ đạo của tân Tổng giám đốc Cơ quan cảnh sát quốc gia Philippines ông Ronald dela Rosa, lực lượng cảnh sát quốc gia tiến hành chiến dịch quyết liệt trên cả nước. 
Ông Martin Andanar, Thư ký Văn phòng Liên lạc Tổng thống, xác nhận gần 60.000 người nghiện ma túy đã đầu thú với nhà chức trách từ khi chính phủ tăng cường chiến dịch chống ma túy. Hơn 8.000 nghi phạm ma túy, chủ yếu là những người nghèo, đã bị giết trong các vụ đụng độ với cảnh sát do họ “cố tình chống trả”. Mặc dù cuộc truy quét tội phạm ma túy của Tổng thống Duterte vấp phải nhiều chỉ trích từ phương Tây, nhưng gần 90% người dân Philippines ủng hộ chiến dịch này.
Tương tự tại Campuchia, một chiến dịch đàn áp các tổ chức tội phạm ma túy đã được thi hành bởi Thủ tướng Hun Sen, sau yêu cầu trợ giúp xuyên biên giới từ Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Sau chiến dịch này, 17.800 người đã bị bắt trong năm 2017 và hơn 11.000 trong số này đã được gửi đến các trung tâm phục hồi chức năng. Chiến dịch này dự kiến diễn ra từ tháng 1 đến 6-2017, nhưng phải kéo dài đến cuối năm vì số lượng người nghiện ma túy bị bắt giữ vượt quá sức chứa của các trại cai nghiện cũng như dẫn đến thiếu hụt các biện pháp chăm sóc y tế.
Tại Lào và Thái Lan, 2 quốc gia có chung đường biên giới trên bộ lẫn trên sông, đã mở những hoạt động tuần tra biên giới chung nhằm hợp tác phòng chống nạn buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Kết quả sau 5 năm hợp tác, lực lượng phòng chống ma túy đã bắt được những tên trùm ma túy có tiếng tăm trong khu vực chính ngay tại thủ đô Bangkok và trên lãnh thổ Lào. 
Singapore là một trong những quốc gia có luật lệ chống buôn bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy nghiêm khắc nhất trong khu vực. Tại Diễn đàn phòng chống Ma túy tại châu Á-Thái Bình Dương diễn ra vào năm 2017, ông Shanmugam, Bộ trưởng Bộ Luật và Nội vụ Singapore đã nhấn mạnh: “Tại Singapore, án tử hình sẽ được thiết lập ngay cho những kẻ buôn bán và vật chuyển chất ma túy trái phép. Không còn cách nào khác để giảm nhẹ bản án bằng việc cung cấp đầy đủ thông tin về các đường dây buôn bán ma túy mà chúng tham gia. Và tôi tin rằng điều này là lời cảnh báo về bản án tử hình trước mắt cho những kẻ nào có ý định buôn lậu ma túy vào lãnh thổ của Singapore”.
Bangladesh, một quốc gia bất ổn về chính trị và là một trong những thị trường tiêu thụ ma túy lớn nhất thế giới. Bangladesh có khoảng 7 triệu trong tổng số 160 triệu dân nghiện ma túy, chủ yếu là yaba, một loại ma túy tổng hợp phổ biến ở Thái Lan. Hàng năm khoảng 40 triệu USD ma túy được chuyển vào quốc gia Nam Á này thông qua đường bộ tiếp giáp với Myanmar. Vào ngày 15-5-2018, một chiến dịch triệt phá tội phạm ma túy được chỉ đạo và tiến hành dưới sự phối hợp của Cơ quan Điều tra ma túy Bangladesh và cảnh sát đặc nhiệm. Chiến dịch này đã khiến 91 người thiệt mạng. Cuộc chiến này là một bước đi cứng rắn trong động thái chính trị mới nhất của nữ Thủ tướng Sheikh Hasina nhằm củng cố quyền lực. Bà tuyên bố: “Chúng ta sẽ giải cứu đất nước khỏi nanh vuốt của ma túy như cách chúng ta đánh bại lực lượng phiến quân”.
Thảm họa ma túy đá - Kỳ 2: Cuộc chiến chưa hồi kết ảnh 1 Cảnh sát Philippines và tang vật thu được trong 1 lần truy quét tội phạm  ma túy. 
Thay đổi phương thức nhưng…
Tại Thái Lan, các cơ quan của nước này đã công khai thừa nhận sự thất bại trong cuộc chiến chống ma túy. Tình trạng người nghiện ma túy ngày một tăng và các trại giam cũng như các trại cai nghiện đều không đủ sức chứa, cùng với việc chăm sóc y tế không được đảm bảo. Đại diện của tổ chức Ân xá quốc tế tại Philippines Wilnor Papa, đã lên án Tổng thống Duterte kích động việc giết người phi pháp và đồng thời cũng là người phê phán chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Duterte, cho biết: “Nếu họ đi theo đường lối cũ, sớm muộn gì Đông Nam Á vẫn còn ngập trong tình trạng nghiện ngập ma túy”.
Theo ông, thay vì lãng phí các nguồn lực để thi hành những biện pháp trừng phạt không hiệu quả, ngày càng có nhiều người ủng hộ các phương pháp tiếp cận nhân đạo hơn, bao gồm cả việc thành lập các trung tâm phục hồi và điều trị cai nghiện, nhằm giúp đỡ những nạn nhân của ma túy tái hòa nhập với xã hội. 
Dưới áp lực từ những tổ chức nhân quyền trên thế giới, chiến dịch chống ma túy tại các quốc gia Đông Nam Á đang thay đổi trong thời gian gần đây. Những thay đổi này ít nhiều được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trước đây. Hiện nay, cuộc chiến chống tội phạm ma túy vẫn chưa có chiều hướng khả quan hơn. Bởi các nhà tù và các trại cai nghiện đang trở nên quá tải vì số người nghiện ma túy bị bắt ngày càng tăng, dẫn đến tình trạng y tế và sức khỏe trong các trại giam và các trại cai nghiện không được đảm bảo. Số người chết vẫn tiếp tục tăng bất chấp mọi cáo buộc quốc tế về vi phạm nhân quyền lan rộng. Tổng thống Duterte cũng đang thúc đẩy việc khôi phục án tử hình, và giảm mức tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm ma túy. 
Malaysia đã xóa bỏ hình phạt tử hình đối với những tội phạm về ma túy, thay vào đó sẽ xem xét mức độ nghiêm trọng của vụ việc mà có những hình thức xử phạt khác nhau. Trong khi đó, Myanmar và Thái Lan đang có những cải cách mang tính nhân đạo hơn. Myanmar đang hướng tới việc bãi bỏ các cáo trạng hình sự, thay vào đó là tiếp cận và sử dụng các biện pháp hỗ trợ phục hồi và điều trị. Cách thức này được đưa ra sau cuộc thảo luận lấy ý kiến về các chính sách phòng chống ma túy tại Myanmar. Hơn thế nữa, một đề nghị về hình thức xử phạt bằng việc lao động công ích thay thế cho những án tù dài đối với những tội phạm vi phạm ở mức độ nhẹ. 
Tương tự tại Thái Lan, một quốc gia nổi tiếng về những hình phạt khắc nghiệt đối với tội phạm ma túy đang tìm kiếm những cải cách pháp luật về hình thức xử phạt các tội phạm ma túy. Bên cạnh những cải cách pháp lý, các quan chức Thái Lan hướng đến một biện pháp nhằm đối phó với những vấn đề ma túy phức tạp, bao gồm việc lao động công ích để phục vụ xã hội hoặc tham gia những hoạt động mang tính cộng đồng nhằm ngăn chặn sự tiếp cận với việc sử dụng ma túy. 
 Tình hình sử dụng và buôn bán trái phép chất gây nghiện, đặc biệt là ma túy đá đang diễn ra trên khắp các quốc gia ở châu Á. Vấn đề này cần phải được đưa ra bàn đàm phán tại các Hội nghị cấp cao ASEAN, nhằm thúc đẩy các quốc gia tìm ra giải pháp xuyên biên giới để xử lý triệt để tình trạng này. 

Các tin khác