Thảm họa ma túy đá - Kỳ 1: Tràn lan khắp châu Á

(ĐTTCO) - Từ rừng già Myanmar cho đến các con phố ở Hồng Công, cảnh sát đang phải đối mặt với một cuộc chiến chống lại sự lan tràn của ma túy đá trên khắp châu Á. Chính phủ nhiều nước đang tiến hành những cuộc chiến nhằm tiêu diệt tận gốc ma túy và phải đánh đổi bằng mạng sống của hàng ngàn người.

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng ma túy đá và yaba - một loại thuốc chứa chất gây nghiện tổng hợp methamphetamine và cafein, được dùng phổ biến tại Thái Lan đang tăng vọt trên khắp châu Á, nên tiến độ sản xuất được đẩy nhanh chưa từng thấy. Và số người chết do tác hại của ma túy đá gia tăng mỗi ngày. 

Những đợt truy quét hàng ngàn tấn
Theo báo cáo dữ liệu sơ bộ của Văn phòng Liên hiệp quốc về ma túy và tội phạm, khối lượng ma túy cảnh sát tịch thu ở Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam gia tăng qua từng năm. Vào năm 2008, hơn 5.000kg ma túy dạng tinh thể bị tịch thu, và đến năm 2017 con số này đã lên đến mức không tưởng hơn 25.000kg. Trong giai đoạn từ năm 2013-2015, khối lượng ma túy tinh thể tăng vọt từ 10.000kg lên đến gần 28.000kg. Đối với ma túy tổng hợp, số lượng cảnh sát đã thu giữ năm 2008 là 30 triệu viên, và lên đến 450 triệu viên vào năm 2017. 
Lực lượng cảnh sát nhiều quốc gia đã tiến hành những đợt truy quét lớn và bắt giữ nhiều đối tượng buôn bán, sản xuất. Ngày 22-5-2018, tổng cộng 1.187 tấn thuốc trị giá khoảng 18 triệu USD được đóng trong các gói trà vàng đã bị cảnh sát Malaysia bắt giữ khi đang trên đường tới một công ty giao dịch tại Kuala Lumpur. 6 nghi phạm người Myanmar và Malaysia đã bị bắt trong chiến dịch truy quét này. Trong khi đó, tại Thái Lan ngày 21-8 vừa qua, cảnh sát nước này đã thu giữ một lượng ma túy đá có trị giá 1,48 tỷ baht (45 triệu USD) đang trên đường vận chuyển tới Malaysia và một số quốc gia khác. Cảnh sát trưởng Tổng cục chỉ huy chiến dịch Sommai Kongvisaisuk cho biết: “Một khi đã đến được Malaysia, lô hàng này sẽ được phân phối đến các thị trường lớn ở châu Âu, châu Mỹ, Australia, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc, đến lúc này giá trị của lô hàng sẽ còn tăng gấp nhiều lần so với con số 45 triệu USD”. 
Thảm họa ma túy đá - Kỳ 1: Tràn lan khắp châu Á ảnh 1 Trồng cây anh túc để sản xuất ma túy tại Myanmar. 
Ngày 17-5, lực lượng an ninh Australia đã phá một vụ ma túy lớn, bắt 2 đối tượng buôn lậu ma túy từ Hồng Công, và thu giữ lượng ma túy trị giá gần 44 triệu USD. Cảnh sát liên bang Australia phát hiện 72 lít ma túy trong khi kiểm tra một lô hàng dầu gội đầu, chất dưỡng tóc và thuốc nhuộm tóc được vận chuyển từ Trung Quốc đến Sydney qua đường biển. Trước đó hồi tháng 3, một lượng ma túy lớn 585kg methamphetamine cũng được giấu trong một container đường biển từ Thâm Quyến qua Hồng Công tới Australia. 
Vào tháng 12-2017, cảnh sát Australia cũng thu giữ một lượng ma túy đá kỷ lục trị giá 800 triệu USD, được cho là có nguồn gốc từ bang Shan phía Tây Myanmar. Năm 2018, các nước Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Lào, Malaysia và Indonesia cũng đã bắt giữ hàng chục vụ ma túy lớn. Theo giới chức trách, lượng ma túy thu giữ được trong 5 tháng năm 2018 ở Malaysia và Myanmar đã vượt qua tổng số của năm 2017.
Ông Jeremy Douglas, đại diện Văn phòng Liên hiệp quốc về ma túy và tội phạm hoạt động tại Đông Nam Á, cho biết ma túy đá không còn là hàng hiếm ở châu Á như trước, giờ đây nó là chất gây nghiện được sử dụng rộng rãi khắp nơi, không phân biệt tầng lớp, tuổi tác hay giới tính. Trong 16 năm làm việc liên quan đến ma túy, đây là lần đầu tiên nhu cầu sử dụng ma túy tăng cao như thời điểm này. 

Tam giác vàng: Khu vực không luật lệ
Các chuyên gia cho rằng, 2 nguyên nhân chính dẫn đến sự lan rộng của ma túy đá trên quy mô châu lục. Các băng nhóm tội phạm lợi dụng địa thế vùng rừng núi hiểm trở nằm giữa biên giới 3 nước Lào, Thái Lan và Myanmar hay còn biết đến với tên “Tam giác vàng”, một khu vực không luật lệ của một chính phủ nào có thể kiểm soát được hoàn toàn nơi này. Phần lớn diện tích Tam giác vàng nằm trong vùng đồi núi có độ cao 1.000m, rất phù hợp để cây anh túc phát triển. Hơn thế nữa, vào những năm 70 của thế kỷ trước, nơi đây là đại bản doanh của trùm ma túy Khun Sa. Dưới thời của Khun Sa, đã có lúc diện tích trồng cây thuốc phiện ở khu vực này rộng đến 160.000ha và cho thu hoạch đến 2.560 tấn thuốc phiện đã qua sơ chế. 
Bên cạnh đó, ngoài các băng nhóm tội phạm, các nhóm vũ trang và các lực lượng phiến quân đòi ly khai cũng có ảnh hưởng đến khu vực này, thậm chí là nhúng tay vào hoạt động sản xuất ma túy để lấy nguồn tài chính. Trong số này, mạnh nhất là Lực lượng thống nhất bang Wa (Myanmar) đơn phương tuyên bố ly khai và đòi tự trị hồi năm 2009, và xem việc buôn bán ma túy là hợp pháp để phát triển lực lượng. 
Vùng Tam giác vàng trong nhiều năm đã là một khu vực kém phát triển và nghèo khổ bậc nhất thế giới. Nhờ địa hình hiểm trở của khu vực Tam giác vàng, chính phủ và quân đội của các quốc gia khó có thể tiếp cận được vào khu vực sản xuất ma túy ở đây. Từ nơi này, những kẻ buôn bán ma túy đã khai thác những tuyến giao thông và xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ cho việc vận chuyển ma túy đi đến khắp các thị trường trên toàn cầu. Cùng với đó là sử dụng những dòng người tị nạn và giao thương hàng hóa để tuồn ma túy đến từng quốc gia. 

Mạng lưới phân phối
Một số lượng lớn ma túy đá bị thu giữ trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương có nguồn gốc từ bang Wa, hoặc nằm sâu trong bang Shan của Myanmar, có ảnh hưởng đến khu vực Tam giác vàng, nằm dưới sự cai trị của các lực lượng phiến quân và các lãnh chúa. Điển hình nhất là Lực lượng thống nhất bang Wa và đảng Thống nhất bang Wa. 2 tổ chức này đã đòi ly khai khỏi liên bang Myanmar và thành lập một nhà nước tự trị. Bang Wa được bao bọc bởi những cao nguyên có độ cao hơn 2.000m, tiếp giáp với Thái Lan, nơi đây trong nhiều năm là nguồn gốc của phần lớn heroin và thuốc phiện bất hợp pháp trên thế giới. 
Từ thủ phủ Mong Lah của bang Shan, có 2 tuyến đường chính để tuồn hàng đi khắp các nơi. Cụ thể, ma túy được tập kết đến cảng Kyauk Pyu bằng đường bộ. Từ đây các lô hàng đá sẽ được tuồn đến các thành phố lớn để tiêu thụ như thủ đô Dhaka (Bangladesh), Jakarta (Indonesia), xa hơn nữa là các thị trường như Sydney (Australia). Bên cạnh đó, ma túy đá còn được vận chuyển bằng đường bộ thẳng đến Côn Minh qua cửa ngõ biên giới giữa Trung Quốc và Myanmar, rồi đi khắp khắp Trung Quốc, Hồng Công, Đài Loan…
Vào năm 2016, Lực lượng thống nhất bang Wa cho phép các nhà báo có một chuyến viếng thăm hiếm hoi đến khu vực này. Các con số chứng minh rằng họ đã ngưng sản xuất ma túy và bác bỏ hoàn toàn mọi cáo buộc nhằm vào khu vực này. Mặc dù số liệu từ Liên hợp quốc cho biết việc sản xuất và phân phối ma túy tại khu vực Tam giác vàng có dấu hiệu suy giảm trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, các nhà chức trách đưa ra quan điểm rằng có khả năng là do sự xuất hiện của một loại chất kích thích mới được ưa chuộng hơn nhưng sản xuất với giá rẻ hơn, đó là metaphetamine. 
 Khác với ma túy dạng bột, ma túy đá là những tinh thể được cấu thành từ những mảnh vụn li ti trong suốt. Methamphetamine ban đầu được sử dụng như là loại thuốc để điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh tâm thần và trầm cảm. Tuy nhiên, trong quá trình đưa vào sử dụng, các bác sĩ và các nhà khoa học nhận ra rằng methaphetamine còn gây ra ảnh hưởng xấu cho người dùng.
(Còn tiếp)

Các tin khác